Cơ quan CSĐT Công an TP Dĩ An (tỉnh Bình Dương) ngày 20/6 đã kết luận điều tra vụ án “Không chấp hành án” và “Trốn thuế” xảy ra tại CTCP Tân Tân - công ty chế biến đậu phộng nổi tiếng cả thập kỷ qua tại Việt Nam.
Ông Trần Quốc Tân - nhà sáng lập thương hiệu, nguyên chủ tịch HĐQT kiêm giám đốc công ty - bị cáo buộc trốn thuế và không chấp hành bản án dân sự. Cáo trạng VKSND TP Dĩ An vừa ban hành đã truy tố ông Tân về hai tội danh trên.
Thương hiệu đậu phộng nổi tiếng nhiều thập kỷ
Đậu phộng Tân Tân là thương hiệu quen thuộc với rất nhiều gia đình Việt Nam, là món quà vặt đậm đà thơm giòn, bùi ngậy của lạc rang tuyển, pha cốt dừa béo ngậy, được nhiều người yêu thích.
Điểm nổi bật của đậu phộng Tân Tân có lẽ nằm ở chất lượng, hương vị và giá thành hợp túi tiền phần lớn người dân Việt Nam, với đa dạng hương vị. Sản phẩm đã trở nên quen thuộc với người tiêu dùng, có mặt khắp mọi nơi.
Được thành lập năm 1984, tới năm 1997, Tân Tân xây dựng nhà máy và văn phòng mới tại tỉnh Bình Dương với diện tích trên 45.000 m2. Vào thời kỳ đỉnh cao, Tân Tân có hơn 140 nhà phân phối và hơn 40.000 điểm bán lẻ ở hầu hết siêu thị và trung tâm thương mại, chiếm 80% thị phần trong cả nước.
Tân Tân còn xuất khẩu đến rất nhiều thị trường lớn như: Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nigeria, Cuba...
Doanh nghiệp mua nhiều dây chuyền công nghệ tiên tiến từ Italia, Mỹ, Malaysia, Tây Ban Nha, Thái Lan, Nhật và Trung Quốc. Chất lượng sản phẩm được chú trọng đầu tư, đáp ứng được yêu cầu khắt khe của Tổ chức Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA).
Doanh nghiệp cũng liên kết đầu tư, hỗ trợ cung cấp giống đậu mới cho nông dân ở các địa phương Bình Dương, Củ Chi (TP.HCM) Trà Vinh, Nghệ An... để có nguyên liệu đầu vào tốt.
Cuộc chiến thập kỷ: Người sáng lập ra sao, ông chủ thực sự là ai?
CTCP Tân Tân thành lập tại phường Bình An, TP Dĩ An, gồm 3 cổ đông góp vốn là người cùng gia đình gồm: ông Trần Quốc Tân (80% vốn điều lệ), bà Châu Ngọc Phụng (vợ ông Tân, 10%) và ông Trần Quốc Tuấn (em ông Tân, 10%).
Ông Tân (61 tuổi) là tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật; bà Phụng, ông Tuấn cùng là phó tổng giám đốc.
Cuộc chiến cổ đông tại Tân Tân có lẽ bắt đầu từ năm 2011, trong bối cảnh công ty thua lỗ, ngân hàng siết nợ phần lớn tài sản.
Giữa năm 2011, ông Tân chuyển nhượng cho bà Nguyễn Thị Thanh (1962) gần 3,67 triệu cổ phần (tương đương hơn 45,8% cổ phần) và đã cấp giấy chứng nhận sở hữu cổ phần cho nữ cổ đông này, nhưng không ghi vào sổ cổ đông.
Bà Thanh sau đó đã khởi kiện và tới năm 2013 được tòa án công nhận. Bà Thanh được ghi tên vào sổ cổ đông và được đăng ký cổ đông với cơ quan chức năng. Nhưng từ năm 2012, Tân Tân không tổ chức họp bầu HĐQT mới và thua lỗ, nợ rất nhiều tiền, lớn hơn vốn chủ sở hữu và báo cáo tài chính không có kiểm toán...
Cuối 2015, bà Thanh tiếp tục khởi kiện, yêu cầu triệu tập HĐQT, yêu cầu ông Tân bàn giao sổ sách, hợp đồng, chứng từ kế toán để kiểm toán bắt buộc. Tòa án sau đó phán quyết buộc HĐQT phải triệu tập họp bất thường đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) để bầu HĐQT mới... Tuy nhiên, HĐQT cũ không chấp hành bản án.
Tới ngày 23/4/2024, bà Thanh triệu tập được cuộc họp ĐHĐCĐ, bầu HĐQT mới.
Theo báo cáo của HĐQT Tân Tân tại ĐHCĐ thường niên 2024, tại cuộc họp HĐQT ngày 28/5/2022, ông Lê Hồng Phương được bầu làm chủ tịch HĐQT và bổ nhiệm làm giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật. Ông Trần Quốc Tân bị miễn nhiệm chức giám đốc - người đại diện theo pháp luật.
Ngày 11/1/2024, CTCP Tân Tân được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp mới.
Cũng theo báo cáo này, tính tới 31/1/2024, Tân Tân còn nợ thuế gần 61,8 tỷ đồng, nợ bảo hiểm xã hội (tới tháng 3/2024) là gần 6,3 tỷ đồng. Tân Tân còn nợ các chủ nợ (theo hơn 50 bản án đã có hiệu lực pháp luật) trong đó có nhiều ngân hàng.
Báo cáo cũng cho hay, chủ tịch mới là ông Lê Hồng Phương khi đến trụ sở công ty đều bị ngăn cản, không cho vào. Toàn bộ khuôn viên trụ sở chính đã bị chiếm giữ, quản lý trái phép bởi Công ty TNHH MTV Thương mại - Sản xuất - Trồng trọt Tân Tân (được gọi là Tân Tân 2) do ông Trần Quốc Gia Phước (con trai của ông Trần Quốc Tân) làm chủ sở hữu.
Theo kết luận điều tra, Tân Tân làm ăn thua lỗ nên ngưng hoạt động từ 2013. Năm 2015, ông Tân cho Tân Tân 2 thuê một phần nhà xưởng của Tân Tân đến 2030 nhưng không đóng thuế.
Còn theo Nghị quyết ĐHĐCĐ năm 2024 của Tân Tân, ĐHĐCĐ đã thông qua việc chấp nhận tạm sử dụng dữ liệu báo cáo tài chính (BCTC) năm 2021 của CTCP Tân Tân đã nộp cho cơ quan thuế ngày 29/3/2022 để lập báo cáo tài chính năm 2022 của Tân Tân.
ĐHĐCĐ cũng thông qua BCTC năm 2022 và BCTC năm 2023.
Nghị quyết cũng thông qua việc xử lý những người quản lý công ty trước đây, gồm: ông Trần Quốc Tân, bà Châu Ngọc Phụng, ông Trần Quốc Tuấn và các cá nhân nguyên là kế toán trưởng, thủ quỹ... - những người “đang chiếm giữ trái phép hồ sơ, tài liệu, tài sản, nhãn hiệu, thương hiệu, logo, website, phần mềm kế toán của CTCP Tân Tân”.
ĐHĐCĐ cũng thông qua việc bàn giao toàn bộ hồ sơ, tài liệu, tài sản (gồm tiền, tiền gửi, bất động sản, động sản, tài sản hữu hình và vô hình... ) của CTCP Tân Tân cho HĐQT, ban giám đốc hiện nay của CTCP Tân Tân tại trụ sở chính để công ty tiến hành kiểm toán.
Đồng thời, thông qua việc xem xét, xử lý trách nhiệm của các cá nhân nêu trên và trách nhiệm bồi thường thiệt hại đã gây ra cho CTCP Tân Tân và các cổ đông của công ty.
Nghị quyết cũng thông qua việc giao quyền cho giám đốc - người đại diện pháp luật của CTCP Tân Tân - yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết hoặc thực hiện các thủ tục, biện pháp cần thiết để tiếp quản, quản lý và sử dụng trụ sở, sổ sách, tài liệu, văn bằng, chứng thư, dữ liệu điện tử, website, nhãn hiệu, thương hiệu, logo, phần mềm kế toán, vật tư, nguyên liệu, hàng hóa, máy móc, thiết bị, tài sản, công nợ... của CTCP Tân Tân.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu