Đà giảm được rút ngắn
Sáng nay (ngày 25/12), ngay sau khi kết thúc phiên khớp lệnh định kỳ xác định giá mở cửa (ATO), chỉ số VN-Index đã sụt giảm tới hơn 15 điểm, “xuyên thủng” ngưỡng hỗ trợ mang nhiều ý nghĩa về mặt tâm lý là 900 điểm.
Trong khoảng 1 tiếng giao dịch sau đó, chỉ số VN-Index diễn biến giằng co và ghi nhận dấu hiệu hồi phục tích cực. Tuy nhiên, sau 10h sáng, áp lực bán tăng cao khiến chỉ số này bắt đầu sụt giảm mạnh trở lại và có lúc để mất tới hơn 26 điểm. Kết thúc phiên sáng, chỉ số VN-Index có sự hồi phục nhẹ, rút ngắn đà giảm về mức 22,28 điểm lùi về ngưỡng 886,28 điểm. Sắc đỏ bao trùm toàn thị trường khi số mã giảm điểm và tham chiếu chiếm áp đảo trên cả 2 sàn HSX và HNX.
Đóng góp lớn vào đà giảm điểm của chỉ số VN-Index là các mã cổ phiếu có vốn hóa lớn như: GAS, VHM, VCB, BID. Sắc đỏ gần như bao trùm tất cả các mã trong rổ VN30, duy chỉ có cổ phiếu NVL giữ ở mốc tham chiếu và cổ phiếu ROS đi ngược thị trường với mức tăng +2,2%.
Chỉ tính riêng trên sàn HSX, thanh khoản thị trường trong phiên sáng đã gần bằng mức thanh khoản của cả phiên hôm trước (ngày 24/12), đạt 3.157 tỷ đồng với hơn 148,5 triệu cổ phiếu được giao dịch. Đây là tín hiệu cho thấy dòng tiền bắt đáy ở vùng giá thấp đang hoạt động khá tích cực và đã tạo lực cầu hỗ trợ cho thị trường hồi phục, rút ngắn đà giảm trong phiên giao dịch buổi chiều.
Kết thúc phiên, chỉ số VN-Index đã nhanh chóng rút ngắn đà giảm xuống còn 10,62 điểm (-1,17%) và đóng cửa ở mức 897,94 điểm. Thanh khoản được cải thiện rõ rệt so với các phiên trước đó, với giá trị trên sàn HSX và HNX đạt lần lượt 5.480 tỷ đồng và 741,2 tỷ đồng.
Tuy nhiên, hiệu quả của dòng tiền bắt đáy cần phải có thêm thời gian kiểm chứng trong 2 - 3 phiên tới.
Chỉ số VN-Index thu hẹp đà giảm ngay trong phiên cùng thanh khoản cải thiện (Nguồn: VNDS)
|
Phá vỡ kịch bản “xanh vỏ, đỏ lòng”?
Đà sụt giảm của TTCK Việt Nam diễn ra trong bối cảnh tâm lý giao dịch thận trọng đang chiếm ưu thế và chịu tác động lớn từ diễn biến của TTCK Mỹ.
Theo một số chuyên gia, tuần giao dịch cuối cùng của năm 2018 sẽ kém sôi động do một phần khối ngoại giảm giao dịch trong kỳ nghỉ lễ. Các chuyên gia cũng ủng hộ kịch bản “xanh vỏ, đỏ lòng” cho thị trường tuần này.
Trong đó, các chỉ số VN-Index và VN30-Index sẽ kỳ vọng tăng điểm nhờ đà hồi phục từ nhóm cổ phiếu “blue chip” sau kỳ cơ cấu của các quỹ ETFs. Nhưng cũng trong tuần giao dịch này, các loại hình quỹ đầu tư khác sẽ chủ động “chốt” NAV cuối năm nên một số cổ phiếu sẽ gặp áp lực bán lớn và giảm điểm, dẫn tới tình trạng “đỏ lòng”.
Tuy nhiên, kịch bản này đã không thể diễn ra, bởi ngay trước giờ giao dịch, thông tin về một ngày Giáng sinh đen tối của TTCK Mỹ (chỉ số Dow Jones mất hơn 650 điểm, thủng mức 22.000 điểm) đã có tác động tâm lý tiêu cực tới các nhà đầu tư trong nước.
Theo các chuyên gia của Barclays Research, TTCK Mỹ đang trong “một vòng liên hệ ngược” khi cổ phiếu càng giảm thì thanh khoản chung của thị trường càng trở nên “tồi tệ”. Điều này cũng khiến cho các chuyên gia Barclays Research lo ngại về một TTCK Mỹ mong manh, thanh khoản thấp, biến động cao hơn vào năm 2019.
Nhìn rộng ra các thị trường khác, việc chỉ số đo lường Độ biến động của biến động (Volatility of Volatility) gia tăng là một đặc điểm chính của năm 2018.
Cụ thể, hàng loạt các lớp tài sản (asset class) đã phải chịu những biến biến động giá nhanh và mạnh hơn so với trong lịch sử ngay sau những giai đoạn tương đối yên bình. Các chuyên gia Barclays Research lấy dẫn chứng về hai đợt lao dốc của TTCK Mỹ trong tháng 2 và tháng 10 năm nay; đà bán tháo trái phiếu chính phủ của Italy trong tháng 6; và biến động mạnh của giá dầu khoảng tháng 8, tháng 9 vừa qua.
TTCK Châu Á liệu còn hấp dẫn?
Trái ngược với nhận định ảm đạm về TTCK Mỹ, nhiều chuyên gia phân tích - trong đó có chuyên gia của J.P. Morgan Asset management - lại dành quan điểm tích cực cho TTCK Châu Á, dù rằng, đa số các thị trường tại đây cũng đang trong tình trạng giảm điểm kéo dài.
“Thị trường (châu Á) đã gặp nhiều khó khăn trong năm nay nhưng về dài hạn, chúng tôi vẫn giữ nguyên quan điểm lạc quan. Và chúng tôi nghĩ đây là thời điểm để thiết lập các vị thế chiến lược” - Janet Tsang, chuyên gia đầu tư thị trường Châu Á - Thái Bình Dương và thị trường mới nổi của J.P. Morgan Asset management, chia sẻ quan điểm với CNBC vào hôm Thứ Sáu (ngày 21/12).
Tsang không phải là chuyên gia duy nhất có quan điểm lạc quan về thị trường Châu Á. Trước đó, vào hôm Thứ Năm (ngày 20/12), Jonathan Garner, Trưởng bộ phận chiến lược cổ phiếu Châu Á và thị trường mới nổi tại Morgan Stanley cũng cho biết “hoàn toàn lạc quan” về thị trường này.
Theo các chuyên gia, những mối lo ngại về đà giảm tốc của nền kinh tế toàn cầu là nguyên nhân chính khiến các thị trường tài chính trên khắp thế giới chao đảo trong thời gian qua. Mặc dù vậy, thị trường Châu Á vẫn có những lý do riêng để thu hút thêm nguồn vốn đầu tư.
Đồ thị so sánh diễn biến chỉ số VN-Index và thị trường Thái Lan, Mỹ và Hồng Kông (Nguồn: MBS)
|
Theo Tsang, đà tăng của đồng USD - đã gây nhiều “tổn thương” tới các thị trường Châu Á trong năm nay - có thể sẽ đảo ngược trong năm 2019.
“Với việc Fed (Cục dự trữ liên bang Mỹ) có thể tạm ngưng nâng lãi suất vào một thời điểm nào đó trong năm 2019, cũng như việc tăng trưởng Mỹ nhiều khả năng đã đạt đỉnh, cùng với thâm hụt kép, đồng USD có thể đảo chiều sang xu hướng giảm” - Tsang nhận định.
Bên cạnh đó, vị chuyên gia này cũng cho biết mức giá cổ phiếu trên thị trường phần nào đã phản ánh những tác động tiêu cực từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Tsang nhận định các thị trường Châu Á sẽ ổn định trở lại.
Ngoài ra, Tsang cũng cho rằng lợi nhuận doanh nghiệp vẫn đang ở trong trạng thái tốt (“good shape”). Các hệ số định giá như P/B (giá cổ phiếu/giá trị sổ sách) của chứng khoán Châu Á đang ở dưới mức trung bình dài hạn. Thông thường, hệ số P/B thấp hơn cũng đồng nghĩa với việc cổ phiếu trong khu vực đang bị định giá thấp./.