Theo tin của hãng truyền hình Mỹ CNN ngày 3/6, trong những tuần gần đây, Mỹ thường xuyên họp với các đồng minh như Anh và Liên minh châu Âu (EU) để cố gắng định ra một kế hoạch chấm dứt cuộc xung đột. Tuy nhiên, đã không có mặt Ukraine trong các cuộc họp này.
Bỏ qua Ukraine, phương Tây đang thảo luận về kế hoạch ngừng bắn
Nhiều người quen thuộc với vấn đề này cho CNN biết, trong các cuộc họp định kỳ này, Mỹ và các đồng minh châu Âu đã thảo luận về một khuôn khổ tiềm năng cho một lệnh ngừng bắn và thông qua đàm phán để chấm dứt chiến tranh, một trong những chủ đề là khuôn khổ bốn điểm do Italy đề xuất hồi tháng trước.
Trước đây Italy đã nhiều lần bày tỏ muốn làm trung gian hòa giải xung đột giữa Nga với Italy. Thủ tướng Mario Draghi cho biết cả Nga và Ukraine đều hy vọng Italy có thể trở thành người bảo đảm an ninh cho hai nước. Tháng trước, các quan chức cấp cao của Italy đã đệ trình Liên Hợp Quốc một khuôn khổ hòa bình bao gồm Ukraine cam kết giữ trung lập trong các vấn đề của NATO để đổi lấy một số đảm bảo an ninh, cũng như tiến hành các cuộc đàm phán giữa Ukraine-Nga về tương lai của Crimea và Donbass.
Bài viết của CNN về việc Mỹ và phương Tây thảo luận tìm giải pháp cho cuộc xung đột. |
Khi mới nổ ra cuộc xung đột Nga-Ukraine, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã hứa rằng "không đưa ra quyết định nào về Ukraine nếu không có sự tham gia của Ukraine". Nhưng theo những người quen thuộc với vấn đề này, Ukraine đã không trực tiếp tham dự khi Mỹ và các đồng minh thảo luận về kế hoạch ngừng bắn,.
Trên thực tế, khuôn khổ 4 điểm của Italy đã bị cả Nga và Ukraine bác bỏ, thậm chí Mỹ cũng không đồng ý.
Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc, Thomas Greenfield, nói với các phóng viên hồi đầu tuần này rằng khuôn khổ của Italy là "một trong những sáng kiến mà chúng tôi đương nhiên muốn thấy để chấm dứt cuộc chiến đáng sợ này và cảnh tượng tấn công khủng khiếp vào người dân Ukraine". Nhưng hai quan chức Mỹ nói với CNN rằng Mỹ không ủng hộ đề xuất của Italy.
Điều đáng nói là phía Ukraine ngày càng lo lắng rằng phương Tây sẽ áp đặt một số thỏa thuận cho họ để chấm dứt xung đột, trong đó có việc "cắt đất cầu hòa" như cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger đã đề xuất.
Tại cuộc họp báo ngày 3/6, khi được hỏi liệu Ukraine có nên "cắt đất cầu hòa", Tổng thống Mỹ Biden không trả lời trực tiếp mà chỉ nhắc lại rằng "bất kỳ quyết định nào về Ukraine đều không thể không có sự tham gia của Ukraine".
Cựu Ngoại trưởng Mỹ Kissinger đưa ra gợi ý "cắt đất cầu hòa" bị Ukraine thẳng thừng bác bỏ. |
Giá phải trả quá cao, phương Tây đang thay đổi thái độ
Hiện vẫn không rõ liệu những cuộc thảo luận này có chuyển thành các cuộc đàm phán dàn xếp cuối cùng hay không. Hai quan chức NATO cho biết chính quyền Biden vẫn chưa thấy triển vọng thực sự về bất kỳ bước đột phá ngoại giao hay ngừng bắn nào trong thời gian sớm tới đây. Vào ngày 17/5, cuộc đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine đã bị "đình chỉ vô thời hạn", và sau đó, hai bên liên tục cáo buộc lẫn nhau dẫn đến tình trạng đàm phán bế tắc.
Bất chấp điều đó, các quan chức Mỹ và phương Tây nói với CNN rằng người ta ngày càng lo ngại rằng nếu người Nga và Ukraine không quay lại bàn đàm phán để đạt được một thỏa thuận, cuộc chiến sẽ tiếp tục, thậm chí có thể trong nhiều năm nữa.
Bên cạnh những mâu thuẫn khó hóa giải giữa Nga và Ukraine, việc Mỹ và phương Tây tiếp tục đổ thêm dầu vào lửa cũng là một nguyên nhân quan trọng khiến hy vọng về một lệnh ngừng bắn và hòa đàm trở nên mong manh. Từ sau ngày 24/2, các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga hầu như xuất hiện không có điểm dừng. Đồng thời, viện trợ quân sự cho Ukraine vẫn liên tục gia tăng từ mũ bảo hiểm, áo giáp đến vũ khí hạng nặng.
Tổng thống Mỹ Biden tảng lờ khi được hỏi liệu Ukraine có nên "cắt đất cầu hòa" hay không? |
Thời gian đầu, các nước Âu Mỹ rất tin tưởng vào hiệu quả của các biện pháp trừng phạt Nga. Tuy nhiên, với việc công bố nhiều dữ liệu khác nhau về nền kinh tế Nga, bao gồm cuộc phản công bằng đồng rúp, sự gia tăng doanh thu năng lượng của Nga, dữ liệu GDP mới nhất của Nga khá lạc quan, trong khi ở nhiều nước châu Âu và Mỹ xuất hiện lạm phát và đang có nguy cơ khủng hoảng lương thực, nhiều cơ quan truyền thông phương Tây bắt đầu nghi ngờ về tính hiệu quả của các biện pháp trừng phạt của phương Tây.
CNN lưu ý rằng sự thay đổi tuy nhỏ trong ngôn ngữ của các quan chức Mỹ trong vài tuần qua - từ "làm suy yếu, đánh bại" Nga hồi tháng 3 và tháng 4 đến nay là "thông qua đàm phán ngoại giao giải quyết chiến tranh" - cũng phản ánh mối quan ngại của họ về khả năng xảy ra xung đột kéo dài vô thời hạn, bởi vì đó quả là “cái giá quá đắt”.
Ukraine: Mục tiêu tiếp theo của Nga là Slovensk
“Tính đến ngày hôm nay, khoảng 20 phần trăm lãnh thổ của chúng tôi đã nằm dưới sự kiểm soát của kẻ chiếm đóng”. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 2/6 cho biết, diện tích rộng gần 125.000 km vuông đã bị Nga kiểm soát. Ông cũng nói rằng chiến sự vẫn tiếp tục trên chiến tuyến, tạo thành một mặt trận hình lưỡi liềm dài một nghìn km dọc theo ngoại vi của thành phố Kharkov lớn thứ hai của Ukraine, qua vùng Donbas, đến tận Nikolayev ở phía nam đất nước”.
Nga đã kiểm soát 20% lãnh thổ Ukraine, tạo thành khu vực hình lưỡi liềm với chiến tuyến kéo dài một ngàn cây số (CNN vẽ). |
Vào cuối tháng 3, quân đội Nga đã rút khỏi xung quanh thủ đô Ukraine và chuyển trọng tâm hành động sang khu vực Donbas. Trọng tâm của cuộc giao tranh là Lysychansk và Severodonetsk ở vùng Luhansk. Sự tranh đoạt giữa hai bên ở Severodonetsk đã nóng lên và "rơi vào cuộc chiến tiêu hao khốc liệt".
Hiện tại, Nga đã kiểm soát 70% Severodonetsk. Bộ Quốc phòng Anh ngày 2/6 công bố đánh giá tình báo mới nhất, dự đoán Nga sẽ kiểm soát toàn bộ khu vực Luhansk trong hai tuần tới.
Theo các quan chức Ukraine, sau khi chiếm được Severodonetsk, quân đội Nga dự kiến sẽ tiến về phía nam tới các thành phố chính do Ukraine kiểm soát là Kramatorsk và Slovensk. Hiện quân đội Nga đang được tăng viện trên đường tới Slovensk, người dân thành phố đang đẩy mạnh công tác sơ tán.
Trong một bài phát biểu qua video vào ngày 3/6, ông Zelensky kêu gọi ông thị trưởng Chicago và các thành phố khác của Mỹ cắt đứt quan hệ kết nghĩa với các thành phố của Nga, đồng thời kêu gọi mọi người trong mọi tầng lớp xã hội ở Mỹ giúp Ukraine tái thiết sau chiến tranh. .
"Hàng chục thành phố của Mỹ đang duy trì cái gọi là 'tình bạn kết nghĩa' với các thành phố của Nga. Những mối ràng buộc này mang lại cho các bạn điều gì?". Ông Zelensky đốc thúc người Mỹ gây áp lực nhiều hơn với Nga, "đừng tiếp tục kết nghĩa với họ". Ông cũng mời các thành phố, công ty và doanh nhân Mỹ tham gia vào quá trình tái thiết Ukraine sau chiến tranh, điều mà ông gọi là "dự án kinh tế lớn nhất trong thời đại của chúng ta".
Khả năng khôi phục đàm phán Nga-Ukraine hiện gần như không có
Thư ký Báo chí của Tổng thống Nga Peskov ngày 2/6 cho biết Nga đã nêu rõ yêu cầu của mình đối với việc giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine và phía Ukraine cũng biết rõ điều này, nhưng Kiev đã đóng băng tiến trình đàm phán Nga-Ukraine hiện nay. Gần đây Nga đã nhiều lần lên tiếng cáo buộc Ukraine đóng băng tiến trình đàm phán Nga-Ukraine.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 24/5 cho biết trong khi trả lời phỏng vấn Hiệp hội Phát thanh truyền hình Nhật Bản (NHK) rằng quân đội Nga cần phải trở lại vị trí trước ngày 24/2 hai bên mới có thể nối lại đàm phán. Đó là điều kiện mà Nga không bao giờ chấp nhận.