Dù đã ra mắt được 18 tháng, nhưng cứ 4 người lại có 3 người không buồn nâng cấp máy tính của họ lên phiên bản hệ điều hành mới nhất của Microsoft, Windows 10. Hơn 700 triệu trong số 1,5 tỷ máy tính trên thế giới vẫn tiếp tục chạy Windows 7, một phần mềm cách phiên bản mới nhất đến 3 thế hệ. Khoảng 300 triệu người dùng vẫn đang dùng các phiên bản khác, một nửa số này vẫn dùng Windows XP. Người dùng doanh nghiệp càng ngần ngại Windows 10 hơn. Theo nghiên cứu gần đây của Softchoice, một hãng tư vấn công nghệ, máy tính của các doanh nghiệp hầu hết chạy các phiên bản Windows cũ hơn. Chưa đến 1% số này đã nâng cấp lên Windows 10.
Như vậy, mới có khoảng 400 triệu bản Windows 10 hiện đang được sử dụng. Thông thường, sau khi ra mắt thị trường 18 tháng, con số dùng phải cao hơn rất nhiều. Windows XP là hệ điều hành thành công nhất của Microsoft, với hơn 1 tỷ bản copy được dùng trên toàn thế giới. Gần đây, Microsoft đã thừa nhận họ không thể đạt mục tiêu Windows 10 được cài trên 1 tỷ máy tính vào năm 2018.
Theo Net Applications, một hãng phân tích web, Windows 10 chiếm trên 24% tất cả hệ điều hành. Trên thị trường, gia đình Windows chiếm 92% thị phần, OS X của Apple, nguồn mở Linux và hệ điều hành Chrome của Google chiếm 8% còn lại.
Không nghi ngờ gì về việc Windows 10 là một phần mềm ấn tượng, và là hệ điều hành bảo mật nhất. Nhưng sử dụng Windows 10 cần một trình độ am hiểu công nghệ ở mức tương đối chuyên nghiệp, vì thế người dùng thông thường vẫn thích những phiên bản cũ hơn. Ngoài ra, Windows 10 còn đòi hỏi quá nhiều sự riêng tư của người dùng. Với những vấn đề này, người dùng có thể lựa chọn mua một máy tính thân thiện hơn là Macintosh hoặc Chromebook – và không ai có thể trách cứ họ về điều đó.
Với Microsoft, câu trả lời rõ ràng nhất là tập trung vào việc thuyết phục các doanh nghiệp nâng cấp. Bởi vì từ đầu năm nay, người dùng doanh nghiệp của Microsoft đã được khuyến cáo rằng dù đã được nâng cấp bảo mật, Windows 7 đơn giản không được thiết kế để đối phó với những mối đe dọa bảo mật ngày nay. Thông tin doanh nghiệp phải được đảm bảo tránh những cuộc tấn công mã độc bằng cách nâng cấp hệ điều hành.
Chẳng hạn, vừa qua các nhà nghiên cứu của Microsoft đã chỉ ra 2 vụ tấn công “zero-day” gần đây (những vụ tấn công chưa từng có trước đây) do nhóm hacker Strontium thực hiện – nhóm này được cho là có mối liên hệ với tình báo Nga. Các vụ tấn công này đã đột nhập vào hệ thống máy tính Mỹ trong chiến dịch tranh cử Tổng thống vừa qua, trong đó có máy của Ủy ban Dân chủ quốc gia, cựu ngoại trưởng Mỹ Colin Powell và các nhóm chính trị khác. Cả hại vụ tấn công sẽ có thể được chặn nhờ các nâng cấp trong Windows 10 kể từ bản Anniversary Update (Windows 10.1) tháng 8/2016.
Những phiên bản Windows cũ hơn không thể trang bị khả năng trên Windows 10. Microsoft cũng không làm như thế ngay cả khi hãng có thể. Người dùng Windows 7 sẽ sớm không thể tiếp cận được bộ công cụ dành riêng để chống các lỗ hổng zero-day. Bộ tính năng này đã được Microsoft tích hợp vào Windows 10. Mục đích rất rõ ràng: người dùng doanh nghiệp cần sự bảo vệ tốt hơn sẽ phải nâng cấp lên Windows 10.
Mặc dù vậy, những nâng cấp đó không hẳn sẽ suôn sẻ, những trục trặc kỹ thuật luôn xảy ra. Trang The Economist cho biết đã có trường hợp chiếc máy tính bảng Windows 10 gặp vấn đề khi nâng cấp phiên bản, khiến màn hình cảm ứng trở nên vô dụng. Vì thế, người dùng đã quay trở về với chiếc MacBook Pro và nâng cấp máy để bàn Windows 7 lên phiên bản Linux Mint mới nhất, chứ không lên Windows 10.
Hơn nữa, ngoài việc bảo mật hơn, trang bị những tính năng nổi bật, song có tin Microsoft đã chèn quảng cáo vào hệ điều hành – đưa những ứng dụng bên thứ ba cũng như các dịch vụ và phần mềm của hãng vào – có thể khiến người dùng lần nữa phải nghĩ lại về việc nâng cấp lên Windows 10.
Người dùng từng quen rằng chỉ có phần mềm miễn phí mới có quảng cáo; họ chọn trả phí là để sử dụng phần mềm không có quảng cáo. Microsoft đã tính phí 120 USD hoặc 200 USD cho Windows 10 (tùy thuộc vào từng phiên bản), và giờ họ lại muốn kiếm thêm chi phí quảng cáo – dù không quá nhiều. Dù có những phong cách riêng, Macintosh và Linux chưa bao giờ trở nên hấp dẫn đến như vậy.
Theo The Economist