VCBS: Lợi nhuận ngành ngân hàng sẽ phân hóa mạnh trong năm 2024

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Lợi nhuận ngành ngân hàng được dự báo có sự phân hóa mạnh trong 2024 với mức tăng trưởng khoảng 10%, một số ngân hàng thuộc nhóm quy mô nhỏ sẽ tiếp tục giảm tốc, thậm chí tăng trưởng âm.

Quan điểm này được nhóm phân tích Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (VCBS) đưa ra trong báo cáo triển vọng ngành ngân hàng năm 2024 vừa công bố.

Theo VCBS, tốc độ tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng sẽ duy trì ở mức 12% trong năm 2024, với áp lực từ nền kinh tế và thị trường bất động sản chậm phục hồi.

Tuy nhiên, mặt bằng lãi suất hạ nhiệt xuống mức thấp có thể thúc đẩy nhu cầu vay vốn, đặc biệt là tín dụng bán lẻ và doanh nghiệp vừa và nhỏ.

VCBS dự báo, tín dụng bất động sản và xây dựng sẽ tiếp tục tăng nhanh, tập trung vào phân khúc bất động sản bình dân phục vụ nhu cầu ở thực, bất động sản khu công nghiệp và xây dựng hạ tầng giao thông.

Bên cạnh đó, một phần nguồn vốn tín dụng sẽ được giải ngân cho các doanh nghiệp bất động sản gặp khó khăn về tài chính với mục đích tái cấu trúc nợ.

bank-3082.png
Nguồn: NHNN, NHTM, VCBS tổng hợp

VCBS cho biết, trong suốt chu kỳ nới lỏng tiền tệ duy trì trong các năm trước, thị phần tín dụng của các ngân hàng tư nhân đã cải thiện mạnh từ mức 40% năm 2017 lên 47% tính đến quý 3/2023.

Tuy nhiên, trong thời gian tới, việc đẩy mạnh hoạt động thanh tra, giám sát đối với các vấn đề liên quan đến sở hữu chéo, cho vay sân sau dự kiến sẽ thu hẹp thị phần tín dụng và lợi nhuận nhóm ngân hàng tư nhân quy mô trung bình – nhỏ.

VCBS dự báo, lợi nhuận ngành ngân hàng sẽ có sự phân hóa mạnh trong năm 2024, với mức tăng trưởng khoảng 10%. Trong đó, lợi nhuận một số ngân hàng quy mô nhỏ sẽ tiếp tục giảm tốc, thậm chí tăng trưởng âm.

Triển vọng lợi nhuận của nhóm ngân hàng quốc doanh cũng giảm khi phải duy trì quản trị rủi ro, đảm bảo chất lượng tài sản ổn định và dành nguồn lực hỗ trợ các nhiệm vụ kinh tế - xã hội của NHNN như giảm lãi suất, tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém.

Về CASA, VCBS cho rằng xu hướng lãi suất hạ nhiệt sẽ giúp tỉ lệ CASA toàn ngành ngân hàng tiếp tục cải thiện trong năm 2024.

Tuy nhiên, CASA dự kiến chưa quay lại mức đỉnh cuối năm 2021 do các thị trường đầu tư tài sản như chứng khoán, bất động sản vẫn trầm lắng và chưa hấp dẫn dòng tiền chảy khỏi các kênh đầu tư an toàn như gửi tiết kiệm hay vàng.

no-xau-2068.png

Về nợ xấu, VCBS dự báo tỉ lệ nợ xấu nội bảng và mức trích lập dự phòng có thể chưa tăng đột biến trong nửa đầu năm 2024 nhờ Nghị định 08 hỗ trợ gia hạn trái phiếu doanh nghiệp và Thông tư 02 cho phép tái cơ cấu các khoản vay.

Dù vậy, hoạt động xử lý nợ xấu dự kiến tiếp tục gặp khó khăn do thị trường bất động sản vẫn trầm lắng (bất động sản là tài sản bảo đảm chính cho phần lớn các khoản vay); và Nghị quyết 42 hết hạn vào ngày 31/12/2023 trong khi Luật các tổ chức tín dụng sửa đổi chưa được thông qua tạo ra khoảng trống pháp lý cho việc xử lý nợ xấu.

VCBS kỳ vọng, Luật các tổ chức tín dụng sửa đổi – dự kiến thông qua trong năm 2024 – là cơ sở giúp hệ thống ngân hàng giảm rủi ro, giải quyết các vấn đề về sở hữu chéo, cho vay sân sau.

"Tuy vậy, các quy định liên quan đến luật hóa xử lý nợ xấu, giới hạn sở hữu và cấp tín dụng, cơ chế giám sát… cần thời gian để hoàn thiện và hướng dẫn cụ thể sau khi ban hành, do đó hiệu quả sẽ mang tính dài hạn", báo cáo nêu./.