Vì sao an toàn người bệnh luôn được quan tâm hàng đầu?

VietTimes -- Trong nhiều năm trở lại đây, an toàn người bệnh được coi là mục tiêu sống còn của hệ thống y tế Việt Nam trong quá trình đổi mới, thực hiện lấy người bệnh làm trung tâm. Vì sao an toàn người bệnh đặc biệt quan trọng, trở thành nhiệm vụ trọng tâm của ngành? 
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thăm các bệnh nhân ghép tạng tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thăm các bệnh nhân ghép tạng tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.

Chuyện gì xảy ra khi không đảm bảo an toàn người bệnh?

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ước tính có 10% người bệnh tại các nước thu nhập cao bị tổn thương khi khám, chữa bệnh. Còn tại các nước có thu nhập trung bình và thấp, hàng năm có tới 134 triệu sự cố y khoa xảy ra, là nguyên nhân chủ yếu khiến 2,6 triệu người bệnh thiệt mạng.

Cứ 10 người bệnh thì có 1 người bị tổn hại trong khi đi khám, chữa bệnh, khoảng 4/10 người bị tổn hại trong chăm sóc sức khỏe ban đầu và điều trị ngoại trú. Tai biến phẫu thuật là 1 trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu thế giới, cướp đi sinh mệnh của hơn 1 triệu người bệnh mỗi năm.

Sự cố y khoa và hành nghề y khoa không an toàn gây tốn kém hàng tỷ USD, tiêu tốn 14,3% chi phí tại bệnh viện để khắc phục hậu quả, gây tổn hại cho hàng triệu người bệnh; 10% người bệnh bị ảnh hưởng do nhiễm khuẩn bệnh viện… 

Việc bác sĩ tuyến dưới chẩn đoán nhầm, kê sai, trình độ chuyên môn kém, chẩn đoán chậm, không chính xác cũng gây mất an toàn người bệnh, khiến cho bệnh nhân mất niềm tin, đổ xô về các bệnh viện tuyến trung ương để chữa bệnh gây quá tải.

Chăm sóc người bệnh (Ảnh minh họa)
Chăm sóc người bệnh (Ảnh minh họa)

Theo PGS.TS. Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), ại Việt Nam, hiện chưa có một nghiên cứu hệ thống nào về sai sót chuyên môn và sự cố y khoa. Các sự cố y khoa không mong muốn cứ xảy ra rải rác với một hoặc nhiều bệnh nhân khiến nhiều người lo sợ: Tháng 5/2012, Bệnh viện Phụ sản Tiền Giang bỏ quên mảnh gạc phẫu thuật trong bụng của một người phụ nữ 32 tuổi khiến cô này bị sốt cao kéo dài; tháng 8/2015, một bệnh nhi 6 tuổi bị bác sĩ của Bệnh viện đa khoa tỉnh Vĩnh Long mổ nhầm chân; tháng 5/2017, sự cố y khoa chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình khiến 9 bệnh nhân tử vong; tháng 3/2019, Trung tâm Y tế huyện Thăng Bình (Quảng Nam) chẩn đoán nhầm khiến một người phụ nữ ngất xỉu, tím tái phải đi cấp cứu ở bệnh tuyến trên…

Bác sĩ cấp cứu cho bệnh nhân
Bác sĩ cấp cứu cho bệnh nhân

Rõ ràng, người bệnh luôn mong đợi và kỳ vọng được chăm sóc và điều trị an toàn, có chất lượng thay vì nhận lại một dịch vụ tồi, nguy cơ rủi ro tới tính mạng cao, đồng thời, sứ mệnh của ngành y tế là chăm sóc sức khỏe người dân.

Vì vậy, vấn đề an toàn người bệnh phải được mọi nhân viên, bác sĩ, dược sĩ, các cơ sở y tế, cơ quan quản lý trong ngành ưu tiên hàng đầu.

Chung tay vì an toàn người bệnh

Trên thế giới, an toàn người bệnh trở thành vấn đề quốc gia, cũng như với mỗi cơ sở y tế và người dân.

Từ năm 2017, Đại Hội đồng Y tế Thế giới đã chính thức lấy ngày 17/9 hàng năm là ngày ”An toàn người bệnh Thế giới”. Năm 2019, WHO phát động Ngày An toàn Người bệnh Thế giới với chủ đề: “An toàn người bệnh là ưu tiên của sức khỏe toàn cầu” và thông điệp “Hãy nói ra cho sự an toàn người bệnh!” tạo môi trường cởi mở và không đổ lỗi.

Một sản phụ mắc bệnh ung thư được hỗ trợ sinh con, chăm sóc tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương.
Một sản phụ mắc bệnh ung thư được hỗ trợ sinh con, chăm sóc tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương.

Các vấn đề về an toàn người bệnh cũng đã được ngành y tế Việt Nam quan tâm mạnh mẽ thông qua việc kiến tạo các hành lang pháp lý gồm: ban hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009, quy định các điều kiện bảo đảm an toàn người bệnh; tăng cường hệ thống chính sách, văn bản pháp quy về an toàn người bệnh; bảo đảm thiết lập chương trình và xây dựng các quy định cụ thể bảo đảm an toàn người bệnh và nhân viên y tế; thiết lập hệ thống thu thập, báo cáo, phòng ngừa sự cố y khoa theo Thông tư số 43/2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế hướng dẫn phòng ngừa sự cố y khoa tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh... Các buổi tập huấn, những buổi hội thảo chuyên ngành cũng được tổ chức, thể hiện rõ tầm quan trọng của an toàn người bệnh đối với ngành y tế Việt Nam. 

Song, việc đảm bảo an toàn, giúp người bệnh không gặp sự cố trong quá trình khám, chữa bệnh là thách thức lớn. Điều này đòi hỏi sự nỗ lực trên toàn hệ thống y tế - từ cơ sở hạ tầng an toàn, sử dụng công nghệ và thiết bị y tế an toàn, quản lý và sử dụng thuốc đúng chất lượng, bệnh nhân được thông tin rõ ràng, đến nhân viên y tế lành nghề và tận tâm, với một môi trường làm việc thuận lợi - để cải thiện an toàn và chất lượng chăm sóc người bệnh.