Tướng Nga nhận chỉ lệnh mới ở Severodonetsk, Donbass sắp thất thủ?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Chỉ huy chiến dịch của Nga ở Ukraine được giao hạn chót kiểm soát Severodonetsk để tiến tới mục tiêu nắm trọn Donbass - chiến trường mà Moscow hiện chiếm ưu thế nhờ áp đảo về hỏa lực.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và tướng Alexander Dvornikov tại một sự kiện vào tháng 3/2016 (Ảnh: AP).
Tổng thống Nga Vladimir Putin và tướng Alexander Dvornikov tại một sự kiện vào tháng 3/2016 (Ảnh: AP).

Theo Guardian, tại mặt trận miền Đông Ukraine, Nga đang dồn lực lượng cho mặt trận tại Severodonetsk, thành phố thuộc tỉnh Lugansk. Nếu chiếm được Severodonetsk và thành phố Lysychansk lân cận, Nga có thể kiểm soát hoàn toàn Lugansk.

Tuần trước, Nga đã kiểm soát đến 80% Severodonetsk, tuy vậy, quân đội Ukraine giành lại kiểm soát một nửa thành phố sau các đợt phản công. Giao tranh vẫn diễn ra khốc liệt.

Hãng tin CNN dẫn lời Thống đốc Lugansk Serhiy Haidai hôm 5/6 cho biết, tướng Alexander Dvornikov, tổng chỉ huy chiến dịch của Nga, dường như đã nhận lệnh phải kiểm soát toàn bộ Severodonetsk hoặc tuyến đường cao tốc Lysychansk - Bakhmut trước ngày 10/6. "Do vậy, một lượng lớn binh sĩ, toàn bộ những gì họ có trong tay, toàn bộ lính dự bị, đều được sử dụng để thực hiện 2 mục tiêu này", ông Haidai nói.

Tạp chí Der Spiegel ngày 5/6 dẫn nhận định của cơ quan tình báo nước ngoài của Đức (BND) cho rằng, lực lượng của Nga có thể phá vỡ phòng thủ, đẩy lùi sức kháng cự của Ukraine ở Donbass "trong vòng 4 đến 5 tuần tới".

Các nhà phân tích của BND lập luận: "Mặc dù đà tiến công của Nga đang chậm hơn nhiều so với ở giai đoạn đầu xung đột, nhưng mỗi ngày họ có thể kiểm soát dần những vùng lãnh thổ nhỏ ở Ukraine. BND dự đoán, quân đội Nga có thể kiểm soát hoàn toàn Donbass trước tháng 8".

Tuy nhiên, báo cáo cũng nhấn mạnh, tình hình trên chiến trường có thể thay đổi khi Ukraine tiếp nhận vũ khí hạng nặng hơn của phương Tây. Tuần trước, Mỹ cam kết sẽ chuyển các hệ thống pháo phản lực cơ động cao (HIMARS) có tầm bắn 80km với đạn rocket, và tầm bắn lên đến hàng trăm km với tên lửa chiến thuật. Đức cũng sẽ cung cấp cho Ukraine hệ thống phòng không IRIS-T theo đề nghị của Kiev. Tây Ban Nha được cho là đang chuẩn bị chuyển giao vũ khí hạng nặng cho Ukraine, bao gồm các hệ thống tên lửa phòng không và khoảng 40 xe tăng chiến đấu Leopard.

Cam kết được đưa ra trong bối cảnh chiến sự miền Đông Ukraine đang rất khốc liệt. Báo cáo tình báo hôm 4/6 của Bộ Quốc phòng Anh nhận định, các lực lượng Nga đang kết hợp không kích và nã pháo để tạo "hỏa lực áp đảo" lên vùng Donbass. "Việc kết hợp không kích và pháo kích là yếu tố then chốt dẫn đến những thành công chiến thuật gần đây của Nga ở khu vực", báo cáo cho biết.

Nếu kiểm soát hoàn toàn Donbass, Nga có thể lập một hành lang trên bộ nối từ miền Đông Ukraine đến Crimea - bán đảo đã sáp nhập vào Nga năm 2014. Mặc dù vậy, các chuyên gia cho rằng, cục diện chiến trường Donbass vẫn rất khó đoán định bởi Ukraine dự kiến sẽ tiếp nhận thêm nhiều vũ khí hạng nặng từ phương Tây trong thời gian tới.Nga liên tục cảnh báo việc phương Tây "bơm" vũ khí cho Kiev chỉ khiến xung đột kéo dài và nguy cơ xung đột trực tiếp với Moscow. Tổng thống Vladimir Putin hôm qua nói rằng, Nga sẽ tấn công các mục tiêu mới nếu Mỹ cung cấp tên lửa tầm xa hơn cho Ukraine.

Theo Dantri.com.vn