VietTimes -- BlackBerry Messenger không phải là ứng dụng nhắn tin bảo mật nhất, mà chính là Facebook, còn tệ nhất lại là các ứng dụng WeChat và QQ của Trung Quốc.
Tổ chức Ân xá quốc tế (Amnesty International) đã tiến hành đánh giá 11 công ty đứng sau các dịch vụ nhắn tin phổ biến nhất thế giới, để xem xét ứng dụng nhắn tin nào an toàn nhất, và các công ty này sử dụng mã hóa như thế nào nhằm bảo vệ sự riêng tư của người dùng.
Theo đó, Facebook là ứng dụng an toàn nhất với 73/100 điểm. Đặc biệt, 1 tỷ người dùng ứng dụng WhatsApp có thể thở phào nhẹ nhõm, vì các dữ liệu được mã hóa từ đầu đến cuối, do đó “không một ai, thậm chí cả WhatsApp” có thể xem các đoạn chat hội thoại của người dùng. Tuy nhiên, một ứng dụng nhắn tin rất phổ biến khác nữa của Facebook mà hầu hết cư dân mạng Việt Nam sử dụng là Messenger lại không áp dụng cơ chế mã hóa đầy đủ mặc định. Dù vậy, Facebook vẫn được khen vì có khuyến cáo người dùng về mức độ mã hóa yếu hơn mà họ áp dụng cho Facebook Messenger.
Ứng dụng FaceTime và iMessage của Apple, cũng áp dụng cơ chế mã hóa từ đầu đến cuối theo mặc định, đã đưa Apple đứng vào vị trí thứ 2 trong danh sách. Công ty cũng công khai đấu tranh bảo vệ sự bảo mật cho người tiêu dùng. Vào tháng Hai năm nay, Apple đã từ chối tuân thủ theo phán quyết của tòa án Mỹ, rằng Apple phải giúp Cục Điều tra Liên bang đột nhập vào iPhone của một trong những tay súng San Bernardino.
Một trong những lý do Apple đứng sau Facebook là vì trong những trường hợp thông tin không được mã hóa đầy đủ, công ty không thông báo cho người dùng biết.
CEO Sundar Pichai của Google cũng đồng ý với Apple về việc phản đối tạo ra “cửa hậu mã hóa”, và ứng dụng gọi video Duo của Google cũng mặc định mã hóa – nhưng ứng dụng Allo của Google lại không mặc định mà chỉ đưa ra lựa chọn mã hóa cho người dùng, hay Hangouts không hề có mã hóa.
Bảng xếp hạng tính an toàn bảo mật của các ứng dụng nhắn tin, theo thang điểm 100
BlackBerry Messenger cung cấp mã hóa đầy đủ, nhưng chỉ áp dụng với dịch vụ thuê bao có trả phí. Snapchat cũng không mã hóa, dù công ty nói họ đang xem xét thực hiện nó trong tương lai gần. Cả BlackBerry và Snapchat đều có thang điểm rất kém trong bảng xếp hạng an toàn bảo mật của Amnesty.
Dù vậy, để tìm ra những ứng dụng bảo mật kém nhất, bạn phải nhìn vào Trung Quốc. Tencent của Trung Quốc đã vượt qua Alibaba, trở thành công ty công nghệ giá trị nhất Trung Quốc, nhưng lại đứng cuối bảng về bảo mật người dùng. Tencent sở hữu 2 ứng dụng nhắn tin thành công nhất của Trung Quốc là WeChat và QQ. QQ vốn bắt chước tính năng nhắn tin của WhatsApp, hiện đã tích hợp với các trang giống Facebook, và cũng có Newsfeed, hoạt động như một ứng dụng thanh toán di động.
Mặc dù đáp ứng nhiều nhu cầu của người dùng trên chỉ một cổng, song WeChat lại chỉ được 0 điểm trong đánh giá của Amnesty. “WeChat không chỉ không đáp ứng đầy đủ bất cứ tiêu chí nào, mà nó còn là công ty duy nhất không thông báo công khai rằng họ sẽ không cho phép chính phủ truy cập vào các tin nhắn mã hóa bằng cách xây dựng “cửa hậu””, báo cáo viết.