Vì sao một ngân hàng ‘bốc hơi’ 4.500 tỷ đồng?

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đến cuối tháng 9/2015, vốn điều lệ của nhóm 8 ngân hàng quốc doanh đã tăng 2,45%, đạt 147.754 tỷ đồng. Song xét về số tuyệt đối, tổng quy mô vốn sẽ tăng cao hơn nếu không bị “mất” tới 4.500 tỷ đồng vốn ở một “ngân hàng 0 đồng”.
NHNN và các ngân hàng quốc doanh lớn đang rốt ráo xử lý, làm “hồi sinh” 3 ngân hàng 0 đồng
NHNN và các ngân hàng quốc doanh lớn đang rốt ráo xử lý, làm “hồi sinh” 3 ngân hàng 0 đồng

NHNN vừa công bố số liệu thống kê về một số chỉ tiêu cơ bản trong hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) tính đến cuối tháng 9/2015. 

Nhìn chung, hệ thống có sự tăng trưởng khả quan về tài sản, vốn tự có, vốn điều lệ. Các chỉ số ROA, ROE, tỷ lệ an toàn vốn đã được cải thiện đáng kể.

Vốn điều lệ tăng 21.000 tỷ đồng

Cụ thể, tổng tài sản của toàn hệ thống TCTD đạt hơn 6.868 nghìn tỷ đồng, tăng 5,4% so với cuối năm 2014. Tổng vốn tự có tăng mạnh 11,7%, tương ứng thêm khoảng 58.200 tỷ đồng, lên mức 554.800 tỷ đồng. Trong khi đó, vốn điều lệ chỉ tăng nhẹ 21.000 tỷ đồng (tăng 4,8%) lên 456.700 tỷ đồng.

Đóng góp vào số liệu tăng trưởng của hệ thống chủ yếu từ khối 8 ngân hàng quốc doanh, gồm: BIDV, Agribank, Vietinbank, Vietcombank, Ngân hàng chính sách xã hội cùng 3 “ngân hàng 0 đồng” được chuyển đổi sang mô hình 100% vốn nhà nước là Ngân hàng Xây dựng (VNCB, nay đổi là CB), OceanBank, GPBank.

Tổng tài sản của khối ngân hàng gốc quốc doanh đã tăng hơn 66.800 tỷ đồng lên 3.212,6 nghìn tỷ đồng, tổng vốn tự có đạt 187.091 tỷ đồng và tổng vốn điều lệ là 147.754 tỷ đồng.

Trong khi đó, khối ngân hàng TMCP lại chỉ lấy lại đà tăng tổng tài sản khoảng 1,72% sau khi để “bốc hơi” 15.000 tỷ đồng trong tháng 8/2015. Hiện, tổng tài sản của khối này ở mức 2.734 nghìn tỷ đồng, vốn điều lệ đạt 190.553 tỷ đồng…

Một điểm chú ý là “vốn điều lệ của toàn hệ thống giảm 4.500 tỷ đồng so với kỳ công bố trước do điều chỉnh giảm vốn điều lệ của một ngân hàng trong nhóm tái cơ cấu”, báo cáo của NHNN nêu.

Dù danh tính ngân hàng bị giảm vốn này không được tiết lộ, nhưng theo các thông tin công bố thì có thể khoanh vùng trong nhóm 3 ngân hàng 0 đồng mà NHNN đã mua lại (OceanBank, VNCB nay đổi là CB, GPBank). 

Cả 3 ngân hàng này được đánh giá là hoạt động yếu kém, thua lỗ âm vốn điều lệ (không đủ mức vốn pháp định tối thiểu 3.000 tỷ đồng).

Được biết, thời điểm năm 2014, Ngân hàng Xây dựng đã từng công bố nâng vốn điều lệ lên mức 7.500 tỷ đồng sau các đợt tăng vốn, cổ đông góp thêm vốn… Nhưng tháng 3/2015, NHNN tuyên bố mua lại VNCB với giá 0 đồng, số vốn điều lệ được công bố rút xuống chỉ còn 3.000 tỷ đồng, tức đã “bốc hơi” 4.500 tỷ đồng. 

Và đến tháng 7/2015, báo cáo của NHNN mới ghi nhận mức điều chỉnh là giảm vốn của một ngân hàng thuộc diện tái cơ cấu, mà nhiều khả năng là Ngân hàng Xây dựng. Nguyên nhân điều chỉnh giảm vốn ở ngân hàng 0 đồng chưa được công bố. 

Hiện, chưa có đánh giá nào cụ thể từ cơ quan chức năng về khoản góp vốn 4.500 tỷ đồng vào Ngân hàng Xây dựng có là vốn ảo hay không và thuộc về những cổ đông hiện hữu nào?

Trong một vụ án sai phạm xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng, Cơ quan điều tra (Bộ Công an) đã công bố rằng, ông Phạm Công Danh, nguyên Chủ tịch HĐQT ngân hàng này cùng các đồng phạm đã “rút ruột” ngân hàng khoảng 18.000 tỷ đồng. Vụ án này hiện đang được điều tra, làm rõ, đánh giá thiệt hại.

NHNN có “bù đắp” vốn ?

Hiện tại, NHNN đang cùng với hai nhà băng lớn điều hành trực tiếp Ngân hàng Xây dựng, OceanBank, GPBank để xử lý những tồn tại, vực dậy hoạt động kinh doanh, bù đắp vốn mất mát… 

Vì cả OceanBank và GPBank đã bị thua lỗ lớn, âm vốn điều lệ mà các cổ đông không thể góp đủ vốn theo yêu cầu của NHNN và Luật các TCTD (vốn pháp định tối thiểu là 3.000 tỷ đồng).

Khi trở thành ngân hàng 100% vốn nhà nước, ba ngân hàng này sẽ phải đảm bảo có vốn điều lệ thực tối thiểu 3.000 tỷ đồng. Ngoài trường hợp Ngân hàng Xây dựng, hai nhà băng OceanBank và GPBank đang được NHNN cùng với Vietinbank, Vietcombank hỗ trợ, khôi phục hoạt động ổn định.

Hai ngân hàng đã bị âm vốn nên sẽ cần thời gian để “xử lý” phần âm vốn, đảm bảo đủ điều kiện hoạt động theo quy định pháp luật. Theo đó, ngân hàng sẽ phải tự cân đối, bù đắp vốn thiếu hụt bằng nguồn lợi nhuận kinh doanh, hoặc nguồn vốn góp thêm. 

Hoặc ngân hàng sẽ điều chỉnh giảm vốn điều lệ theo mức vốn thực có, đảm bảo không thấp hơn 3.000 tỷ đồng.

Để hỗ trợ hoạt động ngân hàng 0 đồng đang rất khó khăn, NHNN có thể xem xét tái cấp vốn như đã từng hỗ trợ Ngân hàng SCB sau khi hợp nhất. Nhờ nguồn tái cấp vốn của NHNN, thực tế, ngân hàng SCB đã dần ổn định hoạt động kinh doanh, đảm bảo thanh khoản, có vốn cấp tín dụng, xử lý nợ xấu…

Ông Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng giám đốc SCB từng chia sẻ, ngân hàng SCB đã dần dần trả được các khoản tái cấp vốn cho NHNN, xử lý khối nợ xấu lớn, cải thiện lợi nhuận tốt hơn./.

Theo TBTC