Vai trò của hệ thống thông tin thông minh và đa phương tiện trong truyền thông số

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Đó là chủ đề cuộc hội thảo do Khoa Quốc tế Pháp ngữ thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội và một số đối tác tổ chức chiều 20/9/2023 nhằm làm rõ ý nghĩa của truyền thông số trong đời sống xã hội Việt Nam.

Các diễn giả trong phần giao lưu của hội thảo
Các diễn giả trong phần giao lưu của hội thảo

Là diễn giả đầu tiên của chương trình, ông Lê Nguyễn Trường Giang – Viện trưởng Viện Chiến lược Chuyển đổi số thuộc Hội Truyền thông số Việt Nam cho biết, làn sóng chuyển đổi số đang tác động mạnh mẽ đến mọi lĩnh vực, trong đó có truyền thông. Với sự hiện diện của các công cụ số trong đó có Trí tuệ nhân tạo, truyền thông số đã ra đời với sức lan toả hết sức nhanh chóng. Vì thế, thói quen tiếp cận thông tin của công chúng cũng thay đổi. Và vấn đề đặt ra với mọi doanh nghiệp, tổ chức là phải kiểm soát và làm chủ được truyền thông.

Có một thực tế là với các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Twittter… mỗi cá nhân đều có thể trở thành một nhà sản xuất nội dung. Tuy nhiên, bên cạnh những điểm thuận lợi thì cũng tồn tại không ít thách thức như tin giả, bảo mật thông tin cá nhân, bản quyền… Điều này phần nào tạo nên những làn sóng tiêu cực trong dư luận và ảnh hưởng đến xã hội. Bởi vậy, người làm và quản lý truyền thông trong bối cảnh hiện nay cần có nhận thức về tư duy số, ý thức số trong nghiệp vụ của mình để bắt kịp các hành vi số mới của xã hội.

Ông Lê Nguyễn Trường Giang cũng cho biết thêm, với sự hiện diện của Trí tuệ nhân tạo thì thông tin cũng liên tục được sản sinh trên cơ sở các dữ liệu có sẵn. Thành tựu điển hình mà nhiều người đều biết chính là công cụ hỏi đáp đã ngôn ngữ ChatGPT vừa bùng nổ đầu năm 2023.

Với báo cáo “Niềm tin số và cách truyền thông để lấy lại niềm tin số”, ông Lê Quốc Vinh – Chủ tịch Tập đoàn truyền thông LeGroup cho biết, khủng hoảng truyền thông là một thực tế mà rất nhiều cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức đã và đang phải xử lý trong hoàn cảnh mà sự lan tỏa của các thông tin phản cảm tràn lan trên các nền tảng mạng xã hội. Để làm được việc đó, các chủ thể này phải có nhân sự chuyên trách và đủ thẩm quyền để xử lý khủng hoảng truyền thông. Việc cần làm là phản ứng kịp thời và đưa được ra những thông tin chính thống tới báo chí và mạng xã hội để cải thiện tình hình.

Trong bối cảnh hiện nay, báo chí và truyền thông hiện đang là những mã ngành “hot” được nhiều sinh viên theo đuổi. Tuy nhiên, trước câu hỏi này thì ông Lê Nguyễn Trường Giang lại có cái nhìn bi quan về chất lượng đào tạo của các Đại học qua thực tế tuyển dụng nhân sự của mình. Theo ông, các nhà trường thay vì đào tạo các kỹ năng làm truyền thông cho sinh viên thì phải cung cấp phương pháp luận đúng đắn để tiếp cận và xử lý vấn đề.

Trong khi đó, ông Lê Quốc Vinh cho rằng, điều quan trọng của các sinh viên muốn ứng tuyển làm nhân viên truyền thông là phải tìm hiểu được một cách rõ ràng và thấu đáo về nhu cầu truyền thông của nhà tuyển dụng. Phương tiện truyền thông số chỉ là công cụ để thực hiện. Quan trọng hơn là người làm truyền thông phải chủ động nắm bắt mọi thông tin có liên quan từ báo chí chính thống và mạng xã hội để phục vụ công việc của mình.

Kết luận hội thảo, ông Phùng Danh Thắng – Chủ nhiệm Khoa Quốc tế Pháp ngữ khẳng định, trong một xã hội đang vận động không ngừng với rất nhiều thành tựu như Trí tuệ nhân tạo và rất nhiều công cụ xã hội trên mạng Internet thì truyền thông và khủng hoảng truyền thông là những thực tế và thách thức rất lớn với nhiều chủ thể. Vì thế, nguồn nhân lực để làm công tác truyền thông đang là một nhu cầu rất lớn và những người muốn tham gia thị trường lao động này phải có sự chủ động rất lớn để nắm bắt và xử lý thông tin.