Truyền thông Phương Tây thông tin vì sao Nga lại “che giấu” việc phát triển S-500

VietTimes -- Các chuyên gia quân sự Mỹ một lần nữa lại dậy sóng về hệ thống phòng không, phòng thủ tên lửa tương lai của Nga S-500. Nếu trước đó các bình luận viên sốc về tính năng kỹ chiến thuật của hệ thống vũ khí này  hiện nay họ đang lo lắng do thiếu thông tin mới về S-500 trên các phương tiện truyền thông Nga.
Tổ hợp tên lửa phòng không tầm xa S-500 đang phát triển. Ảnh minh họa: Russian Gazeta.
Tổ hợp tên lửa phòng không tầm xa S-500 đang phát triển. Ảnh minh họa: Russian Gazeta.

Một bài viết đáng chú ý được đăng tải trên  The National Interest, trong bài viết này, tác giả Mark Episkopos cho rằng, năm 2019 sẽ là năm hứa hẹn thành công của các hệ thống tên lửa phòng không Nga.

Trong năm nay, tổ hợp tên lửa đa nhiệm chiến trường Vityaz S-350, các tổ hợp S-300V4 cấp lữ đoàn và hàng chục hệ thống pháo tên lửa hiện đại khác được đưa vào biên chế khai thác sử dụng. Nhưng vì sao không có bất cứ điều gì về hệ thống S-500?

Những tính năng kỹ chiến thuật của S-500 thực sự chưa từng có và không thể có ở bất cứ một tổ hợp phòng không nào, S-500 có khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo trên khoảng cách đến 600 km, xa hơn 200 km so với S-400. Tổ hợp tên lửa cũng có khả năng ngăn chặn 10 đầu đạn bay với tốc độ 6,5km/s.

S-500 thực tế là một đòn giáng mạnh vào hệ thống vũ khí trang bị tấn công của Mỹ, kỹ sư trưởng Pavel Sozinov của Almaz-Antey cho biết. Hệ thống phòng không của tập đoàn vô hiệu hóa tất cả vũ khí tiến công của Mỹ, vượt trội tất cả các hệ thống phòng không và phòng thủ tên lửa Mỹ, trên đất liền và trên biển.

Mark Episcopos đặt câu hỏi: tại sao ngày công khai các tính năng kỹ chiến thuật của hệ thống này được lui lại nhiều lần, hiện giờ trên phương tiện truyền thông Nga, S-500 đang rơi vào im lặng?

Các chuyên gia phương Tây cho rằng, đó là vấn đề kỹ thuật công nghệ. Tác giả nhấn mạnh tình hình có thể hoàn toàn không đúng như vậy, thực tế dự án gần như hoàn thành, chỉ còn lại vấn đề tinh chỉnh và thử nghiệm cấp quốc gia. Nhưng Nga không vội vàng thực thi điều này, điện Kremlin không muốn làm giảm sự quan tâm của thị trường nước ngoài đối với tổ hợp vũ khí hiện đang có ấn tượng nhất là S-400.

Việc Trung Quốc thử nghiệm thành công S-400 và Thổ Nhĩ Kỳ kiên quyết không bỏ hợp đồng nhập S-400 cho thấy các quốc gia quan tâm thế nào đến tổ hợp này. Đang có tới 12 quốc gia muốn đặt hàng S-400. Nga đang không muốn làm giảm nhiệt tình của các khách hàng này và có thể đặt S-500 vào hàng đợi.