Môi trường kinh doanh đang từng bước được cải thiện
“Nền Kinh tế VN đã dần phục hồi sau khủng hoảng kinh tế những năm trước đây. Tăng trưởng kinh tế được duy trì ở mức hợp lý, từ năm 2013 đến nay dần phục hồi, năm sau cao hơn năm trước; chất lượng tăng trưởng được nâng lên. Tăng trưởng GDP cả năm 2018 khoảng 6,7%. Trong đó: Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản 3,3; Khu vực công nghiệp xây dựng khoảng 7,59%; Khu vực dịch vụ tiếp tục ở mức 7,35%. Quy mô GDP 5.555 nghìn tỷ đồng, (240,5 tỷ USD) GDP bình quân đầu người 2.540 USD/người, tăng 6,3%. Chỉ số giá tiêu dùng CPI cơ bản biến động sát với điều hành của Chính phủ, ở mức tăng 3,52% so năm 2017. Lạm phát cơ bản dưới 4%” . TS Trần Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM (HIDS) cho biết.
TS Trần Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM
|
Ông phân tích: “Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả năm đạt 475 tỷ USD, tăng 11% so với năm 2017, là rất tích cực. Trong đó, xuất khẩu ước đạt 238 tỷ USD, tăng 11,2%. Xuất siêu khoảng 1 tỷ USD. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 1.890 nghìn tỷ đồng, tăng 13,3% so với năm 2017, bằng 34% GDP; Tình hình đăng ký kinh doanh tiếp tục khởi sắc năm 2018, có khoảng 130.000 doanh nghiệp được thành lập mới, tăng 2,5% so 2017 có 20.942 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động”.
Theo quan điểm được khẳng định từ ông Lê Thanh Hải, giám đốc Trung tâm Tư vấn ứng dụng kinh tế TP.HCM thì: “Lạm phát được kiểm soát, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định. Đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng nhanh. Môi trường kinh doanh tại Việt Nam nói chung và tại TP.HCM đang từng bước được cải thiện”.
Ông Lê Thanh Hải,
Giám đốc Trung tâm Tư vấn ứng dụng kinh tế TP.HCM.
|
Nói về những xu thế quan trọng của kinh tế TP.HCM năm 2019, ông Lê Thanh Hải nhận định và đưa dự báo: “Kế thừa đà tăng của 2018, chưa có dấu hiệu chững lại, TP.HCM cần đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến và tận dụng có hiệu quả cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Xây dựng thành phố thông minh, khu đô thị sáng tạo tại phía Đông thành phố, gồm Quận 2, Quận 9 và Thủ Đức; trong đó có Trung tâm Dữ liệu dùng chung, Trung tâm Mô phỏng dự báo... Thị trường bất động sản khó khăn nhưng vẫn tiềm năng. Thị trường chứng khoán tăng trưởng trong năm 2019 nhưng trồi sụt, có sự phân hóa rõ giữa các nhóm cổ phiếu và nhiều khả năng giảm vào cuối 2019 đầu 2020”.
“Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả điều hành kinh tế vĩ mô, cần tiếp tục ổn định và củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô vững chắc; kiểm soát tốt lạm phát; bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; cơ cấu lại thu, chi ngân sách nhà nước và nợ công theo hướng bảo đảm an toàn, bền vững; xử lý có hiệu quả nợ xấu của nền kinh tế gắn với cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng, nhất là các tổ chức tín dụng yếu kém. Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trọng tâm là: Hoàn thiện thể chế về cổ phần hóa, định giá doanh nghiệp nhà nước; phát triển thị trường tài chính một cách cân bằng hơn giữa thị trường tiền tệ và thị trường vốn; hoàn thiện thể chế quản lý đầu tư công, bảo đảm hiệu quả và phù hợp với thông lệ quốc tế. Rất cần khuyến khích và tạo thuận lợi, hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo, phát triển doanh nghiệp” – Ông Trần Anh Tuấn, Viện trưởng HIDS đưa ý kiến.
Ông Vũ Quang Hưng, đại diện TBS Group - doanh nghiệp giữ vị thế top đầu trong lĩnh vực gia dày, túi xách.
|
Trao đổi với VietTimes – ông Vũ Quang Hưng, đại diện TBS Group - tập đoàn kinh tế đa ngành và hiện giữ vị thế top đầu trong lĩnh vực gia dày, túi xách, đánh giá: “Mặc dù kinh tế thế giới có dấu hiệu suy thoái. Xuất khẩu và FDI có thể chững lại hoặc cắt giảm nhưng không nguy hiểm. Thị trường Việt Nam vẫn ổn định hơn so với nhiều nước trong khu vực và các năm 2019-2020 tới vẫn là một năm thuận lợi đối với ngành da giày, túi xách”.
Cần gì cho 2019?
“Chiến tranh thương mại Trung Mỹ có thể kéo dài. Đây là cuộc cạnh tranh về công nghệ mang tính toàn cầu, theo nhận định của một số chuyên gia, có thể chứa đựng nguy cơ rủi ro cao nhưng không nằm trong quyền kiểm soát của doanh nghiệp, rất cần các biện pháp điều tiết vĩ mô từ Chính phủ” – ông Vũ Quang Hưng nhận định.
Còn nghiên cứu của HIDS thì chỉ ra rằng: Tăng trưởng kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của thành phố; cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế thành phố, ùn tắc giao thông thiệt hại khoảng 6 tỷ USD mỗi năm; ngập lụt ở nhiều khu vực chưa thể khắc phục. Tăng trưởng kinh tế của TP.HCM chủ yếu vẫn dựa vào vốn và lao động; năng suất lao động mặc dù vẫn tăng nhưng còn thấp hơn nhiều so với các nước khu vực Đông Nam Á.
Những phân tích về triển vọng kinh tế 2019 của ông Lê Thanh Hải được cộng đồng doanh nghiệp hào hứng đón nhận
|
“Nâng cao chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh của kinh tế thành phố gắn với tái cấu trúc kinh tế theo chiều sâu. Thay vì tăng vốn thì phải sử dụng công nghệ để làm tăng năng suất lao động. Cần bảo đảm môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, khuyến khích khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp. Tăng cường xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ gắn với chỉnh trang đô thị, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển khoa học và công nghệ. Cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính; đẩy nhanh quá trình xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh; sử dụng ngân sách hiệu quả” – Viện trưởng Trần Anh Tuấn nhấn mạnh.
Thời nay, công nghệ hóa mạnh mẽ trong cung cấp sản phẩm dịch vụ ngân hàng và thương mại hiện đại khiến người tiêu dùng Việt thay đổi hành vi trong mua sắm thương mại và thanh toán từ phương pháp truyền thống chuyển sang số hóa.
Nhìn rộng ra sau quãng đường ổn định hai năm vừa rồi, từ 2017 đến hết năm 2018, dự báo cho năm 2019-2020 tới, các ngân hàng vẫn xoay sở được với các vấn đề liên quan đến chỉ số rủi ro của ngành. Tuy nhiên: “Mặt bằng lãi suất khó giảm, lãi suất huy động có thể chịu áp lực tăng do lạm phát và nhu cầu huy động. Trong khi đó, NIM cho vay đang mức thấp đòi hỏi các ngân hàng phải duy trì lãi suất cho vay để đảm bảo lợi nhuận. Nhu cầu vốn trung dài hạn của nền kinh tế vẫn yêu cầu rất cao, vẫn kỳ vọng nhiều vào nguồn vốn ngân hàng” – Ông Phạm Linh, Phó Tổng giám đốc VietABank nhận định trong một hội thảo trao đổi với các doanh nghiệp.
Cộng đồng doanh nghiệp TP.HCM hào hứng lắng nghe những phân tích về triển vọng kinh tế và dự báo xu thế từ các chuyên gia
|
Cũng theo ông Phạm Linh, đa số ngân hàng có lãi trong hai năm 2017-2018, dự báo đến năm 2019-2020 vẫn có cơ hội cho ngành ngân hàng, nhưng song hành với đó là rất nhiều thách thức do nhu cầu vốn tăng lên cả trong và ngoài nước khi kinh tế toàn cầu hồi phục.
TS Trần Anh Tuấn cho rằng đến lúc cần mô hình tăng trưởng mới cho nền kinh tế, trước tiên xuất phát từ điều hành vĩ mô, hoàn thiện hành lang pháp lý để cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước hiệu quả. Phát triển thị trường chứng khoán để giảm tải cho hệ thống ngân hàng. Khuyến khích các thành phần kinh tế cùng tích cực khởi nghiệp, ứng dụng công nghệ.