Theo Hiến pháp 2013, Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân; sự vận hành và quản lý mọi hoạt động của xã hội đều trên cơ sở của pháp luật.
Báo chí, truyền thông là một trong những lĩnh vực quan trọng trong đời sống xã hội nên được Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm.
Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa VIII, luật Báo chí đã được Quốc hội thông qua ngày 28/12/1989 và được Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 2/4/1990. Ngày12/6/1999, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa X đã thông qua luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Báo chí.
Qua hơn 15 năm thi hành, luật Báo chí và các văn bản hướng dẫn thi hành luật đã tạo hành lang pháp lý để hoạt động báo chí và các hoạt động liên quan đến báo chí có bước phát triển vượt bậc.
Hệ thống báo chí Việt Nam đã có những bước tiến nhảy vọt, tăng nhanh về số lượng loại hình và chất lượng thông tin, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước và đáp ứng ngày càng cao yêu cầu cung cấp thông tin của các tầng lớp nhân dân.
Mặc dù vậy, thực tiễn việc thi hành luật Báo chí những năm qua cho thấy, bên cạnh những nội dung cơ bản mang tính tích cực, phù hợp, luật Báo chí 1999 đã bộc lộ một số vấn đề bất cập, không thể điều chỉnh kịp thời những vấn đề mới nảy sinh trong đời sống báo chí hiện nay thể hiện trên một số khía cạnh sau:
Thứ nhất, khác với trước đây, mỗi cơ quan báo chí hiện nay đã có nhiều loại hình và nhiều ấn phẩm báo chí. Nhiều cơ quan báo in có cả báo điện tử và truyền hình. Trong đài truyền hình có báo in và báo điện tử. Trong đài phát thanh có truyền hình, báo điện tử và báo in. Một số bộ, ngành đã có thêm kênh truyền hình chuyên biệt.
Thứ hai, trong mỗi cơ quan báo chí và mỗi loại hình báo chí đã xuất hiện nhiều ấn phẩm mới mà trước đây chưa hề có. Đó là những báo tuần, báo cuối tuần, thông tin chuyên đề, thông tin cơ sở; truyền hình thời sự chính trị; truyền hình văn hóa; truyền hình thể thao giải trí; truyền hình sức khỏe; phát thanh thời sự chính trị, phát thanh văn hóa - đời sống, phát thanh tiếng dân tộc, phát thanh tiếng nước ngoài, phát thanh giao thông, phát thanh cảm xúc…
Thứ ba, sự phát triển và hội tụ về công nghệ giữa viễn thông, truyền thông và internet diễn ra mạnh mẽ… càng ngày càng xuất hiện nhiều loại hình, chuyên đề, chuyên mục báo chí mới chưa có trong các quy định hiện hành.
Thứ tư, vấn đề xã hội hóa và liên kết giữa các cơ quan báo chí với các tổ chức, đơn vị dịch vụ ngoài lĩnh vực báo chí đang diễn ra hết sức phổ biến làm cho nội dung các chương trình của nhiều loại hình báo chí bị chuyển đổi sai lệch so với tôn chỉ, mục đích ban đầu.
Thứ năm, vấn đề kinh tế báo chí đang nổi lên như một trọng điểm trong hoạt động của mọi cơ quan báo chí. Việc định mức thuế trong kinh doanh báo chí, thuế quảng cáo báo chí, cơ chế chi tiêu và định mức trong các loại hình báo chí... đều hết sức bức xúc, cần có những quy định của pháp luật.
Thứ sáu, trong hoạt động báo chí đã xuất hiện những sai phạm mới mà luật Báo chí 1999 chưa bao quát hết như: Không thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, khi các cơ quan báo chí đều có thêm loại hình ấn phẩm mới, thông tin sai lệch một nửa sự thật, thông tin vi phạm đời tư của các cá nhân hoặc tiết lộ các thông tin kinh tế không được tổ chức đó đồng ý, thông tin vi phạm thuần phong mỹ tục, thông tin bạo lực…
Những vấn đề nêu trên cho thấy rất cần sửa đổi những vấn đề không còn phù hợp, bổ sung những vấn đề mới cho thực tiễn đời sống xã hội và sự phát triển của báo chí đặt ra nhưng chưa được quy định trong luật Báo chí hiện hành.
Cần ban hành luật Báo chí mới để khắc phục những mặt chưa đầy đủ, chưa hoàn chỉnh, bổ sung những vấn đề mới sát, hợp với yêu cầu do sự phát triển nhanh chóng của tình hình mới trong đất nước và đời sống báo chí đặt ra.
Lê Ngọc Đức theo VietnamNet