Vì sao Techcombank nhiều năm “khất” cổ tức?

Techcombank lại xin khất cổ tức với cổ đông, lợi nhuận còn lại trong năm 2014 sẽ dùng để phục vụ hoạt động kinh doanh. Đây là năm thứ tư, ngân hàng này khất cổ tức với cổ đông.
Cổ đông có quyền đặt dấu hỏi về lợi nhuận của Techcombank và mức độ minh bạch thông tin khi 5 năm không chia cổ tức
Cổ đông có quyền đặt dấu hỏi về lợi nhuận của Techcombank và mức độ minh bạch thông tin khi 5 năm không chia cổ tức

Với lý do huy động vốn khó khăn, giữ các chỉ số an toàn vốn và duy trì phát triển, tái đầu tư dài hạn… Techcombank đã biện minh cho việc không trả cổ tức năm năm qua. Vậy nhiều năm qua, Techcombank hoạt động thế nào và khẳng định vị thế trong ngân hàng cổ phần ra sao?

Cổ đông có quyền nghi ngờ con số lãi

Một vấn đề khiến không ít cổ đông bức xúc, đó là việc không chia cổ tức của Techcombank từ năm 2011 đến nay. Có nhiều lý do được lãnh đạo ngân hàng này đưa ra và cổ đông nhỏ bức xúc nhưng với tỷ lệ cổ đông lớn chiếm đa số, nên việc không chia cổ tức vẫn được thông qua.

Dự kiến, đại hội cổ đông ngày 18/4 tới, việc không chia cổ tức năm 2014 cũng sẽ được thông qua với đa số phiếu thuận của nhóm cổ đông lớn.

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng, việc không chia cổ tức trong nhiều năm của một doanh nghiệp có hai nguyên nhân hoặc đa số cổ đông đồng thuận không chia cổ tức hoặc con số lãi có vấn đề.

“Trừ trường hợp toàn bổ cổ đông đồng ý không chia lãi. Còn trong trường hợp không phải đồng thuận của tất cả các cổ đông thì phải xem việc có lãi có thật không?”, ông Hiếu bình luận.

Theo ông Hiếu, trong điều kiện hiện nay, việc các ngân hàng hạn chế chia cổ tức bằng tiền mặt là hợp lý nhưng vẫn phải thực hiện chia lãi bằng cổ phiếu.

“Trừ trường hợp, giá trị gia tăng của cổ phiếu trên thị trường vẫn tốt thì việc không chia cổ tức vẫn được cổ đông chấp nhận. Nhưng đối với cổ phiếu ngân hàng, trong nhiều năm qua, giá cổ phiếu ngân hàng liên tục giảm. Vậy thì cổ đông sẽ trông đợi vào đâu khi cả cổ tức cũng không có?”, ông Hiếu phân tích.

Theo ông Hiếu, việc không chia cổ tức sẽ đặt ra vấn đề có phải trên sổ sách thể hiện có lãi, báo cáo tài chính cũng thể hiện có lãi nhưng trên thực tế là lỗ.

“Vì nếu lỗ, ngân hàng sẽ phải lấy vốn của mình ra để chia cho cổ đông. Do vậy, việc nhiều năm không chia cổ tức, cổ đông hoàn toàn có thể đặt dấu hỏi về việc liệu con số lãi trên sổ sách có thể hiện đúng tình trạng lời lỗ của ngân hàng đó không?”, ông Hiếu bình luận.

Nếu nhìn vào kết quả hoạt động kinh doanh của Techcombank trong 5 năm qua, có thể thấy chiều hướng đi xuống của ngân hàng này, lợi nhuận năm sau giảm hơn năm trước.

Năm 2011, lợi nhuận trước thuế đạt 4.203 tỷ đồng thì năm 2012 chỉ đạt 1.017 tỷ đồng, năm 2013 tiếp tục “teo tóp” còn 878 tỷ đồng. Năm 2014 tuy lợi nhuận có cải thiện hơn, lên mức 1.417 tỷ đồng nhưng vẫn thấp hơn so với quy mô vốn của ngân hàng cũng như so với top 5 ngân hàng cổ phần.

Ngoài ra, cổ đông hoàn toàn có thể nghi ngờ về sự minh bạch của ngân hàng trong việc trích lập dự phòng và phân loại nợ. Việc ngân hàng không chia cổ tức có thể có sự yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước.

Mặc dù luật bất thành văn, nhưng năm 2015, cổ tức của các ngân hàng sẽ không được tự quyết định nữa và việc chia lợi nhuận năm 2014 sẽ nằm dưới sự giám sát chặt chẽ của Ngân hàng Nhà nước.

Thống đốc Ngân hàng  Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết, việc chia lợi nhuận năm 2014 của các ngân hàng sẽ nằm dưới sự giám sát chặt chẽ của Ngân hàng Nhà nước đảm bảo rằng chỉ các TCTD nào trích lập đầy đủ dự phòng rủi ro mới được phép chia cổ tức

“Tôi đề nghị các đồng chí giám đốc các Ngân hàng Nhà nước, chi nhánh phối hợp chặt chẽ với thanh tra và các đơn vị của Ngân hàng Nhà nước kiểm soát chặt chẽ việc này”, Thống đốc nhấn mạnh.

Dấu hỏi về mức độ minh bạch thông tin

Việc đánh giá tiềm năng một ngân hàng có thể mang tính tương đối, nhưng để đánh giá mức độ minh bạch thông tin thì có thể nhìn vào cách công bố thông tin của ngân hàng đó với cổ đông.

Techcombank là một ví dụ. Cách công bố thông tin của ngân hàng này khiến không ít cổ đông không hài lòng. Trong tài liệu công bố phục vụ họp đại hội cổ đông năm 2015, Techcombank công bố báo cáo kiểm toán độc lập năm 2014 nhưng không đầy đủ. Ngân hàng này chỉ công bố 12 trang, còn các phần báo cáo thuyết minh khác trong báo cáo không thấy.

Câu hỏi đặt ra là có vấn đề gì trong phần báo cáo thuyết minh mà ngân hàng này không thể công bố cho cổ đông biết? Chỉ riêng con số nợ xấu, một trong những vấn đề quan tâm nhất của cổ đông đối với Techcombank cũng không được thể hiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, từ tháng 1/6/2014, các ngân hàng buộc phải trích lập dự phòng và phân loại nợ theo Thông tư 02 thay vì Quyết định 493/2005/QD- NHNN. Do vậy, báo cáo tài chính năm 2014 của các ngân hàng phải thể hiện việc trích lập dự phòng và phân loại nợ theo Thông tư 02.

Tuy nhiên, báo cáo tài chính của Techcombank vẫn thể hiện ngân hàng này thực hiện phân loại nợ và lập dự phòng rủi ro theo Quyết định 493. Việc thực hiện phân loại nợ theo Quyết định 493 thay vì Thông tư 02 có thể đã không thể hiện đúng chất lượng tài sản và con số nợ xấu của Techcombank.

Theo báo cáo tài chính của Techcombank, năm 2014, nợ xấu chiếm 2,38% trên tổng dư nợ, trong khi cuối năm 2013 là 3,65%. Trong cơ cấu nợ, nợ nhóm 5 chiếm hơn một nửa tổng số nợ xấu tính đến thời điểm cuối năm 2014.

Việc giảm mạnh nợ xấu có thể do ngân hàng này tích cực bán nợ cho VAMC. Năm 2014, Techcombank bán cho VAMC khoảng 2.980.069 đồng, trong khi năm 2013, bán cho VAMC là 1.823.793 đồng.

Một vấn đề nữa có Techcombank, đó là tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông hiện hữu. Theo tài liệu HĐQT Techcombank gửi đại hội cổ đông năm 2015, phương án xử lý 3.000 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi đang gặp khó vì tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông có thể vượt trần.

Trước đó, tháng 12/2010, ngân hàng đã phát hành cho cổ đông 30 triệu trái phiếu chuyển đổi, tổng trị giá 3.000 tỷ đồng (mệnh giá 100.000 đồng/TP, kỳ hạn 10 năm). Mức giá chuyển đổi ban đầu là 17.188,38 đồng/CP. Vào năm thứ 6, 3.000 tỷ đồng trái phiếu được chuyển đổi thành cổ phần Techcombank để tăng vốn, tức sau thời điểm tháng 12/2015.

Theo HĐQT, do 97% tổng mệnh giá trái phiếu chuyển đổi (tương ứng 2.910 tỷ đồng) được sở hữu bởi cổ đông hiện hữu của Techcombank. Nếu thực hiện chuyển đổi, các cổ đông nắm giữ phần lớn trái phiếu sẽ không thể chuyển đổi được hết do bị vướng quy định về hạn chế tỷ lệ sở hữu cổ phần tại Techcombank…”. Vì, Luật các TCTD khống chế tỷ lệ sở hữu cổ phần của cá nhân tối đa là 5% vốn điều lệ ngân hàng, tổ chức là 15%, cổ đông và người có liên quan sở hữu không vượt quá 20%.

Vấn đề vi phạm “vượt trần” sở hữu cũng rất đáng lo ngại. Đến cuối năm 2014, ngân hàng có một số cổ đông lớn, như: HSBC nắm 19,41% vốn ngân hàng, Tập đoàn Masan sở hữu 19,5%, ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch HĐQT (1,34%) và Nguyễn Đăng Quang, Phó chủ tịch (nắm 0,32%) nhưng hai lãnh đạo này có liên quan đến cổ đông Masan; Công ty CP Eurowindow Holdings nắm 4,71%...

Nhưng theo báo cáo tài chính của Masan, công ty này đầu tư vào Techcombank tính đến ngày 31/12/2014 là 8.357.101 triệu đồng. Khoản đầu tư của Masan vào Techcombank phản ánh khoản đầu tư tương đương 30,36%. Lợi ích kinh tế thực tế của Masan bao gồm15,64% thông qua lợi ích vốn chủ sở hữu và 14,72% thông qua trái phiếu chuyển đổi kỳ hạn 10 năm phát hành bởi Techcombank.

Tuy nhiên, câu chuyện đáng quan tâm hơn, đó là vì sao Techcombank cần huy động tới 3.000 tỷ đồng trái phiếu tăng vốn vào năm 2010?

Riêng năm 2010, ngân hàng này đã tăng vốn thêm 1.531 tỷ đồng lên mức 6.932 tỷ đồng.

Đợt phát hành cổ phần được Techcombank công bố phương án sử dụng vốn cụ thể, gồm đầu tư trụ sở, thiết bị mạng lưới hoạt động, công nghệ, bổ sung vốn… Tuy nhiên, ngân hàng lại không hề tiết lộ đã “tiêu” 3.000 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi như thế nào? Hiệu quả sử dụng nguồn vốn cấp 2 này hiện vẫn là… bí ẩn!

Theo Bizlive