Samsung vừa mang về những mẫu TV 8K đầu tiên tại Việt Nam. Chất lượng hình ảnh của thế hệ TV QLED 8K mới rất ấn tượng. Nó được trang bị một lớp quang học tương ứng công nghệ Ultra Viewing Angle hướng tới cải thiện góc nhìn, độ tương phản. Những mẫu TV này cũng hỗ trợ tính năng làm mờ cục bộ (local dimming) giúp thể hiện màu đen tựa như một căn phòng tối như hũ nút. Nó cũng mang đến dải màu rộng, với độ sáng đỉnh HDR xuất sắc có thể hiển thị nội dung HDR đầy màu sắc và sáng rực.
Độ phân giải 8K
Với độ phân giải 8K (7.680 x 4.320 pixel) thì độ sắc nét - với tổng số điểm ảnh lên đến 33,2 triệu ảnh gấp 16 lần so với Full HD - là điều không phải bàn cãi khi theo dõi nội dung chất lượng cao trên loạt TV QLED mới.
Hiểu đơn giản, nhiều điểm ảnh hơn nghĩa là có nhiều thông tin hơn, nhiều chi tiết hơn và mang đến chất lượng hình ảnh tốt hơn. Độ chi tiết cao ngất trời, màu sắc chuẩn mực theo đúng như những gì Samsung miêu tả theo cách đầy tự hào.
Sự chuyển động tự nhiên, hiện tượng nhiễu của hình ảnh khó để nhận ra và không gian ba chiều được thể hiện chân thực. Tông màu đen sâu và đa sắc độ còn tông màu trắng thì sáng và sạch. Độ sắc nét của những chiếc TV QLED 8K có thể tạo ra cảm giác như bạn đang ngắm nhìn quang cảnh qua một khung cửa kính vừa được làm sạch hơn là đang xem một chiếc TV.
Trước mắt có thể tạm thời quên đi việc thiếu vắng nội dung 8K cho thế hệ TV này bởi Samsung đã sử dụng công nghệ AI Upscale để nâng cấp các nội dung SD, HD và UHD lên mức 8K để người dùng có thể thưởng thức rõ nét trên những chiếc TV QLED mới.
Ở một khoảng cách gần nhất định, độ phân giải cao của TV 8K sẽ phản ánh rõ nét giới hạn của mắt người tốt hơn 4K hay Full HD. Trải nghiệm người dùng với độ phân giải 8K sẽ mang đến nhiều cảm xúc hơn bởi độ chi tiết được đẩy lên mức cực đại, cho cảm giác gần gũi giữa hình ảnh trên TV với thế giới thực. Hơi khó tả nhưng, cảm giác xem TV 8K và những thế hệ TV trước cũng tựa như một bên là đang xem một bức tranh gốc được vẽ bởi các danh họa bên còn lại là một bản tranh chép với nội dung tương tự…
Xử lý chuyển động mượt mà
TV QLED 2019 cho thấy khả năng xử lý chuyển động mượt mà, thời gian đáp ứng nhanh và khó nhận thấy các dấu vết mờ.
Đèn nền của chúng cũng tốt hơn thế hệ 2018 và có tần số nhấp nháy rất nhanh – 960Hz trong hầu hết các chế độ. Nó nhanh đến mức gần như chúng ta không thể nhận biết được. Nó cũng hỗ trợ tính năng chèn khung hình đen, có thể hạ thấp tần số nhấp nháy xuống 60Hz trong chế độ trò chơi để giúp các chuyển động xuất hiện rõ nét hơn.
Bên cạnh đó, các mẫu TV QLED 2019 cũng hỗ trợ nội suy nội dung có tốc độ khung hình thấp lên mức 120Hz, ngay cả ở chế độ trò chơi, và có thể loại bỏ sự rung lắc từ bất kỳ nguồn đầu vào nào.
Và cũng giống như hầu hết các mẫu TV cao cấp 2018, thế hệ TV QLED 2019 hỗ trợ tốc độ làm mới (refresh) biến hóa với FreeSync.
Màu sắc rực rỡ cùng HDR
Theo Samsung, dòng TV QLED này có thể tái hiện 100% màu sắc trong không gian màu DCI-P3 – định dạng được dùng phổ biến trong điện ảnh. Điển hình như độ chính xác màu sắc của Samsung Q900R đạt mức cao với chỉ số delta E đạt 0,78 (tiệm cận mức 0 lý tưởng) và khả năng cân bằng tông màu trắng khá chuẩn với delta E (cân bằng trắng) là 0,55. Nhiệt màu của nó cũng ở mức 6446K, nghĩa là tiến rất gần đến mức kỳ vọng 6500K.
Công nghệ Quantum HDR 4.000 nits của Samsung mang đến độ sáng tối đa cao gấp nhiều lần TV 4K truyền thống. Kèm theo đó là khả năng hỗ trợ HDR10+ tối ưu hóa dải tương phản HDR tương ứng với từng phân cảnh để tái hiện các chi tiết dù là nhỏ nhất để mang đến sự chân thực của hình ảnh.
Sự nâng cấp này kết hợp với việc màu sắc rực rỡ bởi công nghệ chấm lượng tử và màu đen chân thực với giải pháp chiếu sáng/làm mờ cục bộ sẽ tạo ra khung cảnh có chiều sâu trung thực hơn – nhất là trong những khung cảnh được chiếu sáng đặc biệt. TV QLED 8K mới cũng tự động điều chỉnh độ sáng dựa trên ánh sáng tự nhiên của phòng.
Nói không với hiện tượng Burn In (lưu ảnh)
Được phát triển để trở thành một đối thủ cạnh tranh với OLED, công nghệ QLED đã thể hiện ưu thế khi không mắc phải hiện tượng Burn-In thường gặp trên các màn hình OLED. Thế nên, các TV QLED 8K sử dụng tấm nền VA của Samsung sẽ bền bỉ hơn và không còn khiến người dùng tức mắt khi nhìn thấy những hình ảnh bị lưu lại sau một thời gian sử dụng.
Kết quả này được đúc kết qua nhiều bài thử nghiệm Burn In dài hơi và cho thấy các dòng TV QLED hầu như miễn dịch với “căn bệnh nan y” của OLED.