Tỷ lệ sinh ở Trung Quốc đại lục tụt xuống mốc thấp kỷ lục, trung bình 7,52 trẻ/1.000 dân vào năm 2021, theo dữ liệu do Cục thống kê quốc gia công bố hôm 17/1. Con số này tiếp tục cho thấy xu hướng tỷ lệ sinh đi xuống, bất chấp việc Bắc Kinh nỗ lực đảo ngược xu hướng này bằng hàng loạt động thái thay đổi chính sách thời gian qua.
Năm 2016, Trung Quốc xóa bỏ chính sách một con kéo dài hàng chục năm, thay thế bằng chính sách 2 con để tránh rủi ro kinh tế từ tình trạng dân số già hóa nhanh chóng. Tuy nhiên, nhiều nguyên nhân, trong đó có chi phí đắt đỏ tại các đô thị lớn, đã khiến các cặp đôi không muốn sinh nhiều con. Năm ngoái, Trung Quốc tiếp tục thay đổi chính sách, cho phép các cặp đôi sinh 3 con, trong nỗ lực giải quyết nguy cơ về cuộc khủng hoảng nhân khẩu học.
Mặc dù vậy, Trung Quốc năm 2021 đã ghi nhận tỷ lệ sinh thấp chưa từng có kể từ năm 1949, thời điểm Cục thống kê quốc gia bắt đầu việc thu thập dữ liệu dân số.
Tỷ lệ dân số tăng tự nhiên của dân số Trung Quốc, không bao gồm di cư, chỉ đạt 0,034% vào năm 2021, thấp nhất kể từ năm 1960, theo số liệu.
Tiến sĩ Zhiwei Zhang, chuyên gia tại công ty đầu tư Pinpoint Asset Management (Hong Kong), cho biết: "Trung Quốc được cho là đang phải đối diện với thách thức về nhân khẩu học nhưng tốc độ già hóa dân số rõ ràng là nhanh hơn dự kiến. Điều này cho thấy tổng dân số của Trung Quốc có thể đã đạt đến đỉnh điểm vào năm 2021".
Năm 2021, Trung Quốc có 10,62 triệu trẻ em được sinh ra, so với con số 12 triệu ghi nhận năm 2020.
Giới quan sát cho rằng, việc dân số bị già hóa và tỉ lệ sinh giảm có thể sẽ làm ảnh hưởng tới kế hoạch của Trung Quốc trong mọi lĩnh vực từ kinh tế, xã hội, khoa học, quốc phòng, đối ngoại và các chính sách khác.
Các chuyên gia cho rằng, nếu tỷ lệ dân số trẻ trên dân số già tiếp tục giảm trong tương lai, nhóm dân số trong độ tuổi lao động của Trung Quốc sẽ bị tăng thêm gánh nặng, đồng thời năng suất lao động của cả nước sẽ giảm.
Theo Dantri.com
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu