Thông điệp hòa bình của nước Nga sau 75 năm kết thúc Chiến tranh thế giới thứ II
Theo Tổng thống Nga V.Putin, bài học đầu tiên và quan trọng nhất mà các tài liệu giải mật đã xác nhận là các nước phương Tây, đứng đầu là Mỹ, không những đã phớt lờ đề xuất của Liên Xô hình thành mặt trận quốc tế thống nhất để ngăn chặn tham vọng của Đức quốc xã phát động cuộc chiến tranh thế giới mà còn ủng hộ về kinh tế và chính trị cho Hitler trong quá trình thực hiện tham vọng đó.
Chính vì thế, trong bối cảnh nước Nga kỷ niệm 75 năm Chiến Thắng trong cuộc Chiến tranh vệ quốc, một số thế lực ở phương Tây tiến hành chiến dịch tuyên truyền xuyên tạc vai trò của Liên Xô trong cuộc đấu tranh tiêu diệt chủ nghĩa phát xít Đức và quân phiệt Nhật Bản. Trong đó, Nghị viện châu Âu thông qua nghị quyết coi Liên Xô đã có tội cùng với Đức Quốc xã gây ra Thế chiến II. Các nước Đông Âu như Ukraine, Ba Lan, Estonia, Latvia và Litva cũng lên tiếng cáo buộc Liên Xô đã “cấu kết” với Đức quốc xã để phát động Chiến tranh thế giới thứ II. Những cáo buộc đó là hoàn toàn vô căn cứ vì không dựa vào bất kỳ cứ tài liệu lịch sử xác đáng nào.
Riêng ở Ukraine - quốc gia thành viên trong đại gia đình Liên bang Xô Viết và đã từng có gần 1 triệu người tham gia Hồng quân Liên Xô trong cuộc chiến tranh chống phát xít Đức trong Thế chiến II - bộ máy truyền thông do các nước phương Tây hoàn toàn kiểm soát đã ra sức tô vẽ hình ảnh của Hitler thành “Người giải phóng châu Âu”. Ukraine và các nước vùng Baltic không chỉ đập phá các tượng đài kỷ niệm chiến sĩ Hồng quân Liên Xô đã anh dũng hy sinh trong cuộc chiến chống lại phát xít Đức mà còn tôn vinh các phần tử đã từng chiến đấu trong hàng ngũ phát xít Đức là “anh hùng dân tộc”.
Ở Mỹ, đúng vào dịp kỷ niệm 75 năm kết thúc Thế chiến II, Nhà Trắng đưa ra tuyên bố, trong đó có đoạn:“Ngày 08/05/1945 Mỹ và Anh đã giành chiến thắng trước chủ nghĩa quốc xã. Tinh thần Mỹ sẽ luôn luôn chiến thắng”. Tuyên bố của Nhà Trắng không hề nhắc đến vai trò của Liên Xô đã từng là đồng minh của Mỹ trong cuộc chiến này. Bình luận về động thái này của Nhà Trắng, người phát ngôn Bộ ngoại giao Nga Maria Zakharova cho rằng tuyên bố đó là không thể chấp nhận được và hoàn toàn trái với tinh thần cuộc điện đàm giữa Tổng thống Nga V.Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump, trong đó nguyên thủ hai nước nhắc lại tinh thần hợp tác giữa Mỹ và Nga trong giai đoạn cuối của cuộc chiến đánh bại phát xít Đức.
Vì thế, trong bài phát biểu trước Ngọn Lửa Vĩnh Cửu bên cạnh Mộ các chiến sĩ vô danh trên Quảng Trường Đỏ ở thủ đô Moscow nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Chiến Thắng, Tổng thống V.Putin nhấn mạnh tầm quan trọng đặc biệt của việc bảo vệ ký ức lịch sử về cuộc chiến này và tinh thần đoàn kết toàn dân Nga để xây dựng và bảo vệ đất nước.
Trong bối cảnh nước Nga bị Mỹ và phương Tây bao vây, cấm vận và cô lập, trong một cuộc phỏng vấn, một nhà báo nước ngoài nêu câu hỏi với Tổng thống V.Putin: “Liệu Ngài có cảm thấy lo sợ khi cả châu Âu đều chống lại nước Nga?”, chủ nhân Điện Kremlin trả lời:“Ông nên gửi câu hỏi đó tới các nước châu Âu chứ không phải Nga”. Hàm ý trong câu trả lời của Tổng thống V.Putin là, trong lịch sử, toàn bộ châu Âu đã từng hai lần liên kết với nhau để chống lại nước Nga và trong cả hai lần đó họ đều bị thất bại thảm hại.
Lần thứ nhất là vào năm 1812, Hoàng đế nước Pháp Napoleon sau khi chinh phục tất cả các nước châu Âu rồi biến họ thành đồng minh để hình thành liên minh và phát động cuộc chiến tranh xâm lược nước Nga. Vì thế, trên thực tế, cuộc chiến tranh Pháp-Nga dưới thời Napoleon là cuộc chiến tranh của liên minh các nước châu Âu do Pháp đứng đầu nhằm thôn tính nước Nga. Trong bối cảnh đó, nước Nga đã tiến hành cuộc chiến tranh giữ nước lần thứ nhất, với kết cục đánh bại Napoleon. Hậu quả cuộc chiến này là Đế chế Napoleon sụp đổ.
Lần thứ hai là Thế chiến II do phát xít Đức, đứng đầu là Hitler, phát động. Sau khi tiến hành các chiến dịch tấn công xâm lược chớp nhoáng và chinh phục tất cả các nước châu Âu (chỉ trừ nước Anh), Hitler biến các nước trên châu lục này thành chư hầu và tập trung toàn bộ tiềm lực kinh tế cũng như quân sự của họ thành lực lượng hợp nhất để tấn công Liên Xô. Theo hồ sơ lưu trữ gần 1 triệu trang được Chính phủ Nga công bố nhân dịp kỷ niệm 75 năm kết thúc Chiến tranh thế giới thứ II, khoảng 50.000 quân tình nguyện từ các nước châu Âu đã gia nhập hàng ngũ đội quân SS khét tiếng tàn bạo của phát xít Đức. Tính tổng cộng, có khoảng 1.800.000 quân nhân các nước châu Âu như Pháp, Ba Lan, Ukraine, Phần Lan, Latvia, Litva…đã gia nhập đội quân của Đức quốc xã, hình thành 59 sư đoàn, 23 lữ đoàn và nhiều trung đoàn. Trên thực tế, quân đội của Đức quốc xã là quân đội châu Âu. Một lần nữa, Liên Xô phải phát động cuộc chiến tranh giữ nước lần thứ hai. Với tinh thần đoàn kết triệu người như một và anh dũng vô song, Liên Xô cùng với các lực lượng đồng minh đã đánh bại chủ nghĩa phát xít và giải phóng châu Âu thoát khỏi thảm họa diệt chủng.
Những thế lực đứng đằng sau chiến dịch xuyên tạc lịch sử Thế chiến II đang muốn biến Liên Xô từ quốc gia giải phóng thành “quốc gia xâm lược”, để từ đó cáo buộc nước Nga-quốc gia được kế thừa vị thế của Liên Xô, cũng là “quốc gia xâm lược châu Âu”. Mục đích của họ là tập hợp lực lượng để chuẩn bị phát động cuộc chiến tranh thế giới mới. Theo đó, NATO đã đưa các căn cứ quân sự tới sát biên giới Nga, xây dựng hệ thống đánh chặn tên lửa trên lãnh thổ các nước châu Âu chĩa thẳng vào các căn cứ tên lửa hạt nhân của Nga, còn Mỹ rút khỏi Hiệp ước Mỹ-Nga hủy bỏ tên lửa tầm ngắn và tầm trung ở châu Âu và không gia hạn Hiệp ước hạn chế vũ khí tấn công chiến lược giai đoạn III (START-3) sẽ hết hạn vào năm 2021. Mục đích của Mỹ và NATO là chuẩn bị đòn tấn công phủ đầu chớp nhoáng nhằm vào nước Nga. Vì thế, Tổng thống V.Putin từng tuyên bố, nước Nga sẽ không bao giờ mắc lại sai lầm năm 1941, trong đó phát xít Đức đã xé bỏ Hiệp ước Xô-Đức không tấn công lẫn nhau và bất ngờ mở chiến dịch tấn công chớp nhoáng nhằm vào Liên Xô. Tổng thống Nga V.Putin còn tuyên bố, thế giới có thể lãng quên 2 quả bom nguyên tử ném xuống Nhật Bản năm 1945 nhưng nước Nga sẽ không bao giờ quên!
Trong khi đó, cựu Tổng thống Đức Richard von Weizsacker từng tuyên bố:“Thật sai lầm khi đổ lỗi cho Liên Xô là quốc gia khởi đầu Chiến tranh thế giới thứ II. Chính Hitler đã khơi mào cuộc chiến tranh này. Do đó, sự khởi đầu Chiến tranh thế giới thứ II sẽ mãi mãi gắn liền với nước Đức mà không liên quan gì tới Liên Xô”. Trong bài viết trên Tạp chí Spiegel, Bộ trưởng Bộ ngoại giao Đức Heiko Maas cùng với nhà sử học Andreas Wirsching khẳng định:“Những nỗ lực viết lại lịch sử theo cách đáng xấu hổ nhất trong thời gian qua đòi hỏi chúng tôi phải đưa ra tuyên bố rõ ràng rằng không thể thay đổi một sự thật lịch sử hiển nhiên là, chính nước Đức đã phát động Chiến tranh thế giới thứ hai bằng cuộc tấn công vào Ba Lan và cũng chính nước Đức phải chịu trách nhiệm về nạn diệt chủng người Do Thái. Bất cứ ai gieo rắc sự hoài nghi về điều này và cố gắng buộc tội các dân tộc khác trong sự kiện này là cách hành xử sai trái với các nạn nhân của cuộc chiến. Họ đang lợi dụng lịch sử để chia rẽ châu Âu”.
Cựu Tổng thống Đức Richard von Weizsacker:“Thật sai lầm khi đổ lỗi cho Liên Xô là quốc gia khởi đầu Chiến tranh thế giới thứ II. Chính Hitler đã khơi mào cuộc chiến tranh này” (Ảnh: Sputnik)
|
Bởi vậy, Tổng thống Nga V.Putin khẳng định, nước Nga vừa phải tiến hành cuộc đấu tranh không khoan nhượng để bảo vệ sự thật lịch sử về Thế chiến II, coi đó là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu vì tương lai của đất nước và hòa bình trên toàn thế giới, vừa phải chuẩn bị tiềm lực quân sự để sẵn sàng làm thất bại mọi toan tính của một số thế giới đang mưu toan xâm lược Nga. Theo nhận định của Phó Chủ tịch Hội đồng an ninh Liên bang Nga D.Medvedev, chưa bao giờ thế giới phải đối mặt với nguy cơ nhãn tiền về một cuộc chiến tranh thế giới mới như lúc này. Trong bối cảnh đó, ngày 02/06/2020, Tổng thống V.Putin ký Sắc lệnh công bố chính sách răn đe hạt nhân mới của Liên bang Nga nhằm gửi thông điệp cứng rắn chưa từng có tới các đối thủ tiềm tàng rằng họ chắc chắn sẽ bị đáp trả đích đáng bằng vũ khí hạt nhân trong trường hợp phát động chiến tranh xâm lược Nga và (hoặc) các đồng minh của Nga.
Tên lửa siêu vượt âm Avangard-vũ khí răn đe hạt nhân của Nga có khả năng vượt qua mọi lá chắn tên lửa hiện có trên thế giới (Ảnh: National Interest)
|
Giải thích bản chất chính sách răn đe hạt nhân của Nga, Tổng thống V.Putin từng cảnh báo: “Liên bang Nga sẽ không bao giờ sử dụng vũ khí hạt nhân để tiến hành đòn tấn công phủ đầu bởi vũ khí hạt nhân của Nga chỉ để phòng thủ. Nhưng những kẻ xâm lược cần nhớ rằng, Moscow sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân để đáp trả ngay tức khắc mọi cuộc tấn công quân sự nhằm vào Nga”./.