Vì sao xăng chưa tăng giá?

Cho dù giá xăng dầu cơ sở, hay còn gọi là giá vốn của các doanh nghiệp xăng dầu nhập khẩu, đã cao hơn khoảng 1.000 đồng mỗi lít so với giá bán lẻ hiện hành, nhưng Bộ Công Thương chưa đưa ra mức giá cơ sở mới để các doanh nghiệp bán lẻ lấy đó làm căn cứ để tăng giá bán.
Hôm 19-3, người dân vẫn đang mua xăng dầu với mức giá chưa thay đổi, cho dù về lý thuyết giá vốn đã thay đổi. Ảnh:TL
Hôm 19-3, người dân vẫn đang mua xăng dầu với mức giá chưa thay đổi, cho dù về lý thuyết giá vốn đã thay đổi. Ảnh:TL

Theo thông tin công bố hôm 18-3 trên trang web của Bộ Công Thương, bình quân giá xăng thành phẩm RON 92 nhập khẩu trong 15 ngày vừa qua xấp xỉ đã 49,5 đô la Mỹ/thùng, cao hơn mức 42 đô/thùng của 15 ngày trước đó và được coi là mức chênh lệch lớn nhất từ đầu năm 2016 đến thời điểm này.

Giá nhập khẩu như vậy làm cho giá xăng dầu cơ sở hiện nay (được hình thành ở mức 42 đô la/thùng của chu kỳ trước) tăng cao hơn và mức giá bán lẻ xăng dầu hiện hành đang thấp hơn giá cơ sở gần 1.000 đồng/lít.

Thông thường, chỉ cần đợi mức chênh lêch giá cơ sở cao/thấp hơn giá bán lẻ 7% và đủ chu kỳ 15 ngày để có đủ điều kiện điều hành giá thì liên Bộ Công Thương-Tài chính sẽ công bố giá cơ sở mới để các doanh nghiệp dựa vào đó đưa ra giá bán lẻ mới. Nếu giá cơ sở hiện hành cao hơn giá bán lẻ, chắc chắn chu kỳ tăng giá mới sẽ bắt đầu, theo đúng quy định.

Nhưng Bộ Công Thương đã không dám ra quyết định tăng giá cơ sở mà báo cáo lên Thủ tướng.

Mục đích của việc báo cáo lên Thủ tướng không phải việc tăng giá ảnh hưởng đến phát triển kinh tế-xã hội và đời sống nhân dân mà lần điều chỉnh giá này buộc các cơ quan quản lý phải cân nhắc trong bối cảnh việc điều hành giá xăng dầu có nhiều điểm thiếu minh bạch phải sửa chữa.

Thứ nhất là giá cơ sở có phần được hình thành từ thuế nhập khẩu xăng dầu, tính theo quy định thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) là 20% (xăng), 10% (diesel), 10% (madut), 13% (dầu hỏa), 10% (xăng Jet A1) nhưng không phải tất cả các nguồn nhập khẩu từ nước ngoài về được tính theo mức thuế này. Nhiều nguồn nhập khẩu xăng dầu có thuế suất thấp hơn, chẳng hạn từ Hàn Quốc (có mức thuế theo cam kết FTA chỉ là 10%). Ngay cả trong mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt trong ASEAN (ATIGA) thì ngoại trừ xăng được nhập với thuế 10%, các sản phẩm còn lại đều có mức thuế rất thấp, thậm chí là 0%.

Trong khi đó giá cơ sở tính toán theo MFN cao hơn ưu đãi của cam kết ATIGA và FTA Việt Nam- Hàn Quốc từ 5 điểm phần trăm đến 13 điểm phần trăm là không hợp lý, mang lại lợi ích rất rõ cho doanh nghiệp, giúp họ thu về chênh lệch hàng ngàn tỉ đồng.

Bộ Tài chính công nhận doanh nghiệp đã thu về 3.500 tỉ đồng tiền hoàn thuế năm 2015 theo các FTA nhưng Bộ Công Thương vẫn tính giá cơ sở trên mức thuế MFN.

Bộ Tài chính đã giảm thuế các mặt hàng dầu diesel, dầu hỏa, madut, nhiên liệu bay từ 10% và 13% xuống 7% để “gần” các FTA hơn. Tuy nhiên mức giảm mới bắt đầu từ hôm 18-3. Và cách tính giá nhập khẩu trong giá cơ sở theo cách mới là lấy bình quân gia quyền các biểu thuế (MFN và FTA), tỉ trọng xăng dầu nhập khầu từ các nước ký biểu thuế FTA được xác định theo quý để tính ra giá nhập khẩu cơ sở, cộng với thuế, phí có liên quan. Như cách mới này thì thuế nhập khẩu chắc chắn sẽ thấp hơn mức thuế cũ.

Do cách tính giá cơ sở mới chưa “bù đắp” được thiệt hại mà người tiêu dùng đã phải gánh chịu trong thời gian qua, các cơ quan quản lý không dám “mạo hiểm” tăng giá xăng ngay tức thì, tại thời điểm được phép điều chỉnh. Việc giữ nguyên giá xăng, tiếp tục trích quỹ bình ổn xăng dầu, theo hướng trích nhiều hơn mức 363 đến 370 đồng/lít xăng tùy loại (đang được áp dụng) có thể sẽ là một phương án được cơ quan quản lý tính tới.

Song cách này về bản chất thì vẫn là dùng tiền của người tiêu dùng ứng trước, ít hay nhiều hơn, để chi trả cho chính mình mà thôi.

Theo TBKTSG