Trang tin Hoa ngữ Đa Chiều ngày 6/8 cho biết, theo một bài viết trên trang web của tạp chí Forbes (Mỹ) ngày 5/8, Trung Quốc đã thiết lập một loạt các nền tảng giám sát tại các vùng của Biển Đông, một số cái trong số đó là ở vùng biển Trung Quốc kiểm soát, nhưng một số trôi nổi trong vùng biển quốc tế.
Forbes nhận xét rằng đây là các mạng gây nên tranh cãi, đặc biệt là đối với các mạng lưỡng dụng dùng cho cả dân sự lẫn quân sự. Mặc dù bề ngoài trông có vẻ là cơ sở dân sự, nhưng nó có thể được coi là một phần trong các nỗ lực của Hải quân Trung Quốc nhằm kiểm soát Biển Đông.
Sơ đồ trạm giám sát của Trung Quốc trên Biển Đông (Ảnh: Đa Chiều).
|
Forbes viết, thật không thực tế khi cho rằng Hải quân Trung Quốc sẽ không lấy những dữ liệu của các cơ sở giám sát dân sự sử dụng cho mục đích quân sự. Hơn nữa, đây có thể là một phần của mạng cảm biến lớn hơn và hầu hết các mạng cảm biến đều ở dưới nước và không thể phát hiện. Điều này giúp củng cố lợi thế chiến lược của Trung Quốc so với các quốc gia khác ở Biển Đông và có thể được sử dụng để giám sát các hoạt động của Hải quân Mỹ.
Theo cơ quan giám sát Asian Maritime Transparency Initiative (Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á) thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), các nền tảng giám sát là một phần của cái gọi là "Mạng thông tin đại dương xanh (biển sâu)" của Trung Quốc.
Các nền tảng giám sát mang theo một loạt các cảm biến và thiết bị liên lạc, bao gồm các tháp cảm biến quang điện/hồng ngoại, vô tuyến tần số cao và các trạm phát di động. Trên hầu hết các nền tảng đều có một antena radar hình cầu lớn (radome), có thể là cảm biến chính. Với các nền tảng này, Trung Quốc đã tăng cường được phạm vi phủ sóng radar ở Biển Đông.
Các biên đội tác chiến tàu sân bay Nimitz và Ronald Reagan hoạt động ở Biển Đông (Ảnh: US Navy).
|
Các yếu tố không nhìn thấy dưới mặt nước thường được gọi là Underwater Great Wall (Vạn lý Trường thành dưới nước). Đây là một mạng lưới các sonar đặt dưới đáy biển. Ở một số khía cạnh, nó tương tự như Hệ thống giám sát Sonar (SOSUS) do Hải quân Hoa Kỳ triển khai trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh.
Nhưng so với SOSUS, công nghệ được sử dụng ở Trung Quốc hiện nay tân tiến hơn nhiều và phù hợp với môi trường địa phương. Mạng lưới cảm biến dưới đáy biển mà Trung Quốc đang quy hoạch không phải là loại tàng hình, nhưng công nghệ, vị trí và vị trí của chúng đương nhiên là bí mật quân sự. Nhưng điểm khác với các nền tảng cảm biến là các tàu thuyền qua lại không thể nhìn thấy chúng.
Bài báo của Forbes chỉ ra rằng các nền tảng giám sát mới này được Trung Quốc xây dựng trên một hòn đảo nhân tạo gần bờ biển phía đông đảo Hải Nam. Những hòn đảo nhân tạo và "Vạn lý Trường thành dưới nước" này đã cung cấp cho Trung Quốc cơ sở hạ tầng để khống chế khu vực, thậm chí cả vùng biển quốc tế. Vi vậy, Forbes cho rằng Trung Quốc có thể đang chuyển từ có mặt thuần túy sang kiểm soát mọi nơi ở Biển Đông.