Cách đây 20 năm, nền kinh tế của Trung Quốc chỉ bằng 14% nền kinh tế Mỹ (theo tỷ giá hối đoái thị trường). Nhưng không quá sớm để các nhà kinh tế học bắt đầu đặt câu hỏi về thời điểm mà Trung Quốc vượt qua Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới. Trong một bản nghiên cứu tạo được tiếng vang xuất bản năm 2003, ngân hàng Goldman Sachs đã đưa ra dự báo rằng năm mà nền kinh tế Trung Quốc vượt qua Mỹ là 2041.
Vào thời điểm xảy ra khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2009, dự báo như vậy có vẻ còn khiêm tốn. Khoảng cách giữa Trung Quốc và Mỹ giờ được thu hẹp nhanh hơn so với dự kiến, nguyên nhân là do sự chao đảo của nước Mỹ, đà tăng trưởng kinh tế bền bỉ của Trung Quốc và sự tăng giá đều đặn của đồng NDT.
Vào năm 2010, GDP của Trung Quốc đã bằng 40% của Mỹ. Goldman Sachs do đó đã cập nhật lại thời điểm mà nền kinh tế Trung Quốc vượt qua Mỹ, từ đầu dự báo ban đầu sẽ xảy ra vào những năm 2040 xuống cuối những năm 2020.
Tờ The Economist thậm chí còn ít thận trọng hơn. Trong năm đó, họ tạo ra một biểu đồ tương tác, cho phép người đọc tự đưa ra dự báo riêng của họ về thời điểm mà Trung Quốc vượt mặt Mỹ, dựa trên các giả định của độc giả về đà tăng trưởng, lạm phát và tỷ giá hối đoái. Kết quả tổng hợp giả định cho thấy thời điểm nền kinh tế Trung Quốc vượt Mỹ có thể đến rất sớm, năm 2019.
Nhưng 5 năm sau, kết quả đó dường như trở nên ngớ ngẩn – không chỉ bởi đà tăng trưởng của Trung Quốc gây thất vọng cho các chuyên gia kinh tế, mà còn bởi tỷ giá hối đoái, được điều chỉnh theo lạm phát, đã đột ngột ngừng tăng.
Trung Quốc đã phá giá đồng NDT vào năm 2015, khiến cho các nhà đầu tư sợ hãi do lo ngại rằng đồng tiền này tiếp tục giảm. Ngày mà người ta dự đoán Trung Quốc sẽ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới đã lùi xa. Cuối năm 2015, hãng Economist Intelligence Unit (EIU) dự báo rằng Trung Quốc sẽ không thể vượt qua Mỹ cho đến năm 2032, tức muộn hơn 8 năm so với dự báo mà họ đưa ra trước đó 12 tháng.
Sự trì hoãn này thậm chí còn khiến nhiều người đặt nghi vấn rằng liệu có khi nào nền kinh tế Trung Quốc vượt được Mỹ hay không.
Trong năm nay, nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng với tốc độ thường niên là 4,5% trong quý đầu, được thúc đẩy bởi việc gỡ bỏ các lệnh hạn chế do COVID.
Tuy nhiên, nhiều tín hiệu mới đây cho thấy sự hồi sinh này đang suy giảm. Doanh số bán lẻ chỉ tăng 0,5% trong tháng 4, so với tháng trước đó. Hàng loạt dữ liệu về sản lượng sản xuất, xuất khẩu và đầu tư đều thấp hơn so với kỳ vọng của các chuyên gia kinh tế.
Hơn 1/5 số người trẻ trong độ tuổi 16 – 24 ở Trung Quốc thất nghiệp, theo dữ liệu trong tháng 4. Các công ty thương mại điện tử Alibaba và JD.com báo cáo doanh thu ảm đạm trong quý đầu năm. Chỉ số Hang Seng của Hong Kong giảm 5,2% từ đầu năm đến nay, trong khi đồng NDT suy yếu so với đồng USD.
Trung Quốc có thể đóng góp ít hơn cho đà tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm nay, thấp hơn kỳ vọng của nhiều lãnh đạo doanh nghiệp, khiến cho nước này kém quan trọng hơn đối với một số công ty nước ngoài, và khó có khả năng để vượt Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới.
“Đà tăng trưởng đáng thất vọng ngày hôm nay thực sự cho thấy rằng một số trở lực mang tính cấu trúc đã xuất hiện”, Frederic Neumann, Kinh tế trưởng khu vực châu Á đến từ HSBC, nhận định.
Đà tăng trưởng sản lượng của Trung Quốc đã chậm lại, trong khi tình hình nhân khẩu học cũng thay đổi.
Lực lượng lao động của Trung Quốc hiện đã thu nhỏ, và sự suy giảm này còn có khả năng tăng tốc trong nhiều thập kỷ tới. LHQ dự báo rằng dân số ở độ tuổi 15 – 64 của Trung Quốc sẽ giảm hơn 100 triệu người trong những năm 2030. Nếu GDP của Trung Quốc không vượt được Mỹ vào giữa thập kỷ đó, thì có khả năng sẽ không bao giờ vượt được nữa, theo hãng nghiên cứu Capital Economics.
Tuy nhiên dự báo này có vẻ quá bi quan. Nhiều tổ chức dự báo khác – như OECD, Viện Lowy, và Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh (CEBR) – đều dự báo rằng GDP của Trung Quốc sẽ vượt qua Mỹ tại một thời điểm nào đó trong những năm 2030. Ví dụ, EIU hiện tại cho rằng nó sẽ xảy ra vào năm 2039. Dự báo rằng rất sát với thời điểm mà Goldman Sachs đưa ra ban đầu, cách đây 20 năm.
Nền kinh tế Trung Quốc đã trải qua nhiều thăng trầm trong suốt 2 thập kỷ qua. Kết quả là, kỳ vọng về nền kinh tế của họ đã khá đa dạng. Theo giới chuyên gia, tương lai đôi khi dễ quan sát hơn khi nhìn từ xa./.
Trung Quốc: thị trường bất động sản cực kỳ khó khăn, giá nhà giảm sâu không ai mua
Xuất khẩu của Trung Quốc suy giảm trong tháng 5, khó lấy đà phục hồi mạnh mẽ
Cơn sốt AI tại Trung Quốc: Các công ty công nghệ chạy đua phát triển công cụ tương tự ChatGPT
Theo The Economist
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu