Báo Caixin (Trung Quốc) ngày 4-4 dẫn lời một quan chức ngân hàng giấu tên cho biết, quy mô đợt thí điểm đầu tiên “chuyển nợ thành cổ phần” là 1.000 tỉ nhân dân tệ, tương đương khoảng 155 tỉ đô la Mỹ, thực hiện trong 3 năm hoặc ngắn hơn.
Đối tượng tập trung trong đợt thí điểm này là các doanh nghiệp có giá trị tiềm năng, đang khó khăn tạm thời, chủ yếu là các doanh nghiệp nhà nước. Như vậy, các khoản nợ chuyển thành cổ phần có cả các khoản vay thông thường, chứ không chỉ là nợ xấu.
Cảnh báo nền kinh tế ngập trong nợ
Hiện, tỷ lệ nợ của các doanh nghiệp Trung Quốc so với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đang ở mức 180%. Trong khi đó, nợ công và nợ của hộ gia đình đã vượt quá ngưỡng 250% GDP. Theo các chuyên gia, tỷ lệ trên quá cao so với tiêu chuẩn của một nền kinh tế mới nổi.
Tuy nhiên, PBoC vẫn khuyến khích cho vay. Kể từ tháng 11-2014, PBoC đã cắt giảm lãi suất cho vay 6 lần, bên cạnh việc giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc của ngân hàng.
Tại Diễn đàn phát triển Trung Quốc mới đây, Thống đốc PBoC Chu Tiểu Xuyên cho rằng tỷ lệ nợ trên GDP đã vượt ra khỏi vòng kiểm soát. Ông Chu cảnh báo cho vay doanh nghiệp và các loại nợ khác đang ở mức quá cao sẽ gây rủi ro cho nền kinh tế vĩ mô.
Tỷ lệ nợ xấu ngân hàng tăng lên trên 2%
Tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng đang gia tăng nhanh chóng. Caixin cho biết tính đến cuối tháng 2-2016, số dư nợ xấu của các ngân hàng và tổ chức tài chính là hơn 2.000 tỉ nhân dân tệ - tăng gần 150 tỉ nhân dân tệ so với đầu năm và tăng gần 35% so với cùng kỳ năm ngoái; tỷ lệ nợ xấu là 2,08%.
Trong số đó, tính đến cuối tháng 2-2016, dư nợ xấu của các ngân hàng thương mại đạt gần 1.400 tỉ nhân dân tệ - tăng gần 120 tỉ nhân dân tệ so với đầu năm và tăng khoảng 45% so với cùng kỳ năm ngoái; tỷ lệ nợ xấu là 1,83% - tăng 0,1 điểm phần trăm so với đầu năm.
Các khoản nợ có vấn đề “được đề cập đặc biệt” lên đến khoảng 3.000 tỉ nhân dân tệ - tăng khoảng 35% so với cùng kỳ năm ngoái. Các doanh nghiệp nhà nước vỡ nợ từng xuất hiện trong danh sách các khoản nợ có vấn đề “được đề cập đặc biệt”, chẳng hạn như vụ việc được thông tin gần đây: tập đoàn Gang thép Bột Hải nợ gần 200 tỉ nhân dân tệ.
Chính vì vậy, Trung Quốc quyết định thí điểm việc cho phép các ngân hàng thương mại đổi nợ lấy cổ phần trong chính công ty mắc nợ - theo Epochtimes.
Ý kiến ủng hộ và phản đối
Bình luận về việc "chuyển nợ thành cổ phần", một số ý kiến cho rằng biện pháp này sẽ giúp các doanh nghiệp giảm tỷ lệ đòn bẩy (tỷ lệ vốn vay so với vốn chủ sở hữu), giảm chi phí trả lãi và tăng khả năng vay vốn mới. Biện pháp này cũng sẽ giảm tỷ lệ nợ xấu tại các ngân hàng và giảm số tiền mặt ngân hàng phải trích lập dự phòng. Đây là giải pháp hữu hiệu trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc găp nhiều khó khăn, nợ xấu tiếp tục tăng cao khiến lực đẩy của nền kinh tế giảm sút.
Tuy nhiên, một số ý kiến khác trong ngành ngân hàng đánh giá đằng sau việc “chuyển nợ thành cổ phần” không chỉ liên quan đến các vấn đề pháp lý và đạo đức, mà còn làm cho tiền tệ siêu phát và cuối cùng người dân phải trả giá. Ngoài ra, biện pháp này sẽ tích lũy những rủi ro tài chính mang tính hệ thống.
Chính phủ Mỹ từng có chương trình giải quyết nợ xấu gọi tắt là TARP với giá trị lên tới 418 tỉ đô la Mỹ dành cho các ngân hàng, các hãng ô tô và nhiều doanh nghiệp khác trong suốt cuộc khủng hoảng tài chính. 19 ngân hàng lớn nhất bị buộc phải trải qua các bài kiểm tra căng thẳng và nâng vốn dự trữ để có thể chịu đựng được những thiệt hại nếu một cuộc suy thoái khác nổ ra. Hầu hết ngân hàng đã hồi phục sau khi được hỗ trợ hàng tỉ đô la Mỹ tiền vốn. Phần lớn các ngành công nghiệp hàng đầu của Mỹ sau khi được hỗ trợ cũng nhanh chóng phục hồi, chẳng hạn như ngành công nghiệp ô tô. Dù về tổng thể được đánh giá là thành công nhưng TARP cũng vướng phải một số ý kiến chỉ trích, trong số đó là chương trình này đã đổ quá nhiều tiền với các doanh nghiệp được cứu trợ, làm trầm trọng thêm vấn đề rủi ro đạo đức. Trong khi đó, ở thị trường nhà đất, gói cứu trợ này không giải quyết được nhiều…
Theo TBKTSG