Tướng Trung Quốc tuyên bố đưa vũ khí tới Biển Đông là 'bình thường'

Từ Quang Dụ, thiếu tướng quân đội Trung Quốc nghỉ hưu, cho rằng Bắc Kinh đưa hỏa pháo hoặc những vũ khí khác tới đảo nhân tạo ở Biển Đông là chuyện "cực kỳ bình thường."
Từ Quang Dụ, chuyên gia quân sự, thiếu tướng quân đội Trung Quốc. Ảnh: Ifeng
Từ Quang Dụ, chuyên gia quân sự, thiếu tướng quân đội Trung Quốc. Ảnh: Ifeng

"Hỏa pháo là vũ khí phòng thủ, từ trước đến nay, Trung Quốc chưa bao giờ che giấu việc xây dựng đảo nhằm mục đích dân sự và quân sự," SCMPhôm qua dẫn lời ông Từ. Ông này cho rằng Bắc Kinh đưa pháo tự hành hoặc những thiết bị khác lên các đá cải tạo là "bình thường và có thể đoán được" và còn dự đoán Trung Quốc đã lắp đặt hệ thống định vị vệ tinh, xây hải đăng và các thiết bị giám sát khác trên các đá cải tạo.

Tuyên bố trên được đưa ra sau khi Lầu Năm Góc cho biết Trung Quốc đã triển khai hai cỗ pháo tự hành trên các đảo nhân tạo ở Biển Đông. Sự xuất hiện của vũ khí khiến Washington lo ngại Trung Quốc đang theo đuổi chương trình xây đảo nhân tạo cho mục đích quân sự.

"Chúng tôi có thể khẳng định đã xác minh được một số vũ khí trên một trong số nhiều đá Trung Quốc đang cải tạo," Phát ngôn viên Lầu Năm Góc Colonel Steven Warren nói.

Thứ trưởng Quốc phòng Việt Nam, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh nhận định nếu thông tin Trung Quốc đưa pháo đến đảo nhân tạo ở Biển Đông là đúng, thì đây sẽ là "dấu hiệu xấu".

Antony Wong Dong, quan sát viên quân sự người Macau cho rằng, Trung Quốc tăng viện cho các đá ở Biển Đông nhằm răn đe quân sự các quốc gia khác trong khu vực. Xây dựng đường băng 3 km trên đá Chữ Thập là minh chứng rõ ràng nhất.

"Đường băng đủ dài để đón máy bay vận tải quân sự Y-20 hiện đại của PLA. Chúng ta có thể dự đoán một hệ thống tên lửa sẽ được triển khai," ông Dong nhận định.

Trước đó, Cục trưởng Cục Biên giới và các vấn đề Hải dương, thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc Âu Dương Ngọc Tĩnh hôm 27/5 đã nêu khả năng lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) tại Biển Đông. 4 ngày sau, phát biểu tại Đối thoại Shangri-La, Phó tham mưu trưởng PLA Tôn Kiến Quốc cũng không ngần ngại tuyên bố khả năng lập ADIZ tại Biển Đông nếu cảm thấy bị đe dọa.

Những động thái này của Trung Quốc khiến các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế quan ngại về khả năng xung đột vũ trang ở Biển Đông. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tuyên bố sẽ tiếp tục điều máy bay quân sự và tàu đến Biển Đông, bất chấp sự xua đuổi của Trung Quốc.

Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố chủ quyền với hầu hết diện tích Biển Đông và trong những tháng gần đây đẩy mạnh hoạt động bồi đắp, cải tạo quy mô lớn tại các bãi đá ở quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.

Theo: VnExpress