Từ nỗi lo của Thủ tướng về “chảy máu chất xám”, nghĩ đến công trình buồng khử khuẩn bằng Plasma lạnh

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Hệ thống buồng hấp plasma cho khử khuẩn và điều trị các bệnh đường hô hấp PlasDif-S có khả năng khử khuẩn bề mặt sâu, hàng triệu đơn vị khuẩn CFU/ml chỉ còn lại 01 đơn vị khuẩn sau thời gian xử lý 40 - 120 giây.
Buồng khử khuẩn bằng công nghệ Plasma lạnh đang được thử nghiệm tại Viện VinIT (ảnh: Viện công nghệ VinIT)
Buồng khử khuẩn bằng công nghệ Plasma lạnh đang được thử nghiệm tại Viện VinIT (ảnh: Viện công nghệ VinIT)

Tham dự hội nghị "Đội ngũ trí thức Khoa học và Công nghệ Việt Nam triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng" do Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam tổ chức mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có những chia sẻ tâm huyết về tình trạng "chảy máu chất xám"

Thủ tướng bày tỏ: “Tôi thật sự suy nghĩ rất nhiều về tình trạng “chảy máu chất xám” hoặc không khai thác hết chất xám của đất nước chúng ta. Truyền thống và trí tuệ của Việt Nam là tài nguyên quý giá của đất nước. Nhưng một câu hỏi rất lớn đặt ra – đó là chúng ta đã khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên trí tuệ đó như thế nào? Đã hợp lý chưa? Có lãng phí không? Có cầu toàn, nóng vội không? Tất cả những người có trách nhiệm đều đau đáu về những câu hỏi đó”.

Thủ tướng cũng mong muốn, các đại biểu, các nhà khoa học vì trách nhiệm với đất nước, với Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam sẽ nghiên cứu cụ thể nguyên nhân, gợi ý giải pháp thiết thực cho Chính phủ để giải quyết từng bước tình trạng này.

“Tôi cũng muốn đặt hàng các đồng chí về đề tài này để làm nguồn tài liệu quý giá giúp Chính phủ nghiên cứu và hoàn thiện chính sách, tổ chức bộ máy, con người...” - Thủ tướng chia sẻ và yêu cầu các địa phương phải quan tâm hơn nữa tới phát triển KH&CN, cầu thị lắng nghe các ý kiến phản biện của các nhà khoa học, kể cả ý kiến trái chiều.

Công trình buồng khử khuẩn bằng công nghệ Plasma lạnh

Trong mấy chục năm qua, có một số nhà khoa học từ nước ngoài đã trở về phục vụ Tổ quốc, thế nhưng số người thành công lại không nhiều nếu họ đi làm tại các cơ quan khoa học của nhà nước do những hạn chế về ngân sách và đãi ngộ.

Trong nước hiện nay đã có một số đơn vị nghiên cứu do tư nhân mở ra. Các doanh nghiệp tư nhân có cơ chế riêng, thoáng hơn, cho nên cũng đã có một số nhà khoa học trở về và có đất dụng võ, được đãi ngộ xứng đáng.

Dù sao thì đây cũng là điều đáng mừng cho đất nước, miễn là họ được đón nhận để thể hiện tài năng và qua đó đóng góp cho đất nước.

Trường hợp mà tôi muốn kể tới là GS.TSKH Nguyễn Quốc Sỹ. Ông từ Liên bang Nga trở về làm việc cho Viện Công nghệ VinIT. Ngày 4/9/2021 vừa qua, Viện VinIT của ông đã sản xuất thành công buồng khử khuẩn bằng công nghệ Plasma lạnh. Đây là công nghệ mà thế giới cũng đang nghiên cứu nhưng chưa đến đích sớm như người Việt chúng ta.

GS. TSKH Nguyễn Quốc Sỹ sinh năm 1967, quê gốc làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định, ngôi làng truyền thống hiếu học rất đặc biệt của Việt Nam với trên 80 giáo sư, phó giáo sư từ năm 1954 đến nay.

GS. TSKH Nguyễn Quốc Sỹ là chuyên gia đầu ngành của Liên bang Nga và thế giới về Vật lý và Công nghệ Plasma. Ông từng là Giáo sư Đại học Năng lượng Quốc gia Moskva (MPEI) trước năm 2018 và hiện là Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học điện Liên bang Nga (từ năm 2015), là Chủ tịch, Viện trưởng Viện Công nghệ VinIT. Ông thành lập Viện VinIT (thuộc Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam) năm 2016 và trở về nước năm 2018.

Giáo sư, TSKH Nguyễn Quốc Sỹ

Giáo sư, TSKH Nguyễn Quốc Sỹ

Ngày 21/9 năm nay là ngày Viện Công nghệ VinIT tròn 5 tuổi (21/9/2016-21/9/2021). Tôi có liên lạc để hỏi kỹ GS. TSKH Nguyễn Quốc Sỹ về công trình buồng khử khuẩn bằng công nghệ Plasma (PlasDif-S) thì giáo sư đã cho biết về hiệu quả của hệ thống này, rất thú vị.

Theo GS, sản phẩm này có thể sử dụng trong các trường hợp sau :

Thứ nhất, có thể sử dụng trong các khu điều trị

Hệ thống PlasDif-S đóng vai trò như là thiết bị hỗ trợ điều trị nhiễm Covid-19, được sử dụng cùng với các phương tiện khác như thuốc, máy thở, thiết bị y tế khác.

Khi điều trị, bệnh nhân ngồi trong thiết bị, hít tia plasma qua mũi hoặc hầu họng trong 1-3 ngày hoặc nhiều ngày hơn, mỗi ngày 2-5 lần, mỗi lần 30 giây-120 giây tùy theo tình trạng nặng nhẹ trong các giai đoạn khác nhau. Tần suất trên có thể tăng giảm tùy theo thể trạng, sao cho đạt được hiệu quả chung của tập thể các bệnh nhân tại cơ sở điều trị và đạt mục đích làm giảm tải lượng virus Covid-19 trên đường hô hấp vào phổi.

Hiệu quả điều trị được đánh giá qua mức độ thuyên giảm của các triệu chứng nêu trên, thường biều hiện rõ nét ngay trong giảm chứng mất khứu giác, chứng mất vị giác, ho khan, khó thở, v.v. ngay từ những ngày đầu tiên.

Thứ hai, sử dụng trong các khu cách ly, cửa khẩu...

Khử trùng bề mặt toàn thân người trong 1-3 phút nhằm tiêu diệt 100% vi khuẩn, virus Covid-19 trên người trước khi đi vào phòng cách ly hoặc nhập cảnh.

Thứ ba, sử dụng để khử trùng vật phẩm y tế, vật dụng sinh hoạt thông thường

Hệ thống PlasDif-S có thể khử trùng bề mặt trong vòng 2-5-10 phút đối với bất kỳ vật phẩm, vật dụng nào như dụng cụ y tế, quần áo bảo vệ, đồ vật thông dụng như ga, chăn, gối, đệm, xe đẩy bệnh nhân, tủ, ghế, v.v. trong bệnh viện; thậm chí cả điện thoại di động, thiết bị điện tử, tiền giấy, vật liệu dễ bị tổn thương khi tiếp xúc với nhiệt, hóa chất, v.v.

Hệ thống buồng hấp plasma cho khử khuẩn, diệt virus và điều trị các bệnh đường hô hấp PlasDif-S có khả năng khử khuẩn bề mặt sâu, đạt hiệu quả khử khuẩn ở cấp độ trên 6log10, hàng triệu đơn vị khuẩn CFU/ml chỉ còn lại 01 đơn vị khuẩn sau thời gian xử lý 40 - 120 giây.

So với các phương pháp khử khuẩn thông thường khác, công nghệ CAP, theo GS. TSKH Nguyễn Quốc Sỹ, có các ưu điểm sau:

1. Cho phép giải quyết nhiệm vụ quan trọng khử khuẩn và diệt virus diện rộng trên người, trang thiết bị. So với các thiết bị dành cho điều trị vết thương mãn tính được chuyển sang sử dụng trong điều trị thử nghiệm các bệnh nhân nhiễm Covid-19 tại Đức và Iran, thì những thiết bị sử dụng công nghệ CAP do VinIT mới chế tạo ra là những thiết bị chuyên dụng, nên có khả năng tạo ra dòng plasma có mật độ ion cao, thể tích lớn, gấp hàng trăm lần, do đó có thể nhanh chóng khử khuẩn, diệt virus như Covid-19 trong 40 – 120 giây. Khí ion trong plasma có thể thâm nhập qua mũi, miệng, hầu họng để giảm thiểu lượng virus trên đường hô hấp, hỗ trợ tiêu diệt virus Covid-19 và có hiệu quả điều trị vượt trội.

2. Điều trị các bệnh đường hô hấp, có tác dụng giảm đờm, thông đường hô hấp, tiêu diệt và giảm đáng kể các vi khuẩn, virus gây viêm nhiễm đường hô hấp như Streptococcus, Mycoplasma, Staphylococcus, Haemophilus, Legionella, các khuẩn lao, các virus SARS-COV-2, sâu trong các mao mạch, phế nang phổi và hệ thống hô hấp, làm trẻ hóa mao mạch, tăng lượng oxy lên các mao mạch phổi, giảm nám phổi của những người nghiện thuốc, giảm thành phần và độc tính các hóa chất tồn dư trong phổi v.v.

3. An toàn tuyệt đối cho người và trang thiết bị, không dùng hóa chất, không phóng xạ, trường điện từ và tia UV ở ngưỡng cho phép, không gây ô nhiễm thứ cấp, thân thiện với môi trường. Có thể nói đây là phương pháp khử khuẩn “khô” và “lành tính”.

Những thiết bị này hoàn toàn an toàn với người, vì các ion, các hạt, các loài phản ứng trong tia plasma có năng lượng rất thấp < 1eV. Cũng tương tự, tia UV trong plasma cũng rất yếu, không có khả năng tác động lên các bộ phận con người. Ứng dụng này rất an toàn trong điều trị khoang miệng, nha chu, răng miệng, tai mũi họng, loét giác mạc và bắt đầu mở rộng sang điều trị ung thư có chọn lọc kết hợp với các phương pháp hóa trị, xạ trị, phẫu thuật hiện hữu.

4. Tiêu tốn ít năng lượng, hoạt động ở áp suất khí quyển và nhiệt độ thường, tuổi thọ thiết bị cao, dễ dàng sử dụng và bảo trì.

Vì vậy, không có lý do gì để nghi ngờ việc “Hệ thống buồng hấp plasma” là công cụ hỗ trợ hữu hiệu trong việc kiểm soát, ngăn ngừa nhiễm virus và điều trị các bệnh nhiễm virus liên quan, trong đó có việc điều trị các bệnh nhân nhiễm Covid-19. Hơn nữa, về lâu dài, hệ thống này còn có thể sử dụng cho các khu cách ly, bệnh viện, cửa khẩu, các đơn vị nhà máy, xí nghiệp, giúp dập các loại dịch, chống lây nhiễm chéo ra cộng đồng.

GS Nguyễn Quốc Sỹ và các đồng nghiệp bên công trình Buồng khử khuẩn bằng công nghệ Plasma lạnh (ảnh: Viện công nghệ VinIT)

GS Nguyễn Quốc Sỹ và các đồng nghiệp bên công trình Buồng khử khuẩn bằng công nghệ Plasma lạnh (ảnh: Viện công nghệ VinIT)

Để tìm hiểu thêm về trình độ của GS.TSKH Quốc Sỹ trong lĩnh vực vật lý Plasma, tôi có trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Nghĩa, hiện là thư ký Hội đồng Khoa học của Viện Công nghệ VinIT. Ông nghĩa kể :

"Tôi nhớ như in trong đầu, vào năm 2017, khi bắt đầu làm việc với anh Sỹ, tôi nói với anh Sỹ là trong sự nghiệp khoa học, tôi đã tìm được minh chủ, và sẽ đi cùng anh Sỹ trong những năm tháng sau này, với tinh thần của những người cùng đi câu cá, có nghĩa là sẽ cùng nhau vượt qua mọi khó khăn, trở ngại, bao giờ câu được cá thì sẽ chia nhau sau. Chúng tôi chấp nhận khó khăn cùng nhau, không quan tâm chuyện đãi ngộ vật chất vì anh Sỹ cũng rất khó khăn về tài chính. Tôi tin chắc ngày đó rồi sẽ đến. Còn anh Sỹ thì nói với tôi là rất cám ơn tôi đã cộng tác và sự gặp nhau này cũng là cơ duyên lớn đối với anh Sỹ. Đến nay, gần 4 năm làm việc ở VinIT cùng anh Sỹ với vai trò Thư ký Hội đồng khoa học nên tôi biết nhiều việc, có tương đối nhiều thông tin, dữ liệu để xem xét và đánh giá mọi việc. Tôi đã từng nói với mọi người, mặc dù tôi đã nghỉ hưu, nhưng hình như bây giờ tôi mới bắt đầu làm việc. Tôi thấy rất hứng thú với công nghệ plasma, và mỗi ngày đều khám phá, tìm ra những điều mới lạ trong thế giới plasma lạnh mới nổi và non trẻ này".

Thật vậy, Viện Công nghệ VinIT đã trở thành “lò luyện võ plasma” với người thầy có “võ nghệ” vật lý plasma cao cường, và nguồn gốc của mọi ý tưởng, mọi thành công của VinIT đều bắt nguồn từ GS. TSKH Nguyễn Quốc Sỹ. Anh Sỹ có khát vọng cháy bỏng muốn tạo ra những công nghệ dân sinh phục vụ cho đất nước, với tình yêu Tổ quốc mãnh liệt, luôn là con người của công việc, người bạn và đồng nghiệp tin cậy.

Theo tiễn sĩ Nguyễn Nghĩa, ở Việt Nam không có cơ sở nào đào tạo về plasma lạnh, chỉ có vài người học ở nước ngoài về, nhưng trình độ hiểu biết còn thấp.

Tuy nhiên, công trình buồng khử khuẩn bằng công nghệ Plasma lạnh vẫn chưa được cơ quan chức năng quan tâm đúng nghĩa. Theo tiến sĩ Nguyễn Nghĩa, sản phẩm vẫn chưa được cấp phép lưu hành vì còn phải trải qua khâu đo lường, thử nghiệm của cơ quan chức năng. Hơn nữa, sản phẩm này của VinIT là sản phẩm lại chưa có trên thế giới, bởi chúng ta đi nhanh, đi trước.

Liên quan đến diệt khuẩn, virus Covid-19 thì VinIT đi trước các nước phát triển vài năm. Phía Nga đang theo dõi công trình này rất sát, họ mong muốn sang Việt Nam tìm hiểu để áp dụng. Ở Việt Nam thì không có thiết bị đo lường như Mỹ, Đức, Nga, chỉ có thể thử nghiệm lâm sàng thôi. Bộ Y tế không có chuyên gia nên không hiểu công nghệ plasma lạnh, nên rất khó "qua cửa" Bộ Y tế. Tài liệu và thực tế sử dụng thiết bị trên thế giới đã chứng minh công nghệ này rất lành tính, không chỉ diệt khuẩn trên bề mặt, chữa vết thương, mà còn dùng để diệt khuẩn cho răng miệng, viêm niêm mạc, loét giác mạng…

GS. TSKH Nguyễn Quốc Sỹ là nhà khoa học lớn trong lĩnh vực plasma. Hàng ngày, GS Nguyễn Quốc Sỹ đều đứng trong buồng khử khuẩn này vài lần, mỗi lần thí nghiệm các mức 5-15 phút và theo dõi các chỉ số sức khỏe. Bây giờ giữa lúc đại dịch Covid-19 bùng phát, số ca bệnh nặng vẫn nhiều và tỷ lệ tử vong ở Việt Nam là 2,5% cao hơn mức trung bình của trên thế giới (2,1%), vậy giải pháp buồng khử khuẩn bằng plasma cần được tìm hiểu thấu đáo. Mỹ, Đức hiện còn chưa làm được, VinIT đã vượt họ vài năm. Đó là sự thật mà tôi biết.

Thử nghiệm sản phẩm (ảnh: Viện công nghệ VinIT)

Thử nghiệm sản phẩm (ảnh: Viện công nghệ VinIT)

Chính bản thân GS Rogalev Nicolay Dmitrievich, Hiệu trưởng Đại học Năng lượng quốc gia Moskva (MPEI) đã kính trọng GS Nguyễn Quốc Sỹ như thế nào khi sang thăm VinIT vào năm 2018. Ông ấy rất trân trọng và cám ơn giáo sư Nguyễn Quốc Sỹ về những đóng góp của ông cho MPEI, đặc biệt đã xây dựng cho MPEI phòng thí nghiệm plasma nổi tiếng tại Nga và có uy tín cao trong giới khoa học quốc tế. Rồi bạn bè Nga của giáo sư Nguyễn Quốc Sỹ học với nhau từ năm thứ nhất tại Đại học Bách khoa Saint Petersburg, nay là doanh nhân thành đạt khi sang thăm Việt Nam cũng không quên nói câu chúc mừng khi ông là nhà khoa học trẻ nhất nước Nga được phong hàm giáo sư (năm 2003 khi mới 36 tuổi).

Người viết bài này cứ băn khoăn mãi, khi mà đất nước đang còn thiếu vaccine ngăn ngừa dịch Covid-19, rồi thì thuốc điều trị virus hiện cũng chưa sản xuất được thì tại sao những thông tin sáng sủa như trên vẫn chưa được các bộ, ngành liên quan đến lĩnh vực này quan tâm và hỗ trợ. Trong khi đó, chính các chuyên gia Nga gần đây lại đặc biệt dõi theo từng bước đi của công trình khoa học đầy thiết thực này.

Phải chăng, đây cũng chính là một nguy cơ “chảy máu chất xám” rõ nhất mà Thủ tướng Phạm Minh Chính băn khoăn, lo lắng?.