Theo Đại tá, PGS.TS Đỗ Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm công nghệ cao, Bộ Công an: “Tin giả không chỉ là vấn đề lực lượng thực thi pháp luật như chúng tôi quan tâm mà có lẽ đây là vấn đề của cả hệ thống chính trị”. Bên cạnh tác động tiêu cực đối với nền kinh tế, tin giả thậm chí có thể cướp đi cả tính mạng của một con người khi đăng tải thông tin sai sự thật lên mạng, xúc phạm danh dự nhân phẩm người khác.
Tại Việt Nam, trong khoảng 2 năm vừa qua đã có hàng loạt tin giả được tung lên không gian mạng, gây xôn xao dư luận có thể kể đến như: vụ máy bay rơi, trẻ em nhập viện vì thịt lợn chứa chất an thần, đề xuất cấm công chức đổ xăng tại trạm xăng của Nhật… Hay gần đây nhất là những thông tin thổi phồng về dịch tả lợn châu Phi và tung tin giả về bệnh sán lợn, khiến dư luận hoang mang, bức xúc.
Thậm chí, việc phát tán những nội dung giả mạo quyết định, chỉ thị của các tổ chức cơ quan nhà nước, các bộ ban ngành đang diễn ra hết sức tinh vi. Theo thống kê, mỗi năm Việt Nam có hàng nghìn trang mạng bị tin tặc tấn công, trong đó có hàng trăm trang web của các cơ quan nhà nước mang tên miền “gov.vn”. Ngoài các thủ đoạn xâm nhập lấy cắp thông tin, cài mã độc, các đối tượng còn tung tin giả gây ảnh hưởng đến uy tín các vị lãnh đạo, làm xói mòn lòng tin của người dân vào hệ thống chính trị.
Hiện nay tại Việt Nam có khoảng 58 triệu người sử dụng mạng xã hội Facebook. Với mạng lưới trang cá nhân dày đặc, chỉ với một cú click chuột, những thông tin không được kiểm chứng sẽ lan truyền với tốc độ chóng mặt, gây nhiễu loạn thông tin, hoang mang dư luận và mất trật tự an toàn xã hội, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia.
Đối mặt với nạn tin giả tràn lan, đe dọa an sinh xã hội, một số quốc gia trên thế giới đã ban hành những đạo luật ngăn chặn vấn nạn này. Cụ thể, mức phạt tin giả của Pháp và Nga lần lượt lên đến hàng chục nghìn Euro và 1,5 triệu Rubble, tương đương gần 23.000 USD (hơn 500 triệu đồng).
Hiện nay, Việt Nam cũng đã có hành lang pháp lý cho hành vi phát tán tin giả, được quy định trong luật An ninh mạng và Bộ Luật Hình sự. Cụ thể, hành vi phát tán tin tức giả sẽ bị phạt hành chính nặng nhẹ tùy theo mức độ. Trong trường hợp có dấu hiệu cấu thành tội phạm, người tung tin có thể bị truy cứu hình sự và phạt tù từ 3 tháng đến 7 năm về tội vu khống.
Đại tá, PGS.TS Đỗ Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm công nghệ cao, Bộ Công an
|
“Thời gian tới, chúng tôi sẽ nghiên cứu để xây dựng và bổ sung chi tiết hơn các quy định của pháp luật, nhằm quản lý chặt chẽ hơn, hiệu quả hơn đối với những đối tượng phát tán tin giả trên không gian mạng”, Đại tá Đỗ Anh Tuấn cho biết.
Có thể nói, mặc dù đã có khung pháp lý nhằm răn đe các hành vi liên quan đến tin giả, nhưng điều quan trọng nhất vẫn nằm ở ý thức mỗi cá nhân trong cộng đồng. Mỗi người cần tự có ý thức trách nhiệm đối với thông tin, kiểm chứng nguồn tin trước khi chia sẻ và tuyệt đối không tiếp tay cho những hành động tung tin sai sự thật, vi phạm pháp luật.