Hội Truyền thông số Việt Nam ra mắt Hội đồng cố vấn

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Hội đồng cố vấn của Hội Truyền thông số Việt Nam gồm các thành viên là các cựu Bộ trưởng, Thứ trưởng của một số Bộ, ngành vừa có lễ ra mắt hôm 21/6.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng tặng hoa cho Hội đồng cố vấn VDCA
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng tặng hoa cho Hội đồng cố vấn VDCA

Phát biểu tại Lễ ra mắt Hội đồng cố vấn, ông Nguyễn Minh Hồng, Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA) cho biết, sau Đại hội nhiệm kỳ III, Ban thường vụ VDCA đã nhận thấy cần bổ sung quy chế hoạt động, mời thêm cố vấn là các vị lãnh đạo lão thành trong ngành để giúp Hội về đường hướng hoạt động, đưa Hội phát triển ngày một vững mạnh hơn. Đó là lý do hôm nay VDCA tổ chức Lễ ra mắt và phiên họp thứ nhất của Hội đồng cố vấn.

Hội đồng cố vấn gồm GS.TSKH Đỗ Trung Tá - nguyên Bộ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông; TS Lê Doãn Hợp - nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; TS Nguyễn Quân - Chủ tịch Hội Tự động hóa Việt Nam, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; TS Thang Văn Phúc - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ; ông Đỗ Quý Doãn - nguyên Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; TS Nguyễn Sĩ Dũng - nguyên Phó Chủ nhiệm văn phòng Quốc hội; ông Nguyễn Anh Tuấn - Giám đốc Diễn đàn toàn cầu Boston, nguyên Tổng biên tập VietnamNet.

GS.TSKH Đỗ Trung Tá giữ vai trò Chủ tịch Hội đồng cố vấn và TS Nguyễn Sĩ Dũng đảm nhiệm vị trí Phó Chủ tịch Hội đồng.

vt_ong Nguyen Minh Hong 2.jpg
Ông Nguyễn Minh Hồng giới thiệu các thành viên Hội đồng tư vấn của VDCA

Hội đồng cố vấn VDCA thực hiện hoạt động đóng góp ý kiến, đánh giá và gợi mở những vấn đề đặt ra trong công tác lãnh đạo, điều hành của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và Chủ tịch VDCA theo quy định của Điều lệ Hội và pháp luật.

Các vị lãnh đạo lão thành trong Hội đồng cố vấn sẽ tư vấn cho Chủ tịch Hội, Ban Thường vụ Hội triển khai thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Hội và vận dụng các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội; Tham gia tư vấn các nhiệm vụ được cấp phép của các đơn vị trực thuộc Hội theo quy định của pháp luật; Tham dự với tư cách khách mời một số cuộc họp của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ VDCA.

Thay mặt Hội đồng, GS.TSKH Đỗ Trung Tá cảm ơn Ban lãnh đạo VDCA đã tín nhiệm mời làm cố vấn. Ông hứ sẽ cùng các thành viên hội đồng đoàn kết, đưa Hội truyền thông số ngày càng phát triển lớn mạnh.

vt_ong Do Trung Ta.jpg
GS.TSKH Đỗ Trung Tá - Chủ tịch Hội đồng cố vấn

Thay mặt Hội Truyền thông số Việt Nam, ông Vũ Kiêm Văn - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VDCA đã báo cáo Hội đồng cố vấn các hoạt động của VDCA trong thời gian qua và định hướng trong thời gian tới. Hội ra đời từ năm 2011, đến nay đã hoạt động được 12 năm. Về tổ chức, Ban lãnh đạo Hội gồm 12 người, Ban thường vụ gồm 28 người và Ban chấp hành có 86 người. Hội đã kết nạp được 550 thành viên (phía Bắc là 470 và phía Nam là 80).

Báo cáo về nhiệm vụ trọng tâm của VDCA trong năm 2023, ông Vũ Kiêm Văn cho biết Hội đặt mục tiêu phát triển thêm 500 hội viên doanh nghiệp, tổ chức khoảng 30 chương trình Techtour nhằm gắn kết hoạt động của các doanh nghiệp hội viên. Hội đã và đang tiếp tục cải tiến, nâng cấp trang thông tin điện tử và các kênh truyền thông của Hội.

vt_ong Vu Kiem Van.jpg
Ông Vũ Kiêm Văn báo cáo công tác và định hướng của VDCA trong năm 2023

Trong năm 2023, VDCA sẽ tiếp tục chủ trì tổ chức chương trình thường niên Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam. Đây là năm thứ 6 chương trình được tổ chức và là một trong những chương trình quy mô cấp quốc gia, thu hút được hơn 13.000 doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức tham gia, vinh danh gần 350 cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp chuyển đổi số xuất sắc và các sản phẩm, giải pháp chuyển đổi số tiêu biểu.

Ngoài ra, VDCA sẽ lần đầu tiên tổ chức Diễn đàn - Triển lãm sáng tạo nội dung số và trao giải thưởng thường niên cho các nhà sáng tạo nội dung số; Tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Đô thị thông minh 2023; phối hợp với đối tác Singapore tổ chức Hội thảo Kết nối doanh nghiệp Việt Nam tại Singapore vào tháng 11 tới; Phối hợp với Cục Chuyển đổi số quốc gia đánh giá chỉ số chuyển đổi số các Bộ, các tỉnh.

Nhà báo Lê Thọ Bình, Phó Tổng biên tập phụ trách Tạp chí điện tử VietTimes, Chủ nhiệm CLB Cà phê số đã báo cáo Hội đồng cố vấn về hoạt động của VietTimes và Câu lạc bộ. Về VietTimes, Ban biên tập đã tái cấu trúc chuyên mục theo hướng tập trung mạnh vào các tin bài về chuyển đổi số, dữ liệu doanh nghiệp công nghệ và tiếp tục đẩy mạnh truyền thông trên các kênh social. Đối với CLB Cà phê số, năm qua đã tổ chức được nhiều chuyên đề thảo luận hữu ích như vấn đề thiếu điện, cải cách sách giáo khoa... Trong năm 2023 và những năm tới, CLB sẽ tiếp tục khai thác các đề tài nóng trong xã hội và mời thành viên Hội đồng cố vấn tham dự.

vt_ong Le Tho Binh.jpg
Nhà báo Lê Thọ Bình báo cáo về hoạt động của Tạp chí VietTimes và CLB Cà phê số

Tại sự kiện, các thành viên của Hội đồng cố vấn đã thảo luận tích cực về đường hướng hoạt động của Hội. Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng, Hội cần đóng vai trò dẫn đầu trong việc tư vấn chính sách cho các cơ quan quản lý nhà nước về Trí tuệ nhân tạo - một lĩnh vực phát triển nóng và rất khó lường trong thời gian gần đây. Nếu như với các công nghệ như nguyên tử, hạt nhân thì con người đóng vai trò quyết định sử dụng nó như thế nào, thì đối với trí tuệ nhân tạo - chúng ta lại đang phát triển một công nghệ tự quyết định. Thế giới đang thảo luận về thời điểm mà trí tuệ nhân tạo sẽ vượt qua trí tuệ loài người, trước đây cho là năm 2045 nhưng với sự xuất hiện của ChatGPT thì được cho là sớm hơn. Ông Nguyễn Sĩ Dũng nói rằng Việt Nam chưa có một chiến lược rõ ràng nào về vấn đề này. VDCA cần lên tiếng để nhà nước có hoạch định chính sách một cách kịp thời.

vt_ong Nguyen Si Dung.jpg
Ông Nguyễn Sĩ Dũng nêu vấn đề quản lý việc phát triển Trí tuệ nhân tạo

Cũng về vấn đề phát triển Trí tuệ nhân tạo, ông Nguyễn Anh Tuấn - Giám đốc Diễn đàn toàn cầu Boston nhận định đây không phải là câu chuyện của riêng một tổ chức, một quốc gia, mà là sứ mệnh của mọi người, mọi quốc gia trên thế giới. "Mỗi cá nhân cần phải tập hợp tiếng nói để Trí tuệ nhân tạo được phát triển theo một cách đúng đắn. Hiện tại, thế giới đang có "Liên minh toàn cầu về quản trị số", tích hợp tất cả nguồn lực, sức mạnh của nhiều cá nhân, tổ chức để tạo ra một chuẩn mực, đạo đức về công nghệ, nhằm yêu cầu các chính phủ trên thế giới tuân thủ theo", ông Tuấn cho biết.

Ông Nguyễn Anh Tuấn nói rằng không phải Việt Nam chúng ta chưa có nhận thức gì về trí tuệ nhân tạo. Thực tế là đã có nhiều hội thảo, tọa đàm về AI được tổ chức, nhưng kết quả triển khai thực tế chưa nhiều. Ông Tuấn chia sẻ VDCA nên nêu những giải pháp, bước đi cho Việt Nam thay vì chỉ đưa ra các cảnh báo. Diễn đàn toàn cầu Boston có thể phối hợp với VDCA để cùng suy nghĩ, đưa ra các giải pháp cho Việt Nam và mở rộng ra thế giới. Tại hội nghị G20 được tổ chức tại Ấn Độ vào tháng 7 tới, ông Tuấn sẽ tham dự với tư cách một diễn giả đối thoại với Thủ tướng Ấn Độ. Ông hứa sẽ thay mặt VDCA gợi ý các chính sách đối với vấn đề phát triển Trí tuệ nhân tạo.

Đồng tình với ý kiến của ông Nguyễn Sĩ Dũng về Trí tuệ nhân tạo, ông Nguyễn Quân - nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng về mặt công nghệ thì Trí tuệ nhân tạo không có gì đáng bàn, nhưng trong quản lý điều hành xã hội nó mới là vấn đề lớn. "Nếu không theo kịp được sự phát triển của Trí tuệ nhân tạo, không quản lý được nó, thì sẽ tạo ra nhiều hiểm họa và hệ lụy cho xã hội", ông Nguyễn Quân nói.

Ông Nguyễn Quân nhấn mạnh đến vai trò của truyền thông trong việc tuyên truyền để những người quản lý, lãnh đạo của quốc gia hiểu được vấn đề đó; cố gắng theo kịp sự phát triển của công nghệ để quản lý xã hội tốt hơn.

vt_ong Nguyen Quan.jpg
Ông Nguyễn Quân nêu ý kiến về 2 vấn đề lưu ý của VDCA

Ông Nguyễn Quân cũng nêu ra 2 vấn đề mà VDCA cần chú ý trong kế hoạch năm 2023. Thứ nhất là có nên tổ chức giải thưởng dành cho các nhà sáng tạo nội dung số, hay nên tích hợp vào trong Giải thưởng Chuyển đổi số thường niên. Thứ hai là VDCA cần làm sâu sắc hơn mảng nghiên cứu khoa học bên cạnh công việc phản biện chính sách. Hiện tại VDCA đang có 3 Viện trực thuộc là Viện Nghiên cứu chính sách và Phát triển truyền thông, Viện Chiến lược Chuyển đổi số, Viện Kinh tế số. Ông Quân cho rằng VDCA cần đặt hàng, đưa đề bài để các Viện có thể thực hiện tốt hơn công tác nghiên cứu khoa học.

Ông Đỗ Quý Doãn, nguyên Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông lại nêu lên thực trạng khó khăn khi thực hiện các dịch vụ công , sự chưa đồng bộ, liên thông giữa các đơn vị trong giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến và ngoại tuyến. Ông cho rằng VDCA nên có những đóng góp ý kiến cho cơ quan quản lý để cải thiện tình trạng này. Ngoài ra, ông Đỗ Quý Doãn cũng cho rằng, Hội Truyền thông số cũng nên có phản biện chính sách để hỗ trợ các cơ quan báo chí, truyền thông hoạt động tốt hơn trong giai đoạn hiện nay trước sự cạnh tranh mạnh mẽ của mạng xã hội.

Nêu lên 3 vấn đề mà Hội Truyền thông số cần tích cực đóng góp ý kiến phản biện với các cơ quan quản lý, ông Lê Doãn Hợp, nguyên Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam nhiệm kỳ 1, đã chỉ rõ, đó là phát triển kinh tế gắn với văn hóa, môi trường, và ứng dụng công nghệ số/chuyển đổi số. Việc ứng dụng công nghệ sẽ giúp minh bạch, giảm tiêu cực trong nhiều khâu, nhiều lĩnh vực. Đồng thời, ông Lê Doãn Hợp cũng cho rằng nhà nước cần có các chính sách hỗ trợ nhiều hơn nữa cho các doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn hiện tại, và VDCA sẽ phải góp tiếng nói cho quá trình này.

vt_ong Le Doan Hop.jpg
Ông Lê Doãn Hợp cho rằng nhà nước cần có các chính sách hỗ trợ nhiều hơn nữa cho các doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn hiện tại

Tham dự lễ ra mắt Hội đồng cố vấn VDCA, ông Nguyễn Huy Dũng - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết Bộ đang hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện các chương trình chuyển đổi số. Các dự án của Bộ được thực hiện theo hướng đi từ các ứng dụng phục vụ thực tiễn, rồi làm chủ từng bước công nghệ. Thứ trưởng cũng nhờ các vị lãnh đạo lão thành trong ngành đóng góp ý kiến để Bộ có thể làm tốt hơn công tác chuyển đối số, góp phần phát triển nền kinh tế số, xã hội số tại Việt Nam.

vt_ong Nguyen Huy Dung.jpg
Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng phát biểu về thực trạng chuyển đổi số của Bộ Thông tin và Truyền thông

Ông Thang Văn Phúc - thành viên Hội đồng cố vấn, cho rằng mặc dù Việt Nam đã nhận thức được rất sớm vấn đề ứng dụng CNTT trong các hoạt động của cơ quan nhà nước và doanh nghiệp, nhưng tính hiệu quả hoạt động này chưa thực sự tốt. Ông Phúc thẳng thắn cho rằng Việt Nam vẫn ở giai đoạn 0.4 chứ chưa phải là 4.0 (công nghiệp 4.0 - PV).

vt_ong Thang Van Phuc.jpg
Ông Thang Văn Phúc nhận xét về ứng dụng CNTT tại các cơ quan, tổ chức

Về hoạt động trọng tâm của Hội Truyền thông số Việt Nam trong năm 2023, trong báo cáo của Hội có nêu 8 công việc sẽ thực hiện, trong đó có tư vấn phản biện chính sách, ông Thang Văn Phúc cho rằng đây chính là điều mà Hội Truyền thông số nên nỗ lực và thực hiện thường xuyên hơn nữa. Ông mong Hội làm tốt chức năng, sứ mệnh của mình trong thời kỳ chuyển đổi số đầy thách thức những cũng không ít cơ hội này.

vt_khai mac trang co van.jpg
Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng và lãnh đạo VDCA, lãnh đạo Hội đồng cố vấn bấm nút ra mắt phiên bản mới của trang thông tin điện tử của VDCA

Hội đồng cố vấn VDCA sẽ họp định kỳ 6 tháng một lần hoặc họp đột xuất theo quyết định của Chủ tịch Hội đồng, hoặc theo đề nghị của đa số thành viên Hội đồng để giải quyết các vấn đề do Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam đề nghị./.

vt_hoi dong co van chup luu niem.jpg
Hội đồng cố vấn chụp ảnh lưu niệm với các thành viên Ban lãnh đạo Hội Truyền thông số Việt Nam

Một số hình ảnh tại sự kiện

vt_toan canh - Copy.jpg
vt_ong Thang Van Phuc 2.jpg
Ông Thang Văn Phúc - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, thành viên Hội đồng cố vấn VDCA
vt_ong Dinh Van Hai.jpg
Ông Đinh Văn Hải - Phó Chủ tịch VDCA
vt_ong Dang Vu Tuan.jpg
Ông Đặng Vũ Tuấn - Phó Chủ tịch VDCA
vt_ong Bui Si Hoa.jpg
Ông Bùi Sĩ Hoa - Phó Chủ tịch VDCA
vt_ong Nguyen Xuan Cuong.jpg
Ông Nguyễn Xuân Cường - Phó Chủ tịch VDCA