Mua ngân hàng 0 đồng - Chuyện mua bán hay quốc hữu hóa tài sản?

Thêm một lần nữa đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và một số chuyên gia, quan chức khác lên tiếng khẳng định, việc mua lại các ngân hàng 0 đồng chỉ đơn thuần là quan hệ mua bán chứ không phải là quốc hữu hóa các ngân hàng này.
Oceanbank là một trong những ngân hàng được mua lại với giá 0 đồng
Oceanbank là một trong những ngân hàng được mua lại với giá 0 đồng

Thêm nữa, quan hệ mua bán này được nhấn mạnh ở chỗ là NHNN chỉ mua cổ phiếu của các ngân hàng này (mua theo giá thị trường được xác định ở mức 0 đồng), chứ không phải là mua (bản thân) các ngân hàng này.

Xem ra vấn đề này không phải chỉ là chuyện câu chữ, mặc dù về nguyên nhân và bản chất thì đã rõ!

Về nguyên nhân, với vai trò là người “cầm trịch”, bảo đảm sự an toàn cho hệ thống ngân hàng, được giao trách nhiệm cũng như quyền lực trong các quy định pháp luật, việc NHNN quyết định mua lại một số ngân hàng với giá 0 đồng như vừa qua hoàn toàn có thể được coi là cần thiết và hợp pháp.

Về bản chất, trên danh nghĩa NHNN đúng là chỉ mua lại (bắt buộc toàn bộ) cổ phiếu của các ngân hàng 0 đồng này, chứ không phải mua lại các ngân hàng đó, và mua với giá là 0 đồng. Nhưng bằng việc mua lại này, NHNN đã chính thức thế chân toàn bộ cổ đông hiện hữu của các ngân hàng này, dù là cổ đông lớn hay nhỏ, tổ chức hay cá nhân, để trở thành chủ sở hữu duy nhất của chúng, với tên gọi chính thức là ngân hàng thương mại trách nhiệm hữu hạn một thành viên (XYZ), do Nhà nước làm chủ sở hữu.

Do đó, việc chuyển đổi hình thức sở hữu ở các ngân hàng này từ sở hữu tư nhân (cổ phần) sang thuộc sở hữu hoàn toàn của Nhà nước với đại diện là NHNN thì về bản chất chính là, phải được gọi là quốc hữu hóa - biến một tài sản nào đó thuộc sở hữu phi nhà nước thành sở hữu nhà nước (bằng những phương pháp như trưng thu, tịch thu, mua lại), cho dù tài sản này có thể không còn giá trị gì.

Việc chuyển đổi hình thức sở hữu ở các ngân hàng từ tư nhân (cổ phần) sang thuộc sở hữu hoàn toàn của Nhà nước, về bản chất, phải được gọi là quốc hữu hóa, cho dù tài sản này có thể không còn giá trị gì.

Tương tự, việc mua lại toàn bộ cổ phiếu của các ngân hàng này để thành chủ sở hữu duy nhất của chúng thì thực chất cũng là mua lại bản thân các ngân hàng này, và việc này về bản chất cũng giống như việc một nhà đầu tư đứng ra thâu tóm toàn bộ cổ phiếu của một công ty nào đó, và người này sẽ được coi là đã mua lại chính công ty đó (và mọi thứ liên quan đến nó như các quyền lợi và nghĩa vụ).

Vậy thì có lý do nào để các cơ quan chức năng e ngại không muốn nhìn nhận đúng bản chất của sự việc mua lại ngân hàng 0 đồng này?

Lý do đầu tiên có thể nghĩ đến là khái niệm quốc hữu hóa thường gắn liền với chuyện tổn thất cho ngân sách nhà nước. Khi quốc hữu hóa một công ty nào đó đang ăn nên làm ra thì đương nhiên chẳng người nộp thuế nào phàn nàn, nếu như phí tổn bỏ ra là thấp hơn những gì mà công ty này sẽ mang lại cho ngân sách. Tất nhiên là chuyện “không dưng” đi quốc hữu hóa những công ty tốt này là thuộc một chủ đề khác.
Nhưng ngược lại, nếu các công ty bị quốc hữu hóa hoạt động yếu kém, thua lỗ, gây ảnh hưởng không tốt đến nền kinh tế nói chung và khi bị Nhà nước mua lại để biến thành sở hữu nhà nước thì Nhà nước sẽ phải dùng ngân sách để xử lý các nghĩa vụ nợ nần, dùng ngân sách để rót vốn cho chúng hoạt động và lành mạnh trở lại...

Nói cách khác, cho dù trong trường hợp NHNN mua lại (cổ phiếu của) các ngân hàng 0 đồng với giá 0 đồng thì NHNN vẫn có thể phải tiêu tốn một số tiền nào đó để vực các ngân hàng này hoạt động lành mạnh trở lại để có thể bán đi thu hồi vốn.

Lại lấy ví dụ trường hợp của Ngân hàng Xây dựng (VNCB), NHNN cho biết họ sẽ “đưa ra 40.000 tỉ đồng để đưa VNCB trở lại hoạt động bình thường”. Vấn đề đáng nói còn lại ở đây chỉ là về nguồn gốc của số tiền này. Cho dù nó không được coi là tiền từ ngân sách thì ít nhiều nó cũng dính dáng đến ngân sách ở một khía cạnh nào đó, đơn giản vì là tiền do NHNN “đưa ra”! Minh bạch hóa nguồn gốc, mục đích sử dụng, khả năng thu hồi vốn, mức độ tác động thế nào đến ổn định vĩ mô của nền kinh tế nói chung và hệ thống ngân hàng nói riêng... không phải là một trách nhiệm dễ chịu và dễ thực hiện với các cơ quan chức năng khi phải sử dụng đến vốn (liên quan đến) ngân sách.

Lý do thứ hai dẫn đến chuyện không muốn thừa nhận việc mua lại là quốc hữu hóa có thể xuất phát từ e ngại rằng sẽ tạo ra hình ảnh nhà nước can thiệp quá sâu rộng và mạnh vào các hoạt động kinh tế trong nước. Trên hết, trong bối cảnh Việt Nam đã tham gia TPP, nếu thừa nhận quốc hữu hóa một số ngân hàng thương mại thì Việt Nam sẽ phải đối mặt với một số rủi ro.

Theo nguyên tắc chính phủ không được ưu đãi riêng cho các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) trong khuôn khổ của TPP, có thể thấy Việt Nam sẽ không được phép phân biệt đối xử giữa các ngân hàng thuộc sở hữu nhà nước (SOCB) với các ngân hàng tư nhân và nước ngoài khác, vì các SOCB về bản chất là các DNNN. Nếu Chính phủ Việt Nam có những hành động phân biệt đối xử nào đó giữa các SOCB với các ngân hàng tư nhân và nước ngoài khác thì những ngân hàng này có quyền kiện Chính phủ Việt Nam ra các tòa trọng tài quốc tế.

Điều đáng nói là ngoài những SOCB truyền thống như Vietcombank, VietinBank, BIDV, và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay Việt Nam còn có thêm một vài ngân hàng có thể coi là SOCB mới, chính là những ngân hàng bị NHNN mua lại với giá 0 đồng như VNCB. Vì các SOCB mới này vẫn đang trong quá trình được NHNN tái cơ cấu và vực dậy bên bờ vực phá sản nên đều đòi hỏi NHNN phải rót thêm vốn, tạo thêm cơ chế, trao thêm nhiều cơ hội kinh doanh để chúng mau bình phục, lớn mạnh trở lại.

Tất cả những đối xử khác biệt này là cơ sở để các ngân hàng khác, nhất là ngân hàng nước ngoài khởi kiện. Khả năng này sẽ buộc NHNN phải thay đổi cách thức tiếp cận và phương pháp thực hiện tái cơ cấu hệ thống ngân hàng trong tương lai gần, kể cả phải sửa đổi lại những quy định luật pháp có liên quan đến tái cơ cấu và xử lý ngân hàng yếu kém như Quyết định 48/2013/QĐ-TTg.

Theo TBKTSG