Temu là một sàn thương mại điện tử xuyên biên giới, được thành lập bởi PDD Holdings (Trung Quốc).
Gần đây, Temu mở tính năng bán hàng tại Việt Nam và chạy quảng cáo rầm rộ đến người dùng trên mạng xã hội.
Tuy nhiên, Temu chưa đăng ký hoạt động tại Việt Nam. Sau khi bị "tố" chưa tuân thủ pháp luật về thương mại điện tử Việt Nam, Temu đã có văn bản xin giấy phép hoạt động gửi Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương).
Từ vụ việc trên, nhiều bạn đọc thắc mắc về quy định mở sàn thương mại điện tử. Nếu sàn thương mại điện tử chưa được cấp phép đã hoạt động kinh doanh tại Việt Nam sẽ bị xử lý thế nào?
Trao đổi về thắc mắc của độc giả, luật sư Lê Văn Kiên – Trưởng văn phòng Luật sư Ánh Sáng Công Lý – Đoàn luật sư TP.Hà Nội, cho biết sàn giao dịch thương mại điện tử là website thương mại điện tử cho phép các thương nhân, tổ chức, cá nhân không phải chủ sở hữu website có thể tiến hành một phần hoặc toàn bộ quy trình mua bán hàng hóa, dịch vụ trên đó.
Theo luật sư Kiên, tại Nghị định về thương mại điện tử (Nghị định 52/2013/NĐ-CP, sửa đổi Nghị định 85/2021/ NĐ-CP) quy định, các thương nhân, tổ chức cá nhân sở hữu website thương mại điện tử bán hàng cần phải thông báo đăng ký với Bộ Công thương về việc thiết lập website thương mại điện tử.
Website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử bao gồm: Sàn giao dịch thương mại điện tử; Website đấu giá trực tuyến; Website khuyến mại trực tuyến…
Ngoài ra, theo quy định, các sàn thương mại điện tử nước ngoài muốn hoạt động tại Việt Nam cũng phải đăng ký với Bộ Công thương.
Theo đó, thương nhân, tổ chức nước ngoài có website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử tại Việt Nam là thương nhân, tổ chức có một trong các hình thức hoạt động sau: Có tên miền Việt Nam; hoặc có ngôn ngữ hiển thị là tiếng Việt; hoặc có trên 100.000 lượt giao dịch từ Việt Nam trong 1 năm.
Để có thể cung cấp dịch vụ thương mại điện tử tại Việt Nam, thương nhân, tổ chức nước ngoài phải thực hiện thủ tục đăng ký với Bộ Công Thương trong vòng 12 tháng.
Ngoài việc phải đăng ký hoạt động cung cấp dịch vụ thương mại điện tử tại Việt Nam. Những thương nhân, tổ chức nước ngoài này phải thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam theo quy định của pháp luật hoặc chỉ định đại diện ủy quyền của mình tại Việt Nam.
Hoạt động "chui" sẽ bị phạt đến 30 triệu đồng
Về xử phạt, nếu sàn thương mại điện tử hoạt động kinh doanh khi chưa được cấp phép, luật sư Kiên cho biết, tại điều 62, Nghị định 98/2020/NĐ-CP sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 17/2022/NĐ-CP (Nghị định Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại điện tử, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng) nêu rõ, người vi phạm có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 30 triệu đồng đối với hành vi không thông báo website thương mại điện tử bán hàng hoặc ứng dụng bán hàng, không đăng kí website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử hoặc ứng dụng dịch vụ thương mại điện tử với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định.
“Từ trước tới nay, rất nhiều trường hợp sàn thương mại điện tử bị xử lý vì hoạt động mà không thông báo với cơ quan quản lý”, luật sư Kiên nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật, cho biết tại Điều 4, Nghị định về thương mại điện tử quy định rất rõ, pháp luật nghiêm cấm các hành vi cung cấp các dịch vụ thương mại điện tử hoặc dịch vụ giám sát, đánh giá và chứng thực trong thương mại điện tử khi chưa đăng ký hoặc chưa được cấp phép theo quy định.
“Nếu các sàn thương mại điện tử hoạt động bán hàng khi chưa được cấp phép/đăng ký có thể được xem là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy vào tính chất và mức độ của hành vi mà chủ thể vi phạm có thể bị xử lý vi phạm hành chính”, luật sư Bình nói.
Theo luật sư Bình, ngoài phạt tiền, cá nhân, tổ chức vi phạm còn có hình phạt bổ sung như, đình chỉ hoạt động thương mại điện tử từ 6 tháng đến 12 tháng đối với một số hành vi vi phạm quy định tại Điều 62 Nghị định 98/2020/NĐ-CP sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 17/2022/NĐ-CP trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm. Ví dụ như hành vi không thông báo website thương mại điện tử bán hàng hoặc ứng dụng bán hàng với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định.