Chỉ đạo này được Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu tại hội nghị trực tuyến toàn quốc đánh giá tình hình 2 năm triển khai Đề án 06 về "Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030", diễn ra vào chiều 21/12.
Cụ thể, Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) phối hợp Bộ Công an tiếp tục triển khai giải pháp chấm điểm khả tín khi người dân vay vốn, trước mắt triển khai thí điểm tại Vietcombank từ đầu năm 2024.
Điểm khả tín được xác định thông qua một số chỉ số và thông tin tài chính của người đi vay như lịch sử thanh toán, dư nợ, lịch sử tín dụng. Chỉ số này cho biết mức độ rủi ro mà ngân hàng có thể gặp phải khi cho vay đối với một cá nhân cụ thể. Điểm khả tín cao thường đi kèm với khả năng vay vốn ở mức lãi suất thấp hơn và điều kiện vay thuận lợi hơn.
Cũng tại hội nghị, Thủ tướng giao Ngân hàng Chính sách xã hội phối hợp với Bộ Công an nghiên cứu, xây dựng "tài khoản an sinh xã hội" cho mỗi người dân Việt Nam trên ứng dụng VNeID.
Các cơ quan đẩy mạnh cung cấp tiện ích cho người dân, quản lý xã hội trên VNeID như dịch vụ ngân hàng, mua sắm, thanh toán, giáo dục, y tế...
Bộ Tư pháp phối hợp Bộ Công an cấp phiếu lý lịch tư pháp trên VNeID tại Thừa Thiên Huế trong quý 1/2024 để nhân rộng trên toàn quốc.
Bộ Y tế phối hợp Bộ Công an, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam và TP Hà Nội hướng dẫn người dân sử dụng Sổ sức khỏe điện tử trên VNeID, hoàn thành trong tháng 1/2024.
Ngoài ra, Thủ tướng yêu cầu 12 tỉnh gồm Bạc Liêu, Bắc Ninh, Bến Tre, Đắk Lắk, Hưng Yên, Kiên Giang, Nam Định, Phú Thọ, Quảng Trị, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Vĩnh Phúc sớm chi trả chế độ an sinh xã hội qua hình thức không dùng tiền mặt.
15 tỉnh gồm An Giang, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Thuận, Cần Thơ, Đà Nẵng, Đắk Nông, Hải Phòng, Kiên Giang, Phú Yên, Sóc Trăng, Tây Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh, Tuyên Quang, Trà Vinh sớm có chính sách miễn, giảm phí sử dụng dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến, hoàn thành trước tháng 6/2024./.