Bất bình đẳng vaccine COVID-19: Tranh cãi nảy lửa về từ bỏ bằng sáng chế

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Tình trạng thiếu vaccine trầm trọng ở các nước nghèo hơn đã khiến cho việc từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ trở nên cấp bách.
Việc chia sẻ công nghệ điều chế vaccine đang gây ra cuộc tranh cãi kịch liệt (Ảnh: Shutterstock)
Việc chia sẻ công nghệ điều chế vaccine đang gây ra cuộc tranh cãi kịch liệt (Ảnh: Shutterstock)

Ở phương Tây, các chương trình tiêm chủng COVID-19 đang được tiến hành tốt và cuộc sống đang dần trở lại bình thường. Tuy nhiên, ở một số quốc gia, đại dịch đang gây ra những mức độ tàn phá mới. Ấn Độ đang phải vật lộn với làn sóng dịch bệnh thứ hai thảm khốc, đã báo cáo hơn 20 triệu ca nhiễm và hơn 250.000 trường hợp tử vong do COVID-19 trong bối cảnh tình trạng thiếu oxy phổ biến ở các bệnh viện.

Sự chênh lệch trong khả năng tiếp cận vaccine COVID-19 giữa các nước giàu và thu nhập thấp được quan tâm hơn bao giờ hết. Theo dữ liệu của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), 86% tổng số liều vaccine trên toàn thế giới tính đến ngày 30/3 được tiêm cho những người ở các nước có thu nhập cao và trên trung bình, trong khi chỉ 1% liều tiêm được tiêm cho những người nghèo nhất thế giới. Các nhóm nguy cơ thấp ở Anh, Mỹ và Israel đang dần đủ điều kiện tiêm chủng, trong khi các nhóm dân cư dễ bị tổn thương ở những nơi khác vẫn có nguy cơ nhiễm virus. Việc các nước giàu có tích trữ vaccine, trong khi đại dịch đang hoành hành ở các nước nghèo, đã khiến cho vấn đề cấp bằng sáng chế vaccine được đặt lên hàng đầu.

Cuối năm ngoái, theo Hiệp định về các khía cạnh liên quan tới thương mại của Quyền sở hữu trí tuệ (TRIPS), Ấn Độ và Nam Phi đã đệ trình lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đề xuất từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ (IP) của các công ty dược phẩm đối với vaccine và phương pháp điều trị COVID-19. Việc miễn trừ sẽ cho phép các nhà sản xuất ở các nước nghèo hơn sản xuất vaccine mà không phải đối mặt với vấn đề pháp lý từ các công ty giữ bằng sáng chế.

Sự phản đối của các tập đoàn dược lớn

Ngành công nghiệp dược đã phản đối dữ dội đề xuất trên kể từ khi nó được đệ trình, khẳng định rằng việc đình chỉ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine sẽ loại bỏ động lực sáng tạo của các công ty dược phẩm.

Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Tổ chức Đổi mới Công nghệ Sinh học Michelle McMurry-Heath đã viết trên trang Economist rằng đề xuất này “làm suy yếu chính hệ thống đã sản sinh ra khoa học chế tạo vaccine” và “phá hủy động cơ khuyến khích các công ty chấp nhận rủi ro để tìm ra giải pháp cho tình trạng y tế khẩn cấp về tiếp theo”.

Một báo cáo của Tạp chí Intercept cũng cho thấy hơn 100 nhà vận động hành lang cho các hãng dược đã kêu gọi giới lập lập pháp và các thành viên của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden bác bỏ đề xuất từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine.

Tuy nhiên, những người ủng hộ việc miễn trừ đã lập luận rằng việc độc quyền sản xuất vaccine của các công ty dược phẩm là không chính đáng vì một số loại vaccine COVID-19 đã được tài trợ bằng nguồn công quỹ. Ít nhất 97% nghiên cứu về vaccine của AstraZeneca-Oxford được tài trợ bằng nguồn tiền công, trong khi Moderna, Janssen và BioNTech – công ty Đức hợp tác cùng Pfizer để phát triển vaccine - đều nhận được khoản tài trợ khổng lồ của chính phủ.

Bên cạnh đó, cần lưu ý rằng các nhà sản xuất vaccine COVID-19 lớn, cũng như một số quốc gia có lượng vaccine thặng dư, đã cam kết đóng góp vaccine cho chương trình ​​chia sẻ vaccine toàn cầu COVAX. Tuy nhiên, việc tích trữ vaccine, cấm xuất khẩu và không đủ năng lực sản xuất vẫn là những trở ngại trong mục tiêu đầy tham vọng của kế hoạch cung cấp hơn 2 tỷ liều vaccine cho các nước nghèo nhất thế giới vào cuối năm nay.

Mỹ ủng hộ từ bỏ bằng sáng chế - điều gì sẽ xảy ra?

Bất chấp nỗ lực vận động hành lang của các hãng dược phẩm lớn, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden tuần trước đã ủng hộ đề xuất này. Đại diện thương mại Hoa Kỳ Katherine Tai nói trong một tuyên bố: “Chính quyền rất tin tưởng vào các biện pháp bảo vệ sở hữu trí tuệ, nhưng để chấm dứt đại dịch này, chúng tôi ủng hộ việc từ bỏ các biện pháp bảo vệ đối với vaccine COVID-19. Chúng tôi sẽ tích cực tham gia vào các cuộc đàm phán dựa trên văn bản tại Tổ chức Thương mại Thế giới, cần thiết để biến điều đó thành hiện thực”.

Sự hỗ trợ của chính phủ Mỹ là một bước quan trọng để đảm bảo việc tiếp cận vaccine một cách công bằng. Tuy nhiên, đây vẫn chưa phải là trở ngại cuối cùng. WTO có tiếng nói cuối cùng về quyền sở hữu trí tuệ, trong khi Vương quốc Anh và Liên minh châu Âu vẫn tiếp tục bác bỏ đề xuất này.

Chuyên gia về chính sách y tế của Liên minh Vaccine vì con người, Tiến sĩ Mohga Kamal-Yanni cho biết, việc từ bỏ bằng sáng chế là một “bước quan trọng” để cho phép tăng cường sản xuất vaccine COVID-19 trên toàn thế giới.

Bà Kamal-Yanni giải thích: “Không có đủ vaccine để phân phối khắp nơi, và rõ ràng là các nước giàu đã chiếm phần lớn những gì có sẵn. Những gì chúng ta cần là tối đa hóa sản lượng toàn cầu. Mọi công ty đều có thể sản xuất nhưng để làm được điều đó, họ cần được tiếp cận với công nghệ và cần từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ; sẽ không ai đầu tư vào một nhà máy hoặc một cơ sở sản xuất nếu họ đang chịu sự đe dọa từ vấn đề bản quyền”.

Tuy nhiên, vấn đề có thể không đơn giản như vậy. Warren Kaplan, trợ lý giáo sư lâm sàng về sức khỏe toàn cầu tại Trường Y tế công Đại học Boston, nói rằng ngay cả khi bằng sáng chế vaccine được miễn, vẫn chưa rõ điều này có ý nghĩa gì đối với các nước nghèo về mặt thực tế hay không.

Ông Kaplan nói: “Đó là một bước tiến tuyệt vời, nhưng đó mới chỉ là bước khởi đầu”.

Những rào cản khác đối với nguồn cung cấp vaccine toàn cầu

Tiếp cận các công thức vaccine không phải là điều duy nhất mà các nước nghèo cần để tăng cường sản xuất. Ví dụ, vaccine của Moderna và Pfizer được sản xuất bằng công nghệ mRNA; ngay cả khi bằng sáng chế cho những mũi tiêm này đã được miễn, các nhà sản xuất vaccine cũng cần biết cách tạo ra mRNA và không công ty nào có nghĩa vụ phải chia sẻ kiến ​​thức đó.

Giám đốc điều hành Moderna Stéphane Bancel cho biết trong một hội nghị tổ chức vào tuần trước rằng việc từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ không liên quan đến việc tiếp cận vaccine của công ty, vì “mọi người không biết cách sản xuất nó”.

Ông Bancel nói: “Nếu ai đó muốn bắt đầu lại từ đầu, họ sẽ phải tìm ra cách tạo ra mRNA, thứ không có trong bằng sáng chế của chúng tôi. Tôi thực sự tin rằng bằng sáng chế không phải là vấn đề. Đối với mRNA, đây là một câu hỏi sai”.

Bởi vậy, Kamal-Yanni lập luận rằng các công ty dược phẩm nên chuyển giao không chỉ các công thức chế tạo vaccine mà còn cả công nghệ cần thiết để sản xuất chúng.

Bà giải thích: “Đối với một số loại vaccine, có thể sản xuất mà không cần chia sẻ công nghệ lớn, nhưng nhiều loại vaccine không ở cấp độ đó. Bạn sẽ không có được nhiều công ty sản xuất vaccine như mong muốn, trừ khi chia sẻ công nghệ cũng như từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ… Bạn cần cả hai thứ đó”.

“Chúng tôi cần các công ty dược phẩm và tổ chức nghiên cứu đưa công nghệ của họ vào Nhóm Tiếp cận Công nghệ COVID-19 của WHO để nhóm này có thể cấp phép và chuyển giao công nghệ cho tất cả các công ty tiềm năng khác ở mọi nơi, kể cả ở các nước đang phát triển” – bà Kamal-Yanni nói thêm.

Ngoài ra, các tổ chức thương mại trong lĩnh vực dược phẩm và công nghệ sinh học cũng tranh luận rằng việc từ bỏ bằng sáng chế không phải là giải pháp cho tình trạng khan hiếm vaccine ở các quốc gia nghèo hơn. Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Nghiên cứu và Sản xuất Dược phẩm Mỹ Stephen Ubl cho biết: “Quyết định của Mỹ sẽ không giải quyết được những thách thức thực sự để có thêm nhiều vaccine hơn, trong đó có bước phân phối cuối cùng và hạn chế về nguyên liệu thô. Đây là những thách thức thực sự mà chúng ta phải đối mặt”.

Trong khi hai bên của cuộc tranh luận bất đồng về hiệu quả của từ bỏ bằng sáng chế vaccine COVID-19, thì thực tế là chỉ riêng việc từ bỏ bằng sáng chế là chưa đủ để giải quyết hết các vấn đề về nguồn cung.

Ngoài bí quyết sản xuất vaccine, các nước nghèo hơn cũng cần tiếp cận với các nguyên liệu cần thiết để sản xuất. Mặc dù Mỹ tuyên bố ủng hộ việc từ bỏ bằng sáng chế, họ vẫn tiếp tục cấm xuất khẩu các nguyên liệu thô cần thiết, theo Đạo luật Sản xuất Quốc phòng, để giành quyền ưu tiên tiếp cận các vật liệu và thiết bị chuyên dụng cho các hãng sản xuất vaccine Mỹ.

Ngay cả nhà sản xuất vaccine lớn nhất thế giới, Viện Huyết thanh Ấn Độ (SII), cũng phải chịu áp lực về nguyên liệu sản xuất vaccine. Họ đang phải vật lộn để đáp ứng cả nhu cầu của Ấn Độ cũng như các mục tiêu mà họ đã đặt ra với AstraZeneca và COVAX. Giám đốc điều hành Adar Poonawalla cho rằng vấn đề nguồn cung của cơ chế này một phần là do lệnh cấm vận xuất khẩu nguyên liệu thô của Mỹ sang các nước khác.

Trong khi có một số rào cản đối với việc tiếp cận vaccine một cách công bằng, Kaplan nói rằng việc từ chối chia sẻ công thức vaccine giữa đại dịch là hành động không thể biện minh.

“Đó là một vấn đề về đạo đức”, ông nói. “Đại dịch đang đặt ra một tiền lệ rằng việc cứu mạng sống, dù cho bạn ở đâu, là điều thực sự quan trọng… Tôi nghĩ Mỹ có nghĩa vụ chia sẻ kiến ​​thức của họ với các nước để ngăn chặn thêm tổn thất về sinh mạng. Đó thậm chí không phải là vấn đề pháp lý; đối với tôi nó là vấn đề đạo đức”.