Chia sẻ tại tọa đàm, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thương hiệu và cạnh tranh, cho biết Việt Nam có thể học hỏi 3 bài học từ cách điều hành chính sách tiền tệ của các nước trên thế giới.
Thứ nhất, theo ông Thành, cần xác định rõ mục tiêu ưu tiên trong điều hành chính sách tiền tệ là ổn định vĩ mô, lạm phát, tỷ giá, hay hỗ trợ tăng trưởng, phục hồi kinh tế, sản xuất kinh doanh.
Hiện nay, Mỹ và nhiều nước châu Âu quan tâm tới mục tiêu ổn định vĩ mô và kiểm soát lạm phát. Tuy nhiên, cũng có những nước lạm phát còn thấp và ổn định vẫn giữ được thì trọng số của họ chuyển mạnh vào hỗ trợ tăng trưởng, như Trung Quốc và Nhật Bản.
Dù vậy, ông Thành cho rằng các quốc gia này vẫn sử dụng tính linh hoạt và sự khéo léo trong điều hành chính sách tiền tệ nhằm đạt được cả 2 mục tiêu, tùy vào từng thời điểm để xác định trọng số quan trọng hơn.
Ở Mỹ và các nước châu Âu, dù ấn định mục tiêu lạm phát ở mức 2% nhưng họ vẫn dịch chuyển chính sách tiền tệ để quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch và tăng trưởng bị ảnh hưởng ít nhất.
Đối với Nhật Bản và Trung Quốc, mặc dù tập trung nhiều hơn vào hỗ trợ phục hồi và tăng trưởng nhưng họ vẫn theo dõi rất chặt biến động của lạm phát để khi cần có thể điều chỉnh ít nhiều chính sách tiền tệ.
Thứ hai, ông Thành nhấn mạnh điều hành chính sách tiền tệ cần chú ý đến sự ổn định, an toàn, lành mạnh của thị trường tài chính ngân hàng.
Câu chuyện sụp đổ của một loạt ngân hàng đã xuất hiện từ nhiều thập kỷ trước, từ cuộc khủng hoảng châu Á đến cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008-2009 và đến bây giờ là Silicon Valley Bank (SVB) hay Silvergate Bank của Mỹ.
Ông Thành nhắc lại, năm 2022, Việt Nam cũng phải rất vất vả chống đỡ sự rung lắc của thị trường tài chính, và đặc biệt là chấn động của một số ngân hàng. “Chúng ta phải lưu ý bài học này”, ông Thành nói.
Cuối cùng, vị chuyên gia này nhận định muốn đa mục tiêu thì phải đa công cụ. “Chính sách tiền tệ dù quan trọng nhưng không phải là tất cả. Chúng ta phải phối hợp chặt chẽ với các chính sách khác, đặc biệt là chính sách tài khóa, ngân sách”, ông Thành nhấn mạnh.
Ngoài ba bài học nêu trên, TS. Võ Trí Thành cho rằng điều hành chính sách tiền tệ cũng cần bám sát thông tin, phải linh hoạt và minh bạch.
Lãi suất không phải liều thuốc vạn năng
Theo TS. Võ Trí Thành, ổn định kinh tế vĩ mô là quan trọng nhưng bối cảnh hiện nay tạo điều kiện cho phép có những chuyển hướng chính sách, cả về chính sách tài khóa và tiền tệ, hướng đến việc hỗ trợ tăng trưởng.
Vị chuyên gia này nhấn mạnh Việt Nam còn dư địa nới lỏng chính sách tiền tệ, hạ lãi suất (giảm 1-1,5% từ nay đến cuối năm), nhưng về nguyên tắc quản trị thì không thể để "đồng tiền dễ dãi".
“Nếu đồng tiền trở nên dễ dãi thì mục tiêu hướng đến thúc đẩy tăng trưởng, sản xuất kinh doanh có thể bị ảnh hưởng khi dòng tiền này không đổ vào sản xuất kinh doanh mà "đi chơi tài sản tài chính"”, ông Thành nói.
Cũng theo ông Thành, lãi suất không phải liều thuốc vạn năng mặc dù rất quan trọng, mà cần kết hợp với nhiều chính sách khác như kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ người lao động, kích cầu du lịch, đầu tư công, giải quyết khó khăn cho xuất khẩu; tạo điều kiện để người dân và doanh nghiệp tiếp cận vốn tốt hơn.
TS. Võ Trí Thành nêu 3 rủi ro khi nới lỏng chính sách tiền tệ, nhưng vấn đề lạm phát không phải quá lớn mà là vấn đề “dòng tiền đi vào đâu” và “tỷ giá”.
Đồng quan điểm, TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) nhấn mạnh năm nay không quá lo về lạm phát. "Hết sức yên tâm câu chuyện lạm phát, để chúng ta tập trung vào phục hồi và kích thích tăng trưởng", ông Lực nói.
Theo ông Lực, trong 6 tháng vừa qua, tín dụng chỉ tăng trường 4,73% và đến hôm nay chỉ còn tăng xoay quanh 4% - tức là đã giảm bớt. Điều đó có nghĩa khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế rất thấp.
Để doanh nghiệp tăng khả năng sản xuất, đáp ứng được điều kiện vay vốn, kinh tế trưởng của BIDV đề xuất nhiều giải pháp đồng bộ.
Giảm lãi suất chỉ là điều kiện cần và điều kiện đủ là khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp. "Phải làm thế nào tăng cả cung và cầu, phía cầu là giảm lãi suất rồi, phía cung là tăng khả năng hấp thụ vốn cho nền kinh tế, cho doanh nghiệp", ông Lực nhận định.
Bên cạnh đó, kinh tế trưởng của BIDV cho rằng "phải giải quyết được sự trì trệ của bộ máy công-viên chức thì mới giải quyết được nhiều vấn đề pháp lý, thủ tục hành chính". Ông đề xuất "phải khơi thông cả những kênh dẫn vốn khác, bởi vì kênh dẫn vốn trái phiếu doanh nghiệp rất quan trọng". Nếu khơi thông được kênh này, dòng vốn trung và dài hạn sẽ dồi dào hơn.
Theo ông Lực, giảm lãi suất cũng không thể giảm quá nhiều, quá mạnh, quá nhanh được. “Trong 2 tháng vừa qua, chúng tôi nhận thấy một số dòng tiền đã bắt đầu dịch chuyển từ kênh tiết kiệm riêng tư sang kênh chứng khoán”, ông Lực nói và cho rằng cần giữ lãi suất ở một mức độ hấp dẫn nhất định để dòng tiền tiếp tục vào ngân hàng, ngân hàng có thanh khoản cho vay, đảm bảo nguồn vốn đi vào kinh doanh thay vì chỉ đầu tư tài chính hay tồn kho bất động sản như thời gian vừa qua./.