Vì sao Thổ Nhĩ Kỳ bất ngờ đổi tên nước?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Thổ Nhĩ Kỳ được cho là có những "tính toán" riêng khi quyết định đổi tên gọi dưới thời Tổng thống Recep Tayyip Erdogan.
Người đàn ông vẫy cờ Thổ Nhĩ Kỳ (Ảnh: AP).
Người đàn ông vẫy cờ Thổ Nhĩ Kỳ (Ảnh: AP).

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu tuần này thông báo Thổ Nhĩ Kỳ đã gửi thư tới Liên Hợp Quốc và các tổ chức quốc tế khác, yêu cầu sử dụng tên gọi "Türkiye", thay vì "Turkey", trên toàn cầu.

Ông Stéphane Dujarric, người phát ngôn của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, hôm 2/6 cho biết quyết định đổi tên nước của Thổ Nhĩ Kỳ đã có hiệu lực.

"Không có gì bất thường khi chúng tôi nhận được những yêu cầu như vậy", ông Dujarric nói với Washington Post.

Động thái này sẽ điều chỉnh tên tiếng Anh của đất nước theo tiếng Thổ Nhĩ Kỳ. Hai từ được phát âm tương tự nhau, nhưng "Türkiye" có thêm một âm tiết ở cuối - được phát âm là "yay".

Thổ Nhĩ Kỳ đã lấy tên chính thức là Türkiye Cumhuriyeti, hay Republic of Turkey (Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ), sau khi thành lập nước vào năm 1923.

Mặc dù Thổ Nhĩ Kỳ đã được gọi là "Turkey" bằng tiếng Anh trong ít nhất một thế kỷ, và tên gọi này cũng được sử dụng trong nước, nhưng ngày càng có nhiều người muốn thúc đẩy việc đổi tên thành "Türkiye". Vào tháng 1/2020, một nhóm các nhà xuất khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ cho biết họ sẽ sử dụng cụm từ "Made in Türkiye", thay vì "Made in Turkey" (Sản xuất tại Thổ Nhĩ Kỳ) trên tất cả các nhãn của mình, nhằm tiêu chuẩn hóa thương hiệu.

Động thái này được nêu ra chính thức trong một sắc lệnh của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan vào năm 2021.

"Tên gọi "Türkiye" đại diện và thể hiện rõ nhất văn hóa, văn minh và các giá trị của dân tộc Thổ Nhĩ Kỳ", ông Erdogan giải thích.

Tên gọi mới sẽ không chỉ thay thế cho "Turkey", mà còn những tên gọi khác được sử dụng trên toàn cầu, chẳng hạn "Turkei" và "Turquie".

Chính phủ của Tổng thống Erdogan coi việc đổi tên như một động thái xây dựng thương hiệu kinh tế nhằm tăng cường vị thế thương mại của Thổ Nhĩ Kỳ trên trường quốc tế.

Nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ đã rơi vào khủng hoảng trong nhiều tháng do lạm phát tăng nhanh, trong bối cảnh Tổng thống Erdogan đang thúc đẩy cắt giảm lãi suất. Đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ có giá trị thấp khiến hàng hóa xuất khẩu từ nước này tương đối rẻ, mặc dù các nhà kinh tế cho rằng thâm hụt thương mại có thể vẫn tiếp diễn do chi phí hàng hóa trung gian cao.

Cuộc tổng tuyển cử tại Thổ Nhĩ Kỳ dự kiến sẽ được tổ chức trong hơn một năm tới. Kinh tế vẫn là vấn đề then chốt đối với ông Erdogan, người đã nắm quyền từ năm 2003.

Một động lực khác khiến Thổ Nhĩ Kỳ thay đổi tên có thể bắt nguồn từ niềm tự hào. Một bản tin gần đây của đài truyền hình nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ TRT đã lý giải rằng từ "Turkey", ngoài việc được sử dụng như một danh từ riêng, còn có một số nghĩa khác không thực sự tích cực.

"Gõ "Turkey" vào trang Google, bạn sẽ nhận được một loạt hình ảnh, bài báo và định nghĩa từ điển gắn Thổ Nhĩ Kỳ với Meleagris - hay còn được gọi là gà tây, một loài chim lớn có nguồn gốc từ Bắc Mỹ - nổi tiếng vì thường được phục vụ trong thực đơn Giáng sinh hoặc bữa tối trong Lễ tạ ơn. Lướt qua Từ điển Cambridge và "Turkey" được định nghĩa là "thứ gì đó thất bại nặng nề" hoặc "một người ngu ngốc hoặc ngớ ngẩn", bản tin của TRT cho biết.

Đầu năm nay, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã phát hành một video quảng cáo trong nỗ lực nhằm thay đổi tên gọi bằng tiếng Anh. Video cho thấy khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới nói "Xin chào Türkiye" tại các điểm đến nổi tiếng.