Có 2 điểm quan trọng nhất trong bản báo cáo tài chính đầu tiên của Tesla sau sự kiện ra mắt Model 3 và chúng hoàn toàn đối nghịch nhau. Thông tin đầu tiên: tiến độ sản xuất mẫu Tesla mới nhất đang chậm hơn so với dự kiến ban đầu, các khoản lỗ đang gia tăng và mới đây 2 lãnh đạo cao cấp của Tesla đã rời bỏ công ty.
Thông tin thứ hai: lịch trình sản xuất Model 3 đã được thay đổi và đẩy nhanh hơn tới 2 năm. Tuyên bố của Elon Musk rằng Tesla sẽ xuất xưởng được 500.000 xe/năm vào 2020 nay đã được thay đổi: vị "Iron Man" đời thực nay khẳng định mục tiêu này sẽ được hoàn thiện vào năm 2018. Điều đó có nghĩa rằng chỉ 2 năm nữa Tesla sẽ phải đạt sản lượng cao gấp 10 lần năm ngoái và 6 lần (con số dự kiến) năm nay.
Lá thư của Elon Musk gửi tới các nhà đầu tư cũng thừa nhận "Tăng sản lượng lên 5 lần trong vòng 2 năm nữa sẽ là rất thử thách và cũng sẽ đòi hỏi thêm vốn". Nhưng từ "thử thách" ở đây có thể coi là quá nhẹ nhàng so với thực tại: xuất xưởng 500.000 xe mỗi năm không chỉ buộc Tesla phải tăng được sản lượng các dòng xe hiện tại mà còn phải hoàn thiện nhà máy sản xuất pin lớn nhất thế giới (Gigafactory). Thử thách khó khăn nhất sẽ là đảm bảo sản lượng cho chiếc Model 3 vốn hiện giờ vẫn chưa đi vào sản xuất hàng loạt.
Tình cảnh khó khăn
Tình cảnh hiện tại của Tesla nói lên rất nhiều về tham vọng đến mức "hoang tưởng" của Elon Musk: trong quý vừa qua, công ty lỗ 283 triệu USD. Đây là quý thứ 12 Tesla chịu thua lỗ, nhưng nhà sản xuất xe hơi non trẻ này vẫn sẽ tiếp tục gia tăng chi phí đầu tư. Lịch trình phát hành của mẫu Model X không được đảm bảo, nhưng Elon Musk vẫn đẩy sớm mục tiêu sản lượng lên 2 năm. Mới chỉ vài tuần trước, Tesla cũng đã lên tiếng thừa nhận chính các sai lầm của hãng này đã làm ảnh hưởng tới Model X.
Cũng giống như Steve Jobs, Elon Musk sống trong một không gian riêng. Một "trường bóp méo sự thật".
Với gần như toàn bộ các CEO khác, những mục tiêu đầy tham vọng này sẽ bị coi là hoang tưởng. Nhưng với riêng Musk, những lời hứa viển vông luôn đi kèm với những thành tích tưởng như bất khả thi. Tesla hiếm khi đặt được mục tiêu lịch trình đặt ra ban đầu, nhưng chỉ cần tiến đến gần mục tiêu đó thôi là đã đủ để Tesla đập tan sự hoài nghi và gây bất ngờ lớn cho cả báo giới lẫn các đối thủ cạnh tranh.
Song, tại sao Tesla không thử đưa ra những lời hứa "dễ nhằn" và vượt qua mục tiêu của chính mình? Tại sao Tesla không thể giữ nguyên mục tiêu 500.000 xe vào 2020 và đặt thời điểm 2018 làm mục tiêu nội bộ?
Câu trả lời không phải là sự kiêu ngạo của Elon Musk mà là những lý do hết sức thực tế.
Tìm chiến thắng trong thất bại
Đầu tiên, phải chỉ ra rằng Elon Musk và Tesla gần như chắc chắn sẽ không thể đáp ứng được nhu cầu của người dùng. Chỉ trong vòng 1 tuần lễ, đã có tới 325.000 người bỏ ra 1.000 USD để đặt hàng chiếc Model 3. Càng phải chờ đợi lâu, 325.000 người này càng dễ đổi ý. Một mục tiêu viển vông sẽ giúp họ bớt sốt ruột.
Tiếp đó, Tesla rõ ràng cần phải gia tăng vốn đầu tư. Một lịch trình sản xuất khẩn trương, gấp rút sẽ giúp Tesla thuyết phục được các nhà đầu tư chịu bỏ ra những khoản tiền tối quan trọng với sự sống còn của công ty.
Nhưng quan trọng nhất vẫn là khích lệ tinh thần của nhân viên và các nhà cung ứng độc lập. Khi lý giải về mục tiêu đưa chiếc Model 3 vào sản xuất hàng loạt từ tháng 7/2017, Elon Musk khẳng định:
"Liệu chúng ta có thể bắt đầu sản xuất hàng loạt vào ngày 1/7 năm sau không? Dĩ nhiên là không. Lý do là bởi kể cả trong trường hợp chúng ta hoàn thiện 99% các linh kiện sản xuất nội bộ và được cung ứng, chúng ta vẫn không thể sản xuất được một chiếc xe có 1% linh kiện còn thiếu. Nhưng cả nội bộ Tesla và các nhà cung ứng đều phải tôn trọng thời điểm này, và sẽ có khoản phạt với những người không thể bắt kịp lịch trình đó. Điều này cần phải được thực hiện, vì bạn không thể nào để hàng nghìn linh kiện được hoàn thiện vào những thời điểm khác nhau được".
Nói cách khác, Elon Musk thừa nhận rằng thời hạn Tesla đặt ra là bất khả thi. Nhưng khi bất cứ một thời hạn nào cũng sẽ là bất khả thi, tại sao lựa chọn một thời điểm mà ai cũng sẽ phải bàn tán, thay vì một thời điểm chắc chắn sẽ đi kèm với sự thất vọng?
Cái tôi quá lớn của Elon
Mục tiêu ở đây không chỉ là khích lệ tinh thần của nhân viên Tesla, mà là cả Elon Musk.
Vị tỷ phú sáng lập Tesla và SpaceX là kiểu người làm việc tốt nhất khi chịu áp lực khổng lồ. Ngược lại, khi phải đối mặt với những vấn đề nhàm chán của một người bình thường, Musk sẽ nhanh chóng xuống tinh thần.
Bởi vậy nên "Iron Man" đời thực lựa chọn những mục tiêu mang tính siêu nhân như đưa tên lửa lên Sao Hỏa vào năm 2018, xây dựng "siêu nhà máy" sản xuất pin có sản lượng bằng cả thế giới hiện tại, hoặc tạo ra 500.000 chiếc xe điện trong vòng 1 năm.
Nhưng những vấn đề đi kèm với con số 500.000 đều là những vấn đề "tầm thường" của loài người. Chuỗi cung ứng, dây chuyền sản xuất, nhận đơn hàng, công bố những lịch trình hợp lý... tất cả đều là những vấn đề khiến Elon Musk phát ớn. Khi Tesla trở thành một nhà sản xuất bình thường, Elon Musk sẽ không tìm thấy một chút niềm vui nào từ những chiếc xe điện do chính mình tạo ra.
Vậy nên Musk tìm cách biến những vấn đề của con người thành những vấn đề mang tầm... Elon Musk. Trước khi Model X ra mắt, người ta vẫn nghĩ rằng đây sẽ là chiếc xe đóng vai trò "giết thời gian" để đem về một ít doanh thu chuẩn bị cho lá bài chính của Tesla: chiếc Model 3. Nhưng Elon Musk không làm vậy. Ông tạo ra một chiếc SUV chạy nhanh như xe đua, có cửa Falcon mở ra hai bên và thậm chí là chế độ chống khủng bố sinh học.
Nhưng những vấn đề của nhà cung ứng cũng như mức giá quá rẻ của Model 3 không cho phép Elon Musk lặp lại kịch bản này một lần nữa. Điều này cũng có nghĩa rằng Tesla cần phải có một mục tiêu nào đó để Musk có thể tiếp tục sống theo cách mà ông muốn. Chỉ làm chủ chuỗi cung ứng là không đủ. Theo Musk, "Tesla sẽ quyết liệt cố gắng để trở thành nhà sản xuất tuyệt vời nhất trên thế giới".
Nhà sáng lập của Tesla cũng chỉ có thể tiếp tục tồn tại bằng cách đó. Và ông thúc đẩy tất cả mọi người xung quanh làm như vậy. Đó có thể là lý do vì sao Musk từng dám lớn tiếng gọi Apple là "bãi tha ma" của Tesla về mặt nhân sự: những ai không thể làm việc theo cách của Musk đều sẵn sàng bị đào thải. Trong hành trình tới cách đích 500.000 xe mỗi năm của Tesla, có lẽ những "bãi tha ma" ấy sẽ ngày một đông thêm mà thôi.
Theo Trí Thức Trẻ