Các tài liệu tuyên truyền về “siêu vũ khí” mới có nói rằng, tên lửa mới có khả năng vượt qua mọi hệ thống phòng không hiện có ở Nga, kể cả S-400 và thậm chí có thể đe dọa Điện Kremlin.
Tại cuộc họp mới đây của Hội đồng An ninh quốc gia và quốc phòng Ukraine, người ta đã thảo luận về tương lai của công nghiệp quốc phòng. Mặc dù vấn đề thảo luận là bí mật, nhưng Kiev đã cố tình rò rỉ thông tin sắp tới quân đội Ukraine sẽ được trang bị siêu vũ khí tối tân có thể sánh với tên lửa Kalibr của Nga được sử dụng để tiêu diệt các mục tiêu ở Syria.
Theo chương trình tái trang bị quân đội Ukraine, dự án phát triển Sapsan dự kiến hoàn thành vào năm 2016 và bắt đầu mua sắm vào năm 2017.
Năm 2013, chương trình đã bị đóng băng bởi cựu Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Pavel Lebedev do Viện thiết kế Yuzhnoie sử dụng kinh phí không hiệu quả. Theo ông Lebedev, các bên thực hiện dự án trong 5 năm đã tiêu khá tiền mà chẳng thể đưa ra được dù là một mẫu chế thử.
Theo tài liệu dự án, để thực hiện dự án Sapsan cần có gần 3,7 tỷ hryvna. Theo số liệu không chính thức, chi phí phát triển hệ thống tên lửa chiến dịch-chiến thuật Iskander của Nga có tính năng gần với Sapsan là 1 tỷ USD.
Sau sự kiện lật đổ chế độ Yanukovich, mất Crimea vào tay Nga và nội chiến bùng nổ ở miền Đông Ukraine, vấn đề phát triển vũ khí hiện đại nói chung và tên lửa nói chung nhằm đối phó với Nga trở nên bức thiết đối với chính quyền Poroshenko.
Ukraine đã định thực hiện dự án Sapsan vào năm 2015, nhưng không được vì thiếu tiền. Hệ thống Sapsan có thể đưa vào trang bị cho quân đội Ukraine vào năm 2018 với điều kiện tiếp tục cấp kinh phí cần thiết, công trình sư trưởng của Viện thiết kế Yuzhnoie, ông Aleksandr Degtyarev cho biết.
“Chúng tôi sẵn sàng đưa ra thử nghiệm hệ thống này vào năm 2018 với điều kiện có các khoản đầu tư cần thiết”, ông Degtyarev nói.
Bản vẽ phác thảo đã được hoàn thành vào năm 2008 và trình cho Bộ Quốc phòng Ukraine. Nhưng mặc dù đã thực hiện hết mọi yêu cầu hoàn thiện của Bộ Quốc phòng, đơn đặt hàng sản xuất vẫn không có. Tuy nhiên, Viện thiết kế Yuzhnoie vẫn không dừng phát triển dự án này mà vẫn tiếp tục với sự hỗ trợ của các nhà đầu tư nước ngoài.
“Ngay khi chúng tôi nhận được đơn đặt hàng của nhà nước, chúng tôi sẽ lập tức bắt tay vào thực hiện nó”, ông Degtyarev cam kết.
Sapsan là dự án hệ thống tên lửa đa năng có thể sử dụng tên lửa chiến dịch-chiến thuật, tên lửa phòng không và tên lửa chống hạm, do Viện thiết kế Yuzhnoie và Nhà máy chế tạo máy miền nam mang tên A.M. Makarov (Yuzhmash) phát triển, tầm bắn dự kiến 50-480 km.
Cuối năm 2015, lãnh đạo Ukraine tuyên bố đơn hàng quốc phòng năm 2016 sẽ ưu tiên cho việc phát triển và sản xuất các hệ thống tên lửa nội địa, lựu pháo hạng nặng, phương tiện phòng không và thông tin liên lạc, cũng như các mẫu tăng-giáp mới.
Không chỉ nối lại dự án Sapsan mà theo Thư ký Hội đồng An ninh quốc gia và quốc phòng Aleksandr Turchynov, Ukraine còn đã bắt đầu thực hiện một dự án tên lửa mới có tính năng mạnh hơn Sapsan.
Ông Turchynov cho biết, các công trình sư Ukraine đang phát triển một loại tên lửa chiến dịch-chiến thuật có các tính năng mạnh hơn dự án Sapsan. Đó sẽ là sản xuất toàn chu trình, từ nhiên liệu tên lửa cho đến phần chiến đấu của tên lửa và nó sẽ là tiêu chuẩn tốt nhất trong các tên lửa chiến dịch-chiến thuật hiện có trên thế giới.
Ông Turchynov cũng cho hay, Hội đồng An ninh quốc gia và quốc phòng Ukraine coi nhiệm vụ hồi sinh tiềm lực phòng không của quân đội nước này là một hướng ưu tiên trong năm 2016.
Ngày 24/7/2014, các nghị sĩ đảng “Tự do” còn đưa ra sáng kiến lấy lại quy chế cường quốc hạt nhân cho Ukraine.
Bài học đắt giá
Câu chuyện "mất bò mới lo làm chuồng" của Ukraine dạy cho người ta một số bài học. Một là, muốn giữ độc lập, tự do, phài có quân đội mạnh, vũ khí hiện đại, đừng trông chờ kẻ khác giữ nhà cho mình. Ukraine từng có điều kiện có cả hai yếu tố này: họ thừa hưởng bộ phận hùng mạnh và tiềm năng nhất của quân đội và công nghiệp quốc phòng Liên Xô sau Liên bang Nga, lực lượng máy bay ném bom chiến lược và vũ khí hạt nhân cực mạnh.
Nhưng bị Mỹ và Nga dụ dỗ, họ tự nguyện giải giáp hạt nhân để đổi lấy sự bảo đảm an ninh của Mỹ, Nga. Hệ quả là thế nào thì chúng ta đều đã biết. Hai là, phải luôn nhận dạng địch, ta rõ ràng; mọi thứ hữu nghị, đồng chí viển vông chỉ là chót lưỡi đầu môi, là tự đánh lừa mình và vô cùng tai hại, chỉ có lợi ích quốc gia dân tộc là mãi mãi, bất biến. Ba là đối ngoại phải hết sức khéo léo, lấy hợp tác và răn đe để giữ vững hòa bình và phát triển. Tóm lại là muốn hòa bình phải chuẩn bị một cách chủ động và tích cực cho chiến tranh. Để có hòa bình thì dù có tốn kém để xây dựng quân đội, mua sắm vũ khí thì vẫn hơn là chiến tranh chết chóc.
Trước Ukraine thì cả Iraq, Nam Tư và Libya đều mắc phải những sai lầm như thế. Iraq xâm chiếm Kuwait vì tin Liên Xô che chở, nhưng nước lớn bắt tay nhau thế là Hussein hết đời. Thời chiến tranh lạnh, những người cộng sản Nam Tư chơi bài "ngao cò tranh nhau, ngư ông đắc lợi" để hưởng lợi cả từ phương Tây và Liên Xô; đối đầu Xô-Mỹ kết thúc, giá trị lợi dụng đã hết, chế độ cộng sản ở Nam Tư kết thúc.
Khi có thời gian chuẩn bị, Nam Tư tiếc tiền mua S-300, chiến tranh đến cửa mới vội vã cầu xin Nga cung cấp S-300, Yeltsin lắc đầu, thế là bị đánh bom tan nát và mất Kosovo, liên bang tan rã, Milosevic cuối cùng chết thảm trong tù.
Ở Libya, Gaddafi ngây thơ tin rằng, phương Tây sẽ tha thứ cho ông ta nên tự nguyện giải giáp vũ khí hóa học, hủy bỏ chương trình hạt nhân, tiền có thừa nhưng không chịu củng cố quân đội, lừng chừng không mua sắm vũ khí hiện đại, những mong thù trở thành bạn, Mỹ và phương Tây không đánh ông nữa, kết cục là Libya hứng bom, tên lửa, còn ông Gaddafi bị giết, xác bị kéo trên đường và phô bày cho dân chúng xem.
Theo VND