Nga xích lại gần…Mỹ?
Nga và Trung Quốc đã cam kết hợp tác trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh do virus corona chủng mới và cả hai đều ngăn chặn những lời tố cáo của phía Mỹ rằng Bắc Kinh phải nhận trách nhiệm vì để xảy ra đại dịch. Tuy nhiên, số ca nhiễm COVID-19 tăng mạnh ở Nga lại có nguy cơ làm xói mòn nỗ lực chặn dịch của chính Trung Quốc – đặc biệt là ở tỉnh biên giới Hắc Long Giang, nằm sát Nga.
Nền kinh tế Nga cũng đang hứng chịu tổn thất do lệnh phong tỏa được áp dụng để chặn dịch và đà giảm của giá dầu.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cam kết sẽ duy trì một mặt trận thống nhất để chống dịch COVID-19, và từng có 3 cú điện đàm tính từ tháng 3 đến nay.
Nhưng một số nhà quan sát tin rằng Nga đang tiến gần hơn tới Mỹ, đồng thời nhấn mạnh rằng Tổng thống Putin đã 6 lần điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cùng khoảng thời gian. Hai nhà lãnh đạo đã đưa ra một tuyên bố vào ngày 26/4 nhân dịp lễ kỷ niệm lần thứ 75 cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa binh sĩ Mỹ và Liên Xô trong Thế chiến II trên bờ sông Elbe.
Tuyên bố chung nói rằng “Tinh thần Elbe” là một “ví dụ cho thấy hai đất nước chúng ta có thể bỏ qua sự khác biệt, xây dựng lòng tin và hợp tác vì mục đích cao cả hơn”.
Tờ Wall Street Journal đưa tin rằng tuyên bố trên đã khiến nhiều quan chức và chính trị gia Mỹ không khỏi ngạc nhiên, bởi sự khác biệt chính trị giữa hai quốc gia, trong khi ở Trung Quốc, một số nhà quan sát coi đó là tín hiệu của sự cải thiện quan hệ giữa Mỹ và Nga.
“Tuyên bố đưa ra vào ngày 26/4 có ý nghĩa rằng Nga và Mỹ có thể hợp tác với nhau” – Shi Yinhong, chuyên gia nghiên cứu quan hệ quốc tế thuộc ĐH Renmin, Trung Quốc, nhận định – “Trong khi mối quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ đang lạnh nhạt đi, mối quan hệ giữa ông Putin và ông Trump lại bền vững”.
Tổng thống Putin và Tổng thống Trump đã 6 lần điện đàm tính từ tháng 3 đến nay (Ảnh: Time)
|
COVID-19 đã khiến hơn 260.000 người bị nhiễm và hơn 2.000 người tử vong ở Nga, trong khi tỉnh Hắc Long Giang của Trung Quốc báo cáo hơn 380 ca nhiễm ngoại nhập, phần lớn là người trở về từ Nga.
Ông Shi Yinhong nói rằng đại dịch COVID-19 đã phủ bóng mờ lên mối quan hệ giữa Nga và Trung Quốc, một phần là bởi động thái ban đầu của chính quyền Moscow là đóng cửa biên giới vào cuối tháng 1, bất chấp sự phản đối của Trung Quốc.
“Nga đóng cửa biên giới với Trung Quốc rất sớm, điều này gây ra nhiều vấn đề đối với công dân Trung Quốc ở Nga” – ông Shi Yinhong nói.
Vị chuyên gia cũng nói rằng Nga đã xử lý không tốt dịch bệnh trong nước, ông nói với tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP): “Ngay từ đầu khi dịch bệnh xảy ra, chính sách của Nga trong việc chặn dịch đã quá lỏng lẻo, và giờ tình hình trở nên nghiêm trọng. Dưới tình hình đó, ông Putin dường như tự giấu mình. Kiểu xử lý này không làm hài lòng Trung Quốc…và giờ số ca nhiễm của họ tăng mạnh, gây ra rủi ro lớn cho Trung Quốc”.
Nga-Trung vượt qua phép thử
Dmitri Trenin, Giám đốc Trung tâm Carnegie ở Moscow, chuyên phân tích chính sách ngoại giao, thì nhận định rằng mặc dù đại dịch COVID-19 đã đặt quan hệ Nga-Trung vào chỗ căng thẳng, “nhưng đến nay cả hai nước đã vượt qua phép thử đó”.
Trong cú điện đàm với Chủ tịch Tập ngày 16/4, Tổng thống Putin nói rằng Nga phản đối mọi lời bôi nhọ cách xử lý dịch của Trung Quốc; theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc. Mặc dù cả hai nước không chỉ đích danh bên thứ ba trong tuyên bố của họ, nhưng có thể hiểu là tuyên bố ám chỉ Mỹ, nước thường xuyên đổ lỗi cho Trung Quốc thất bại trong việc ngăn chặn dịch.
Trong một cú điện đàm khác vào ngày 8/5, Chủ tịch Tập đã so sánh nỗ lực chặn virus corona như cuộc chiến chống lại chủ nghĩa phát xít trong Thế chiến II.
Trung Quốc cũng cử nhiều đội ngũ y tế và vật tư y tế hỗ trợ Nga chống dịch.
Dầu mỏ và bài toán chiến lược
Lệnh phong tỏa được áp dụng để ngăn chặn virus corona chủng mới gây tổn hại tới nền kinh tế của cả Nga và Trung Quốc, nhưng Nga lại đặc biệt chịu tổn thất do cả giá dầu giảm.
Theo SCMP, một số nhà quan sát từng cảnh báo rằng hoạt động xuất khẩu dầu mỏ của Nga sang Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng, sau khi một công ty nhà thầu làm việc cho Gazprom – tập đoàn dầu khí của Nga – nói rằng họ phải ngừng khai thác một mỏ khí ở Siberia sau khi một số công nhân của họ nhiễm COVID-19. Được biết mỏ này được khai thác để cung cấp cho Trung Quốc.
Tuy nhiên, ông Alexander Gabuev, chuyên gia phân tích thuộc Trung tâm Carnegie Moscow, cho rằng cuộc khủng hoảng này có thể giúp Trung Quốc mở rộng tầm ảnh hưởng, trong khi nỗ lực vực dậy nền kinh tế của họ cũng có thể làm tăng lượng cầu đối với các sản phẩm năng lượng nhập từ Nga.
Trong tháng 3, Trung Quốc giảm lượng dầu nhập từ Arab Saudi, trong khi tăng mạnh nhập khẩu dầu mỏ từ Nga (Ảnh: TASS)
|
Trong tháng 3 vừa qua, lượng dầu thô Trung Quốc nhập khẩu từ Arab Saudi đã giảm 1,6% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi lượng nhập khẩu từ Nga tăng tới 31%; theo dữ liệu của Reuters.
Đầu tháng này, Gazprom tuyên bố sẽ cung cấp khí tự nhiên cho Trung Quốc như kế hoạch.
“Khi nói về dầu và khí, hai thứ có thể là sản phẩm quan trọng nhất đối với Nga, Trung Quốc ở một vị trí có lợi thế khi được chọn lựa giảm lượng nhập khẩu từ khu vực Vùng Vịnh hay Mỹ Latin” – ông Gabuev nhận định – “Các nước khác ở Vùng Vịnh hoặc là đồng minh của Mỹ, hoặc đều chịu tầm ảnh hưởng sâu rộng của Mỹ, như Arab Saudi”.
“Nếu Trung Quốc muốn biến khủng hoảng thành cơ hội và tăng quyền kiểm soát một số lĩnh vực quan trọng, Nga và khu vực Trung Á chắc chắn là con đường tự nhiên mà họ lựa chọn. Và tôi cho rằng đó sẽ là một trong những xu hướng lớn trong năm 2020” – ông Gabuev nói thêm.
Vị chuyên gia cũng cho rằng nếu Nga muốn bán thêm dầu cho Trung Quốc, Bắc Kinh có thể yêu cầu Nga cho trao quyền tiếp cận các giếng dầu quan trọng của họ cho các doanh nghiệp của Trung Quốc.
Li Lifan, chuyên gia nghiên cứu thuộc Viện Khoa học Xã hội Thượng Hải, nói rằng nhu cầu năng lượng của Trung Quốc vẫn ở mức cao trong khi Nga vẫn là là cung cấp năng lượng ổn định nhất.
“Thương mại song phương có thể chịu ảnh hưởng trong vài quý đầu do đại dịch, và một số cáo buộc rằng cảnh sát Moscow xử lý một cách bạo lực và bắt giữ công dân Trung Quốc mà không có lý do gây bão trên mạng xã hội. Nhưng tôi nghĩ có chỉ là những nhân tố nhỏ, khó có thể làm chệch hướng quan hệ song phương” – ông Li nhận định.
Ông Li nói rằng Nga đã dự trữ vàng và ngoại tệ nhằm đối phó với các lệnh trừng phạt của phương Tây sau sự kiện Crimea, và điều đó giúp họ ở vị trí tốt hơn để đối phó với tầm ảnh hưởng kinh tế do đại dịch COVID-19 gây ra.
Theo dữ liệu từ Ngân hàng Trung ương Nga, lượng vàng và ngoại tệ dự trữ của nước này đạt mức 566 tỷ USD tính đến thời điểm ngày 1/5.
“Nền kinh tế Nga có khả năng phục hồi lớn hơn nhiều so với nhiều quốc gia trên thế giới bởi họ đã có kinh nghiệm đối phó với các đòn trừng phạt của phương Tây từ năm 2014, và Nga đã học được cách đối phó với một cuộc khủng hoảng như vậy” – ông Li nói.