Vai trò của Gia Lộc Phát tại Cty Rạng Đông

VietTimes -- Sau khi mua gom gần 25% cổ phần tại Rạng Đông từ SCIC, bên cạnh việc đưa người đại diện vào HĐQT, CTCP Gia Lộc Phát cũng trở thành “bạn hàng” chiếm trung bình gần 36% doanh thu của Rạng Đông mỗi năm.
Trụ sở chính của CTCP Gia Lộc Phát (Ảnh: Internet)
Trụ sở chính của CTCP Gia Lộc Phát (Ảnh: Internet)

Sự cố hỏa hoạn xảy ra với CTCP Bóng đèn phích nước Rạng Đông (Mã CK: RAL) vào chiều 28/8/2019 tiếp tục nối dài danh sách các doanh nghiệp niêm yết chẳng may được “bà hỏa” ghé thăm.

Hỏa hoạn luôn là nỗi ám ánh của các doanh nghiệp, gây ra thiệt hại về tài sản, con người, làm ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong trường hợp của RAL, với những kết quả quan trắc môi trường được Bộ Tài nguyên và môi trường (Bộ TNMT) công bố mới đây, dư âm của vụ việc sẽ vẫn còn kéo dài.

Trên thị trường chứng khoán, diễn biến giá cổ phiếu RAL cũng chịu những tác động bất lợi từ sự việc này. Thị giá hiện dừng ở mức 74.600 đồng/cổ phiếu (giá đóng cửa ngày 9/9/2019). Tuy nhiên, đà giảm của cổ phiếu RAL không đi kèm với thanh khoản lên tới hàng triệu cổ phiếu/phiên như với nhiều doanh nghiệp khác khi gặp sự cố tương tự.

Nguyên nhân có thể là do nhà đầu tư vẫn tin tưởng vào việc RAL đã mua bảo hiểm cho nhà máy, hoặc cũng có thể xuất phát từ cơ cấu cổ đông của công ty quá cô đặc. Bởi nhìn lại lịch sử giao dịch trước đó, có thể thấy số lượng các nhà đầu tư nhỏ lẻ nắm giữ cổ phiếu này không nhiều.

Theo Báo cáo tài chính bán niên năm 2019 của RAL, tính đến ngày 30/6/2019, quy mô vốn điều lệ của công ty đạt 115 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông bao gồm: Công đoàn công ty (42,96%), Bà Lê Thị Kim Yến (15,24%), Ông Lê Đình Hưng (9,26%) và Cổ đông khác (32,54% vốn điều lệ). Như vậy, về mặt lý thuyết, sẽ có tới hơn 37,42 triệu cổ phiếu RAL trôi nổi trên thị trường.

Tuy nhiên, theo báo cáo phân tích của CTCP Chứng khoán Tân Việt (TVSI) công bố vào trung tuần tháng 6/2019, số lượng cổ phiếu trôi RAL nổi trên thị trường chỉ là khoảng 2,645 triệu cổ phiếu, tương đương với 23% cổ phần đang lưu hành.

Một lượng lớn cổ phiếu tương đương 10% vốn điều lệ do 2 quỹ Indochina Capital và Chứng khoán Việt Nam nắm giữ nhưng không được RAL đề cập trong BCTC bán niên.

Cơ cấu cổ đông của Rạng Đông (Nguồn: TVSI)
Cơ cấu cổ đông của Rạng Đông (Nguồn: TVSI)

Trong số các cổ đông lớn của RAL, đáng chú ý là sự xuất hiện của hai cổ đông cá nhân và cũng là chị em ruột gồm bà Lê Thị Kim Yến (sinh năm 1959) và ông Lê Đình Hưng (sinh năm 1960), với tổng tỷ lệ sở hữu đạt 24,5%.

Được biết, đây là những cổ đông cá nhân đã mua lại cổ phần từ Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) khi đơn vị này thực hiện thoái vốn Nhà nước vào tháng 9/2015. Giao dịch được thực hiện qua phương thức thỏa thuận với giá trị ghi nhận hơn 114 tỷ đồng.

Tại CTCP Gia Lộc Phát (Gia Lộc Phát), ông Lê Đình Hưng giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT), còn bà Lê Thị Kim Yến làm Tổng Giám đốc. Bên cạnh đó, bà Yến cũng tham gia vào HĐQT RAL không lâu sau khi trở thành cổ đông lớn.

Kể từ khi trở thành cổ đông lớn của RAL, Gia Lộc Phát cũng nhanh chóng trở thành “bạn hàng”, nhà phân phối lớn nhất của công ty này với tỷ lệ đóng góp lên tới 36% doanh thu hàng năm. Trong nửa đầu năm 2019, Gia Lộc Phát cũng đem lại hơn 575 tỷ đồng doanh thu bán hàng cho RAL.

Tuy nhiên, việc phụ thuộc vào nhà phân phối Gia Lộc Phát cũng đem lại những rủi ro cho RAL. Theo phòng phân tích và tư vấn đầu tư của TVSI, việc tập trung sản lượng bán hàng quá nhiều vào một nhà phân phối sẽ làm giảm khả năng đàm phán giá của RAL khi thị trường gặp khó khăn.

Mặt khác, các chuyên viên phân tích cũng bày tỏ lo ngại về khoản phải thu giữa RAL và Gia Lộc Phát đang có xu hướng gia tăng trong thời gian gần đây. Tính đến ngày 30/6/2019, Gia Lộc Phát đang dẫn đầu danh sách khách hàng có số dư phải thu lớn với RAL, giá trị ghi nhận đạt 184 tỷ đồng.

Cũng cần lưu ý rằng, việc trở thành nhà phân phối bóng đèn khi nắm giữ vai trò cổ đông lớn tại RAL dường như là một phương án kinh doanh linh hoạt của Gia Lộc Phát bên cạnh lĩnh vực chính là bất động sản.

Theo tìm hiểu của VietTimes, Gia Lộc Phát còn tham gia liên danh với CTCP Kinh doanh phát triển nhà và đô thị Hà Nội (Hanhud) làm chủ đầu tư dự án Xây dựng nhà ở để bán tại khu vực Ngòi - Cầu Trại (phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) với diện tích lên tới 13 ha. Dự án này đã được triển khai từ năm 2016 nhưng vẫn chưa có nhiều tiến triển.

Quay trở lại với RAL, ngoài vị thế là một trong ba công ty có thị phần bóng đèn lớn nhất cả nước, doanh nghiệp này cũng là một trong số ít những đơn vị chưa di dời nhà máy khỏi nội đô, mặc dù Quyết định phê duyệt kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đã được Thủ tướng phê duyệt từ 16 năm trước (ngày 22/4/2003).

Không chỉ riêng trường hợp nhà máy Rạng Đông, nhiều nhà máy sản xuất cao su, thuốc lá, bóng đèn, giày gây ô nhiễm vẫn tồn tại trong nội đô và làm “dậy sóng” dư luận cho đến khi sự vụ hỏa hoạn xảy ra./.