Theo đó, UBND xã báo cáo về đối tượng và thiệt hại đã được kiểm tra, thẩm định, UBND huyện thực hiện thẩm định, phê duyệt đối tượng và kinh phí bồi thường thiệt hại và tổng hợp gửi UBND tỉnh.
Sau đó, UBND tỉnh phối hợp với các cơ quan có liên quan kiểm tra, rà soát, thẩm định, tổng hợp đối tượng và kinh phí bồi thường thiệt hại để báo cáo Bộ Tài chính, Bộ NNPTNT.
Căn cứ ý kiến thẩm định, 2 Bộ tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ phương án phân bổ kinh phí bồi thường thiệt hại về sự cố môi trường biển cho từng địa phương để triển khai thực hiện.
Ngoài ra, văn bản của Bộ Tài chính gửi UBND 4 tỉnh miền Trung cũng nhấn mạnh việc chi trả kinh phí bồi thường phải công khai, kịp thời, đúng đối tượng và không để xảy ra tiêu cực.
Trong khi chờ địa phương báo cáo, Bộ Tài chính trình Thủ tướng tạm cấp kinh phí cho các địa phương để thực hiện chi trả. Ba đối tượng là khai thác thủy sản trên tàu có công suất máy chính từ 90 CV trở lên; nuôi trồng thủy sản (thủy sản chết) và sản xuất muối; thu nhập bị mất của người lao động làm thuê được tính chung trong định mức bồi thường thiệt hại của chủ tàu hoặc chủ cơ sở nuôi trồng thủy sản, sản xuất muối.
Trước đó, hồi tháng 6/2016, trước sự cố môi trường biển khiến hải sản chết hàng loạt tại 4 tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế, Formosa Hà Tĩnh đã chính thức nhận trách nhiệm, công khai xin lỗi Chính phủ và nhân dân Việt Nam, đồng thời bồi thường tổng số tiền 500 triệu USD.