Dự thảo này đang được gửi tới từng đại biểu Quốc hội để xin ý kiến hoàn thiện.
Trao đổi với phóng viên bên hành lang Quốc hội về vấn đề trên, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, đoàn thư ký kỳ họp đã phát phiếu thăm dò tới đại biểu quốc hội và ghi nhận 87,45% đại biểu Quốc hội đồng ý ban hành Nghị quyết về việc thực hiện chính sách hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với người lao động sau một năm nghỉ việc. Như vậy, hầu hết ý kiến đại biểu tán thành việc Quốc hội ban hành một nghị quyết ngay tại kỳ họp này nhằm giải quyết nhu cầu của một bộ phận người lao động.
Cụ thể, dự thảo Nghị quyết quy định vẫn tiếp tục áp dụng điều 55 Luật BHXH 2006 về quy định hưởng BHXH một lần đến năm 2020. Đồng thời giữ nguyên Điều 60 Luật BHXH 2014 (không còn quy định người lao động đóng BHXH thì được quyền hưởng BHXH một lần) vì điều 60 vẫn đúng, phù hợp với thông lệ thế giới và đảm bảo tốt hơn cuộc sống của người lao động. Tới năm 2020, điều 55 trên sẽ hết hiệu lực và lúc này thì chỉ thực hiện theo điều 60.
“Qua nghiên cứu tất cả các nước trên thế giới, họ cũng áp dụng như điều 60 và họ đồng thuận với quy định này. Điều 60, Luật BHXH 2014 là vì quyền lợi lâu dài cho người lao động. Tránh trường hợp người lao động về già không có lương, chờ đến 80 tuổi hưởng trợ cấp xã hội thì sẽ rất lâu” – ông Phúc nói.
Dự kiến đến chiều 22/6, Quốc hội sẽ thông qua dự thảo Nghị quyết về vấn đề hưởng BHXH một lần và có hiệu lực ngay kể từ ngày ký.
Ông Nguyễn Hạnh Phúc cũng cho biết, sau khi Nghị quyết có hiệu lực, các cơ quan có trách nhiệm của Quốc hội sẽ tổ chức tới các khu công nghiệp, nhất là một số khu công nghiệp có công nhân phản ứng lại điều 60 để tuyên truyền, giới thiệu và giải thích chính sách. Trong việc này, ông Phúc cũng nhấn mạnh tới vai trò của Chính phủ, các cơ quan thông tin đại chúng cũng góp phần cùng Chính phủ để giải thích cặn kẽ cho người lao động hiểu ý nghĩa, tác dụng của điều 60; hiểu nghị quyết của Quốc hội.
Cũng theo ông Phúc, sau này Chính phủ ban hành Nghị định để thực hiện cụ thể các điều của Luật BHXH sửa đổi thì người dân sẽ hiểu đầy đủ hơn và chắc chắn sự đồng thuận sẽ rất cao.
TheoChinhphu.vn