Vàng buồn, EUR khổ, USD vui

VietTimes – Quy đổi theo tỷ giá hối đoái USD/VND mà ngân hàng Vietcombank đang niêm yết, tính ra giá vàng trong nước hiện đang nhỉnh hơn thế giới khoảng 4,5 triệu đồng mỗi lượng (chưa tính thuế và chi phí gia công).
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Chốt phiên giao dịch Thứ Năm (ngày 8/12), giá vàng giao Tháng Hai trên sàn Comex tại Sở giao dịch New York Mercantile đảo chiều trượt sâu $5,10 (-0,4%) xuống đóng cửa ở $1.172,40/oz. Như vậy, kim loại quý này đã sớm quay trở lại vòng suy thoái trong khi bất ngờ tăng 0,6% trong phiên Thứ Tư.

Tương tự, giá bạc giao Tháng Ba cũng rơi 17,9 cents (-1,0%) xuống chốt ở $17,096/oz.

Với các kim loại quý khác, giá đồng giao Tháng Ba trượt 1,8 cents (-0,7%) về $2,626/pound; giá bạch kim giao Tháng Một tăng 60 cents (+0,1%) lên $943,80/oz, giá palladium giao Tháng Ba leo $6,40 (+0,9%) lên $739,05/oz.

Trên phương thức giao dịch điện tử, tính đến thời điểm 9h29’ sáng nay (giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay Comex đang đứng ở $1.167,04/oz.

Cùng lúc, tại thị trường châu Á, giá vàng miếng giao ngay trên sàn Kitco cũng được yết ở $1.166,90/oz.

Diễn biến giá vàng hôm nay ở thị trường châu Á.

Về diễn biến thị trường, phiên Thứ Năm, chỉ số ICE U.S. Dollar Index đo lường sức mạnh của đồng USD với 6 đồng tiền khác trong rổ tiền tệ đã tăng mạnh 1% lên 101,20 điểm – đoạt đỉnh trong gần một tháng nay.

Việc gia tăng sức mạnh của đồng bạc xanh, về lý thuyết, luôn khiến các thứ hàng hóa giao dịch bằng đồng tiền này, trong đó có vàng trở nên đắt đỏ.

Chủ tịch ECB - Mario Draghi trong buổi họp báo mới nhất, đã cho biết sẵn sàng có những chính sách kích thích nền kinh tế nếu điều kiện cho phép. Điều này đã khiến đồng EUR sụt giảm và đồng bạc xanh tăng giá. Hiện, tỷ giá EUR/USD tiếp tục giảm mạnh 1,5%. Thực tế này càng gia tăng những áp lực lên vàng.

Phần khác, cuộc họp chính sách liên quan đến việc tăng lãi suất USD cũng đang đến rất gần nên lợi thế tăng giá của USD là rất lớn. Và đây cũng là nguyên nhân gây áp lực cho vàng đi xuống.

Về mặt phân tích kỹ thuật, giá vàng giao tháng 2 đóng cửa ở mức trung bình cho thấy giá không chịu áp lực giảm mạnh trong ngắn hạn. Mức kháng cự vững chắc là 1.200 USD, trong khi hỗ trợ lâu dài là 1.158 USD một ounce.

Bình luận trên MarketWatch, ông Naeem Aslam – Giám đốc phân tích tại ThinkMarkets đánh giá: “Đà rơi của thị trường chủ yếu đến từ lo sợ về viễn cảnh tăng lãi suất sẽ được FED đưa ra trong cuộc họp vào tuần tới. Tuy nhiên, chúng tôi không nghĩ rằng sẽ xảy ra một đợt bán tháo nghiêm trọng sau khi FED đưa ra quyết sách. Điều mà thị trường nên quan tâm chỉ là FED sẽ điều chỉnh lãi suất cụ thể như thế nào và ra sao cho cả năm 2017.

Diễn biến giá vàng SJC 7 ngày qua.

Tại thị trường trong nước, mở cửa phiên giao dịch sáng nay (Thứ Sáu ngày 9/12), giá vàng SJC không có nhiều biến động.

Cập nhật đến thời điểm 10h04’ sáng nay, giá vàng miếng SJC của Công ty TNHH Một thành viên Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) đang đứng ở 36,07 – 36,48 triệu đồng/lượng (MV-BR), nhích không đáng kể 10 nghìn đồng so với chốt phiên trước đó.

Trong khi, tại các đại lý của Doji, giá vàng miếng SJC lại được Tập đoàn này điều chỉnh giảm nhẹ 20 nghìn đồng chiều mua và 30 nghìn đồng về yết ở 36,22 – 36,42 triệu đồng/lượng (MV-BR) đối với giao dịch lẻ; và đắt hơn 10 nghìn đồng chiều mua, đồng thời rẻ hơn 10 nghìn đồng chiều bán đối với giao dịch buôn ở thị trường Hà Nội. Hiện, doãng chênh lệch 2 chiều mua - bán ở Doji là 200 nghìn đồng/lượng.

Cùng thời điểm, giá vàng miếng SJC tại Công ty TNHH vàng bạc đá quý Bảo Tín Minh Châu đang được chào giá ở mức 36,22 – 36,37 triệu đồng/lượng (MV-BR). Trong khi, giá nhẫn tròn trơn loại Rồng vàng Thăng Long lại được yết ở 33,62 – 34,07 triệu đồng/lượng (MV-BR).

Còn chênh lệch nội – ngoại, quy đổi theo tỷ giá hối đoái USD/VND mà ngân hàng Vietcombank đang niêm yết, tính ra giá vàng trong nước hiện đang nhỉnh hơn thế giới khoảng 4,5 triệu đồng mỗi lượng (chưa tính thuế và chi phí gia công)./.