Trung Quốc và Việt Nam cùng "phá giá" tiền: Ngành nào sẽ bị “chịu” trận?

Lợi thế về tỷ giá cũng sẽ giúp các đơn vị Trung Quốc tiếp tục có sức cạnh tranh lớn trong lĩnh vực đấu thầu các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, hiện là một động lực chính đối với tăng trưởng GDP.
Trung Quốc và Việt Nam cùng "phá giá" tiền: Ngành nào sẽ bị “chịu” trận?

Sáng 12/8, Trung Quốc tiếp tục phá giáđồng NDTthêm 1,6%. Như vậy, tính tổng cộng, chỉ trong hai ngày, Trung Quốc đã gây sốc với mức phá giá lên tới 3,5%. Động thái này của Trung Quốc được cho là đã gây sốc khi kéo theo một loạt đồng tiền châu Á chủ chốt khác cũng như chỉ số giá trên thị trường hàng hóa quốc tế sụt giảm.

Trước thực tế đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã quyết định nângbiên độ tỷ giáUSD/VND lên +/-2%.

Ông Nguyễn Việt Đức – Giám đốc phân tích Quỹ SHF cho rằng, động thái linh hoạt trên của NHNN là rất cần thiết bởi vì khi Trung quốc điều chỉnh tỷ giá (đến hôm nay là 3,5%) thì đồng tiền của các quốc gia cạnh tranh xuất khẩu với Việt Nam trong khu vực cũng đồng loạt sụt giảm so với đô la Mỹ.

Cán cân thương mạicủa Việt Nam tính tới tháng 5/2015 cũng đã âm hơn 4 tỷ đô la Mỹ, cao hơn nhiều mức thâm hụt thương mại dự tính cả năm của các tổ chức quốc tế (ví dụ ANZ cho rằng thâm hụt ở mức 0,5% GDP tương đương 1 tỷ USD trong năm 2015).

Nếu không nhanh chóng điều chỉnh tỷ giá, không chỉ hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sẽ gặp bất lợi lớn khi cạnh tranh với Trung Quốc và các quốc gia cạnh tranh xuất khẩu khác, mà hàng hóa tiêu dùng trong nước cũng khó cạnh tranh nổi với hàng nhập khẩu.

Tôi xin nhấn mạnh chúng ta cần chú ý không chỉ tới Trung Quốc mà tới các nước cạnh tranh xuất khẩu khác của Việt Nam.

Đồng tiền của các nước này đã giảm mạnh từ trước khi Trung Quốc phá giá và tiếp tục giảm sau sự kiện trên, đơn cử như giá trị tiền Hàn Quốc đã giảm 16% so với đô la Mỹ trong 1 năm qua, đồng Bạt Thái Lan 11%, đồng Yên Nhật 22%.

Vậy theo ông, điều này sẽ tác động như thế nào đến hoạt động của các DNxuất nhập khẩutrong thời gian tới?

Trước khi Trung Quốc phá giá, đồng Nhân dân tệ đã tăng giá 10% so với đô la Mỹ trong 5 năm qua nhưng bức tranh nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc vẫn ngày một xấu đi, nhập siêu từ Trung Quốc theo thống kê tăng từ 16 tỷ (2012) lên 28.9 tỷ (2014).

Điều này cho thấy hàng hóa của nhiều doanh nghiệp Việt Nam, dù có sự hỗ trợ từ tỷ giá, vẫn không cạnh tranh nổi với hàng hóa Trung Quốc.

Đây là chưa kể tới việc từ 2015, Việt Nam cắt giảm thuế quan cho toàn bộ mặt hàng thuộc danh mục thông thường từ Trung Quốc về 0% theo lộ trình thực thi khu vực mậu dịch tự do Asean - Trung Quốc.

Cụ thể những nhóm ngành nào sẽ bị tác động, thưa ông?

Việt Nam chủ yếu xuất khẩu nông sản, nguyên liệu thô sang Trung Quốc. Với sự đi xuống nói chung của giá nông sản, nguyên liệu thô (nhiều hàng hóa giá ở mức thấp nhất từ 2009), cộng thêm việc Trung Quốc phá giá, tình hình xuất khẩu nông sản với biên lợi nhuận thấp sẽ càng gặp thêm khó khăn.

Lợi thế về tỷ giá cũng sẽ giúp các đơn vị Trung Quốc tiếp tục có sức cạnh tranh lớn trong lĩnh vực đấu thầu các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, hiện là một động lực chính đối với tăng trưởng GDP.

Nhóm ngành du lịch vốn đã bị ảnh hưởng bởi những sự kiện gần đây sẽ tiếp tục gặp khó khăn khi du khách từ Trung Quốc vốn chiếm tỷ lệ cao nhất (năm 2014 có 25% tổng lượng khách du lịch từ nước ngoài) và đồng Nhân dân tệ yếu đi cũng sẽ khiến họ tiếp tục ưu tiên du lịch trong nước hơn du lịch nước ngoài.

Nhóm doanh nghiệp FDI cũng bị ảnh hưởng nặng nề do các doanh nghiệp FDI xuất khấu đi Trung Quốc cũng rất lớn, đặc biệt trong lĩnh vực thiết bị điện tử.

Trong khi đó phần thắng lợi thuộc về những doanh nghiệp nhập khẩu, đặc biệt là các doanh nghiệp nhập khẩu phương tiện vận tải, máy móc thiết bị từ Trung Quốc.

Có ý kiến cho rằng, cùng với hội nhập việc phá giá tiền của Trung Quốc lần này sẽ càng gây áp lực cạnh tranh cho các DN Việt Nam, ông thấy ý kiến này thế nào?

Rõ ràng việc Trung Quốc phá giá không chỉ ảnh hưởng tới lĩnh vực xuất nhập khẩu mà còn gây ảnh hưởng sâu rộng tới nhiều lĩnh vực khác có độ thâm dụng lao động cao và đang là động lực tăng trưởng cho GDP như các doanh nghiệp FDI, ngành xây dựng, du lịch.

Có lẽ vì vậy mà NHNN đã rất nhanh chóng và linh hoạt trong việc điều chỉnh tỷ giá lần này.

Việc hội nhập không chỉ với Trung Quốc mà cả với các quốc gia khác mở ra cơ hội (chỉ đến một lần) cho xuất khẩu và tăng trưởng cho Việt Nam trong những năm tới, nhưng nếu neo tỷ giá không hợp lý và thiếu linh hoạt thì sẽ làm giảm mạnh thậm chí làm phản tác dụng những lợi ích do hội nhập đem lại.

Xin cảm ơn ông!

Theo Trí thức trẻ