Trung Quốc: Tiêu dùng suy giảm, "thời vàng son" của thương mại điện tử đã qua đi?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Doanh số bán hàng trực tuyến tại Trung Quốc sụt giảm do ảnh hưởng từ COVID, thị trường bất động sản và tình trạng thất nghiệp.

Untitled.png
Sức ép kinh tế đang làm giảm nhu cầu mua sắm trực tuyến ở Trung Quốc (Ảnh: Getty)

Những lễ hội mua sắm ảm đạm

Lễ hội mua sắm của Trung Quốc, hay còn được gọi là "618" (ngày 18/6), là một sự kiện kéo dài suốt một tuần, đang gây thất vọng cho các nhà bán lẻ khi khách hàng ngày càng tiết kiệm hơn trong bối cảnh thu nhập trì trệ và nền kinh tế suy thoái.

Từng là sự kiện diễn ra chỉ trong một ngày 18/6, giờ đây “618” đã trở thành sự kiện mua sắm trực tuyến lớn ở Trung Quốc. Nhưng trong bối cảnh tài chính hộ gia đình vẫn đang trong quá trình phục hồi sau đại dịch, tỷ lệ thất nghiệp ở người trẻ cao kỷ lục và ngành bất động sản đang gặp khó khăn, người tiêu dùng trên khắp cả nước nói rằng dù cho các nền tảng thương mại điện tử có thuyết phục họ chi tiền như thế nào, họ cũng không bị cám dỗ.

“Các lễ hội mua sắm hiện nay ngày càng kéo dài hơn, và tôi ngày càng mệt mỏi với chúng. Mua sắm quá nhiều thứ chỉ làm chật nhà và tốn tiền của tôi”, Nicole Liu, quản lý của một công ty thương mại điện tử có trụ sở tại Thượng Hải, nói.

“Nhiều người quanh tôi đang đối diện với sức ép tài chính ngày càng lớn và không sẵn sàng chi tiền, mặc dù họ có đủ tiền tiết kiệm. Tôi có 2 người bạn do thu nhập gia đình giảm mà phải chuyển con cái sang trường có mức học phí phù hợp hơn”, Liu nói thêm.

1.png
Nhiều người đi qua một biển hiệu quảng cáo cho sự kiện "618" (Ảnh: Getty)

Trong năm nay, sự kiện "618" được khởi xướng bởi JD.com, một nền tảng bán lẻ trực tuyến hàng đầu, nhằm cạnh tranh với lễ hội mua sắm "Ngày độc thân" của Alibaba. Đây là sự kiện mua sắm lớn đầu tiên diễn ra sau khi Trung Quốc dỡ bỏ các lệnh hạn chế do đại dịch COVID-19. Tài chính hộ gia đình đã trải qua giai đoạn khó khăn trong thời gian dịch bệnh, và sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc sau khi mở cửa trở lại đã chậm hơn so với kỳ vọng, dẫn đến sự suy giảm chi tiêu tiêu dùng.

Hầu hết các nền tảng thương mại điện tử dự kiến sẽ không tiết lộ công khai giá trị tổng hàng hoá giao dịch (GMV) của họ. Trong năm ngoái, cả Alibaba và JD đều không công bố GMV trong "Ngày độc thân" vào tháng 11, một động thái mà nhiều nhà quan sát coi là tín hiệu cho thấy kỷ nguyên vàng của hoạt động mua sắm tại Trung Quốc có thể đã kết thúc.

Năm nay, Alibaba, sở hữu các nền tảng thương mại điện tử Tmall và Taobao, thậm chí đã cảnh báo các công ty dữ liệu về "hậu quả" của việc công bố rộng rãi GMV của họ, theo thông tin từ Nikkei Asia. Có những người cho rằng Tmall đã tăng cường nỗ lực chống lại việc quét website của họ. "Có vẻ như doanh số bán hàng năm nay là một vấn đề đặc biệt nhạy cảm", một trong số các công ty dữ liệu cho biết.

2.png
Tăng trưởng tiền gửi và thu nhập của hộ gia đình Trung Quốc (Ảnh: Hang Seng)

Người tiêu dùng không dám chi tiền

Nhiều nhà kinh tế coi tình trạng tiêu thụ yếu như một lực chính đẩy khiến nền kinh tế Trung Quốc trì trệ, mặc dù người dân vẫn có tiền để chi tiêu.

“Tiền gửi tiết kiệm của các hộ gia đình ở mức cao lịch sử. Điều đó có nghĩa rằng họ không muốn dùng tiền gửi trong tài khoản ngân hàng để chi tiêu hay mua bất động sản,” Dong Chen, giám đốc nghiên cứu vĩ mô châu Á đến từ hãng Pictet Wealth Management, nhận định. “Chúng tôi nhận thấy tình trạng thiếu niềm tin phủ rộng, chứ không chỉ trong mảng bán lẻ”.

Cuộc cạnh tranh khuyến mãi đã trở nên sôi động hơn trong năm nay, khi các nền tảng tập trung vào giá cả hấp dẫn. Alibaba và JD.com đều cam kết "đầu tư kỷ lục" vào việc giảm giá để phục vụ người tiêu dùng. Nhiều nền tảng khác cũng tham gia cuộc đua trong năm nay, bởi các mạng xã hội như Xiaohongshu và WeChat đặt cược vào sự bùng nổ của bán hàng trực tiếp qua livestream.

Năm nay đánh dấu kỷ niệm 20 năm thành lập của JD.com, và nhà bán lẻ trực tuyến này đã tăng cường các hoạt động quảng bá. Tuy nhiên, do bối cảnh vĩ mô đầy thách thức, sự thận trọng trong việc chi tiêu và sự cạnh tranh khốc liệt, nhà phân tích Alicia Yap từ Citi dự báo rằng JD.com sẽ chỉ đạt mức tăng trưởng GMV từ 2-5% so với cùng kỳ năm trước. Trong năm 2022, JD.com báo cáo tổng GMV đạt 379,3 tỷ NDT (53 tỷ USD) trong mùa mua sắm kéo dài 18 ngày, tăng 10% so với năm trước đó.

3.png
Doanh thu bán hàng trực tuyến tại Trung Quốc (Ảnh: Citi)

Zhang Yi, chuyên gia phân tích đến từ hãng iiMedia Research trụ sở tại Quảng Châu, cho hay tác động của COVID đối với sức mua của người tiêu dùng vẫn có thể cảm nhận được, và nhiều người vẫn thận trọng trong chi tiêu.

"Thêm vào đó, hầu hết mọi người không còn tập trung vào một mùa lễ hội thương mại điện tử cụ thể, vì mua sắm trực tuyến đã trở nên rất đa dạng và phổ biến", ông nói. "Một số doanh nghiệp cũng do dự trong việc triển khai chiến dịch quảng cáo trong các mùa lễ hội mua sắm như thế này."

Đà phục hồi chậm của Trung Quốc

Trung Quốc hiện đang trong quá trình chuyển dịch từ tăng trưởng dựa vào xuất khẩu và đầu tư bất động sản sang tăng trưởng dựa vào tiêu dùng, tuy nhiên tiêu thụ nội địa lại giảm trong suốt 3 năm qua. Khi nhu cầu bên ngoài tiếp tục giảm và căng thẳng địa chính trị gia tăng, việc thúc đẩy nhu cầu trong nước để duy trì đà tăng trưởng càng quan trọng hơn bao giờ hết đối với Trung Quốc.

Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang dần phục hồi trong năm nay, nhưng điều đó lại dựa trên một nền tảng không vững chắc khi mà hàng chục thành phố - đặc biệt là trung tâm tài chính Thượng Hải – từng bị đặt trong lệnh phong toả kéo dài trong năm ngoái.

Đà phục hồi cũng không đồng đều, khi chỉ có ngành dịch vụ với mức tăng trưởng 5,4% là vượt đà tăng trưởng GDP trong quý đầu tiên. Một số thông tin xấu xuất hiện trong hôm thứ Năm vừa qua, khi Trung Quốc công bố dữ liệu kinh tế đáng thất vọng của tháng 5, cho thấy tỷ lệ thất nghiệp ở người trẻ đã đạt mức cao kỷ lục và doanh số bán không đạt kỳ vọng.

Mặc dù sự phục hồi nhanh chóng của các dịch vụ trực tiếp trở thành động lực chính của đà phục hồi Trung Quốc giai đoạn hậu COVID trong năm nay, nhưng tốc độ phục hồi chậm chạp của lĩnh vực bất động sản, đà suy thoái toàn cầu và xung đột địa chính trị gia tăng đã gây ra nhiều thách thức lớn trong việc duy trì đà phục hồi của Trung Quốc; theo Ting Lu, kinh tế trưởng khu vực Trung Quốc đến từ hãng Nomura.

4.png
Một nhân viên bán hàng quảng bá sản phẩm trong "Ngày độc thân" ở Thượng Hải, tháng 11/2022 (Ảnh: Jiji)

Trong lúc Bắc Kinh đặt an ninh quốc gia lên trên hầu hết các mục tiêu chính sách khác, các nhà hoạch định chính sách khó có thể đạt được sự đồng thuận về kích thích kinh tế, ông Lu nói thêm.

Tuy nhiên, ngay cả khi ngành dịch vụ phục hồi khá nhanh, dấu hiệu của sự suy giảm tiêu dùng vẫn rõ rệt. Ví dụ, trong kỳ nghỉ lễ Tuần lễ Vàng kéo dài 5 ngày vào tháng 5 vừa qua, ngành du lịch tại Trung Quốc vượt qua mức hoạt động trước đại dịch lần đầu tiên. Tuy nhiên, tăng trưởng doanh thu của các nhà bán lẻ lớn và doanh nghiệp thực phẩm chỉ tăng 18,9% và 57,9% tương ứng so với năm trước, nhưng cần lưu ý rằng con số này so sánh với mức rất thấp trong giai đoạn Thượng Hải bị phong toả.

Dù Tuần lễ Vàng ghi nhận mức tăng 19,1% trong số lượng chuyến du lịch trên toàn quốc so với năm 2019, tổng doanh thu chỉ tăng 0,66% so với mức trước đại dịch. Điều này cho thấy du khách chi tiêu ít hơn đáng kể trong các chuyến du lịch nội địa trong năm nay.

Tao Wang, kinh tế trưởng tại UBS, nói rằng tốc độ phục hồi trong tiêu thụ của Trung Quốc dự kiến sẽ diễn ra dần dần và được thúc đẩy bởi dịch vụ, trong khi nhu cầu các hàng hoá đắt đỏ như đồ nội thất và thiết bị gia dụng sẽ yếu bởi chúng liên quan tới thị trường bất động sản.

"Chúng tôi kỳ vọng rằng số tiền tiết kiệm dư thừa của người dân sẽ được tiêu dùng một cách chậm rãi và dần dần khi niềm tin của họ được cải thiện.", bà nói.

5.png
Chỉ số niềm tin của người tiêu dùng theo tháng của Trung Quốc (Ảnh: Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc)

Tỷ lệ thất nghiệp ở người trẻ cao kỷ lục

Một vấn đề thách thức khác của nền kinh tế Trung Quốc chính là thị trường việc làm.

Trong vòng 2 năm qua, chính quyền Bắc Kinh đã tiến hành kiểm soát nghiêm ngặt các doanh nghiệp công nghệ, đồng thời, tác động của đại dịch cũng khiến nhiều tập đoàn công nghệ Trung Quốc phải sa thải hàng nghìn nhân viên và tìm kiếm nguồn lao động giá rẻ để giảm chi phí.

“Kể từ đại dịch COVID-19, tốc độ tăng thu nhập đã chậm lại 'vĩnh viễn' do đà tăng trưởng kinh tế chậm hơn và viễn cảnh ảm đạm trong những năm tới. Điều này dẫn đến sự suy giảm trong tiêu dùng bởi nó gắn liền với thu nhập”, Dan Wang, kinh tế trưởng đến từ ngân hàng Hang Seng Trung Quốc, nói.

Wang nói thêm rằng việc làm bấp bênh cũng khiến nhiều người không muốn đầu tư vào nhà ở hay chi tiêu tiêu dùng hàng ngày.

Những người lao động thuộc tầng lớp trung lưu làm việc tại những tập đoàn công nghệ không phải là nhóm người duy nhất bị mất việc. Tỷ lệ thất nghiệp ở người trẻ đã tăng đến mức kỷ lục là hơn 20%, đồng nghĩa với việc 6,5 triệu người trong độ tuổi 16 – 24 ở nước này đang thất nghiệp.

Nhiều người phải chuyển sang tìm kiếm những công việc tạm thời để trang trải cho cuộc sống. Số lượng người đăng ký làm tài xế cho nền tảng giao đồ ăn lớn nhất Trung Quốc, Meituan, đã tăng thêm 1 triệu lên 6,24 triệu trong năm 2022; trong khi trước đó chỉ tăng 570.000 trong năm 2021 và 710.000 trong năm 2020.

Số lượng người đăng ký làm tài xế cho các hãng gọi xe cũng tăng đột biến. Tại thời điểm cuối tháng 4, có 5,41 triệu người đăng ký, tăng 60% so với 2 năm trước. Tuy nhiên, nhu cầu gọi xe lại tăng trưởng chậm trong cùng giai đoạn.

Trung Quốc đã đặt mục tiêu tăng trưởng GDP "khoảng 5%" trong năm nay. Tuy nhiên, để đạt được tốc độ tăng trưởng tiềm năng 5,5%, việc tăng cường tiêu dùng ít nhất là 6,36% sẽ không phải là nhiệm vụ dễ dàng, theo Giáo sư kinh tế Yao Yang từ Đại học Peking.

Ông Yao cho biết, ngay cả khi có sự củng cố niềm tin của người tiêu dùng và ổn định trong lĩnh vực bất động sản, cũng không đảm bảo đạt được mức độ tiêu thụ nội địa như mong đợi.

Còn đối với các lễ hội mua sắm trực tuyến, kể cả khi nền kinh tế Trung Quốc phục hồi dần dần, thói quen mua sắm của người tiêu dùng cũng đã thay đổi và không có gì bảo đảm rằng nó sẽ trở lại như cũ. Thời kỳ vàng son của mua sắm trực tuyến có thể đã qua./.

Theo Nikkei Asia