Theo đánh giá trong báo cáo trên, kết quả bước đầu trong việc tái ổn định tỷ giá và thị trường ngoại tệ đã chứng minh rằng, cơ chế và cách thức điều hành tỷ giá mới của Ngân hàng Nhà nước đang đi đúng hướng và phát huy hiệu quả tốt.
Từ biến vĩ mô “bất ổn” nhất 2015
Tỷ giá từng bị rung lắc mạnh trong năm 2015 khi chứng kiến nhiều đợt biến động lớn. Trong đó, hai đợt đợt sóng tỷ giá mạnh đều được khơi mào từ yếu tố quốc tế.
Thứ nhất, sự kiện đồng USD chạm mốc 100 điểm ngày 13/3/2015 khiến cho thị trường tài chính quốc tế biến động mạnh và có ảnh hưởng ngay tới thị trường ngoại tệ trong nước. Cộng với căng thẳng nội tại của nền kinh tế lúc đó, tỷ giá USD/VND đã bước vào một “đợt sóng” khá cao với sức căng tỷ giá ít suy giảm kể từ đó.
Thứ hai, sự kiện Trung Quốc hạ giá đồng Nhân dân tệ kể từ 11/8/2015 lại châm ngòi cho một đợt sóng rất lớn.
Tương tự một số quốc gia trong khu vực phá giá mạnh đồng bản tệ, Ngân hàng Nhà nước đã ngay lập tức phải thực hiện điều chỉnh kép, vừa nâng tỷ giá, vừa nới biên độ chỉ trong vòng một tuần. Kể từ ngày 19/8, tỷ giá bình quân liên ngân hàng USD/VND được ấn định tại mức 21.890, tăng 3% so với tỷ giá tham chiếu đầu năm và biên độ giao dịch là +/- 3%, mở rộng hơn so với mức +/-1% của đầu năm.
Trên thị trường, tỷ giá liên ngân hàng giao ngay được ghi nhận mức đỉnh 22.545 vào ngày 21/12/2015, tăng tới 5,5% so cuối 2014.
Xét tại thời điểm kết thúc năm, tỷ giá giao dịch này đã tăng 5,07% so đầu năm. Ngân hàng Nhà nước chính thức chấp nhận phá vỡ cam kết đã đưa ra từ đầu năm về biên độ tối đa điều chỉnh tỷ giá trong năm 2015.
Tuy nhiên, kể từ khi áp dụng cơ chế điều hành tỷ giá mới từ đầu 2016, thị trường đã nhanh chóng ổn định trở lại. Kỳ vọng tỷ giá suy giảm, các hoạt động đầu cơ, găm giữ ngoại tệ giảm mạnh. Ngân hàng Nhà nước đang kiểm soát tốt thị trường ngoại hối.
Điều hành “kỹ thuật” hơn
Cách tuyên bố cam kết giữ ổn định tỷ giá trong suốt năm với mức điều chỉnh tăng tối đa bao nhiêu phần trăm nhằm “neo niềm tin” như đã từng làm từ năm 2012 tỏ ra không còn hiệu lực, hiệu quả bởi các yếu tố thuận lợi hỗ trợ đắc lực cho cơ chế này, như: USD giảm giá, Nhân dân tệ lên giá, chênh lệch lãi suất “đô-đồng” cao, sức mua dân chúng và tổng cầu chưa hồi phục, lạm phát trên đà suy giảm... đến nay đều đã thay đổi cơ bản.
Nhận thức rõ điều này, ngay từ đầu năm 2016, Ngân hàng Nhà nước đã nhanh chóng giới thiệu ra cơ chế điều hành tỷ giá mới đáp ứng kịp thời yêu cầu mà bối cảnh hoạt động mới đặt ra.
Bằng cách chủ yếu tham chiếu biến động hàng ngày của rổ tiền tệ quốc tế được chọn cũng như diễn biến của tỷ giá liên ngân hàng giao dịch hôm trước, cơ chế tỷ giá trung tâm rõ ràng đã giúp làm tăng tính “chỉ báo” hay tín hiệu sớm cho thị trường, là “bộ giảm chấn” cho những cú sốc xảy ra trong khu vực kinh tế đối ngoại, đặc biệt giúp làm giảm hành vi đầu cơ, găm giữ hay nguy cơ “tấn công tiền tệ”, và đáp ứng tốt hơn sự ràng buộc theo lý thuyết “bộ ba bất khả thi”.
Tỷ giá đã giảm mạnh và trở lại ổn định trong cơ chế mới - điểm nhấn là kỹ thuật bán ngoại tệ kỳ hạn.
Đến cuối tháng 3/2016, tỷ giá USD/VND xuống khá thấp và hoàn toàn không còn tình trạng căng thẳng như những tháng cuối năm 2015. Nguyên nhân chính giúp tỷ giá có xu hướng ổn định trở lại là do tỷ giá được điều hành theo cơ chế mới ngay từ đầu năm, đi kèm theo là một gói công cụ, giải pháp khá mới mẻ, mang tính chuyên môn kỹ thuật.
Cụ thể, ngoài việc tỷ giá trung tâm có sự biến động linh hoạt hàng ngày theo những diễn biến trên thị trường, Ngân hàng Nhà nước đã kết hợp thêm nhiều công cụ giúp điều tiết tốt thị trường ngoại tệ. Bán kỳ hạn ngoại tệ và cho phép ngân hàng thương mại hủy ngang là biện phát kỹ thuật dùng cung ngoại tệ tương lai để bình ổn cho hiện tại trên cơ sở định hình kỳ vọng hợp lý cho thị trường.
Biện pháp này đã được áp dụng ngay trước ngày triển khai cơ chế mới, và đã đạt được kết quả tích cực - tỷ giá ổn định trở lại và từ sau Tết, lần lượt tất cả các ngân hàng thương mại đã hủy ngang hợp đồng mua kỳ hạn được ký với Ngân hàng Nhà nước khi mà tỷ giá biến động theo chiều hướng giảm. Điều này đồng nghĩa với việc nhà điều hành không phải bán ra ngoại tệ như đã cam kết ở cuối năm trước.
Trái lại, khi tỷ giá giảm, Ngân hàng Nhà nước đã mua vào được một lượng ngoại tệ khá lớn bổ sung cho dự trữ ngoại hối và nâng cao khả năng điều tiết tỷ giá khi cần can thiệp.
Lãi suất tiền gửi ngoại tệ giảm về 0% và các quy định chặt chẽ hơn trong giao dịch ngoại tệ cũng làm giảm bớt động cơ nắm giữ ngoại tệ của thị trường.
Ngoài các công cụ trên, Trung tâm Nghiên cứu kinh tế của Maritime Bank cho rằng, Ngân hàng Nhà nước vẫn còn dư địa để sử dụng thêm các biện pháp kỹ thuật khác nhằm hạn chế hành vi đầu cơ, găm giữ ngoại tệ.
Đó là biện pháp đưa lãi suất tiền gửi ngoại tệ xuống dưới 0% hoặc đánh phí đối với các hoạt động này thông qua việc áp đặt tỷ lệ dự trữ bắt buộc VND khác nhau cho các ngân hàng có mức trạng thái ngoại tệ khác nhau.
Hỗ trợ cho sự vận hành cơ chế tỷ giá mới là điều kiện thị trường đang khá thuận lợi với nguồn ngoại tệ trong nước dồi dào nhờ thành tích xuất siêu và giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài khả quan.
Thêm vào đó, các yếu tố quốc tế có tác động mạnh tới tỷ giá USD/VND trong năm vừa qua, đang chuyển biến theo chiều hướng thuận lợi xét đến thời điểm hiện tại, đó là USD đang mất giá tương đối, trong khi đồng Nhân dân tệ có xu hướng lấy lại giá trị so với USD sau giai đoạn mất giá khá nhanh đầu năm, bất chấp những bất ổn trên thị trường tài chính và sự suy yếu của kinh tế Trung Quốc vẫn tồn tại.
Sẽ tiếp tục ổn định, nếu…
Về triển vọng trong ngắn hạn, báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu kinh tế Maritime Bank cho rằng, với cơ chế và đặc biệt là cách thức điều hành tỷ giá như hiện tại, tâm lý thị trường sẽ tiếp tục ổn định, kỳ vọng tỷ giá tăng suy giảm, biến động tỷ giá ngày càng phản ánh sát trạng thái cung-cầu ngoại tệ và định giá về VND của thị trường.
Áp lực tỷ giá sẽ chưa xuất hiện trở lại khi cân đối cung cầu ngoại tệ trong thời gian tới có thể tiếp tục cân bằng hoặc thặng dư nhờ sự thành công bước đầu trong việc làm suy yếu động cơ đầu cơ, găm giữ cũng như định hướng/dẫn dắt được kỳ vọng hợp lý cho thị trường, đồng thời, nguồn cung ngoại tệ cũng gia tăng khi triển vọng dòng vốn FDI tiếp tục khả quan.
“Trong quý 2/2016, chúng tôi cho rằng tỷ giá có thể tiếp tục ổn định hoặc giảm nhẹ, tạo điều kiện cho Ngân hàng Nhà nước có thể mua vào ngoại tệ, tăng cường dự trữ ngoại hối và tạo thêm thanh khoản cho VND”, báo cáo đưa ra nhận định.
Theo Trung tâm Nghiên cứu kinh tế của Maritime Bank, nhận định trên được cho là đáng tin cậy một khi mức độ nhạy cảm và phản ứng nhanh lẹ, quyết đoán của nhà điều hành đối với thị trường tiếp tục được duy trì và ngày càng hoàn thiện.
Theo VnEconomy