Trung Quốc thay đổi tên gọi bệnh và điều chỉnh chính sách phòng chống COVID-19 từ đầu năm 2023

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Trung Quốc thay đổi tên gọi bệnh và điều chỉnh chính sách phòng chống dịch COVID-19 kể từ ngày 8/1/2023. Đây là một điều chỉnh lớn trong chính sách phòng chống và kiểm soát dịch bệnh của nước này.
Kể từ ngày 8/1/2023, Trung Quốc sẽ mở cửa biên giới và bãi bỏ các biện pháp chống dịch nghiêm ngắt tại các cửa khẩu (Ảnh: CNS).
Kể từ ngày 8/1/2023, Trung Quốc sẽ mở cửa biên giới và bãi bỏ các biện pháp chống dịch nghiêm ngắt tại các cửa khẩu (Ảnh: CNS).

Theo Tân Hoa xã ngày 26/12, Ủy ban Y tế và Sức khỏe Quốc gia cùng ngày đã ban hành một thông báo, đổi tên bệnh Viêm phổi cấp do SARS-CoV-2 (COVID-19) thành Nhiễm coronavirus mới (SARS-CoV-2). Theo thông báo, được sự phê chuẩn của Quốc Vụ viện, bắt đầu từ ngày 8/1/2023, phương án phòng chống dịch sẽ chuyển từ “Giáp loại Ất quản” (Bệnh truyền nhiễm loại B thực hiện biện pháp phòng ngừa và kiểm soát theo bệnh truyền nhiễm loại A) sang “Ất loại Ất quản” (Bệnh loại B phòng ngừa và kiểm soát theo bệnh truyền nhiễm loại B).

Theo đó, từ ngày 8/1/2003, các biện pháp áp dụng đối với COVID-19 như bệnh truyền nhiễm loại A được quy định trong "Luật của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về Phòng ngừa và Kiểm soát Bệnh truyền nhiễm" sẽ được dỡ bỏ; người nhiễm SARS-CoV-2 sẽ không còn được đưa vào quản lý kiểm dịch các bệnh truyền nhiễm được quy định trong Luật Kiểm dịch và Y tế Biên giới của Trung Quốc nữa. Nói cách khác, Trung Quốc sẽ mở cửa biên giới trở lại sau 3 năm đóng cửa vì dịch COVID-19.

Từ ngày 8/1/2023, người nước ngoài nhập cảnh Trung Quốc không cần quét mã QR sức khỏe và cách ly nữa (Ảnh: CNS).

Từ ngày 8/1/2023, người nước ngoài nhập cảnh Trung Quốc không cần quét mã QR sức khỏe và cách ly nữa (Ảnh: CNS).

Cùng ngày, Cơ chế Liên phòng kiểm soát và phòng ngừa tổng hợp của Quốc Vụ viện Trung Quốc đã ban hành "Kế hoạch tổng thể về việc thực hiện ‘Ất loại Ất quản’ đối với người Nhiễm SARS-CoV-2". Bản Kế hoạch chỉ ra rằng sau khi đánh giá toàn diện các yếu tố như đột biến virus, tình hình dịch bệnh và nền tảng phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh, đã có đủ các điều kiện cơ bản để điều chỉnh tình trạng lây nhiễm dịch bệnh từ "loại B kiểm soát A" thành "loại B kiểm soát B”.

Theo Kế hoạch, từ ngày 8/1/2023, "loại B kiểm soát B” sẽ được triển khai đối với các trường hợp nhiễm SARS-CoV-2. Theo Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, các biện pháp cách ly sẽ không còn được thực hiện đối với những người bị nhiễm SARS-CoV-2, sẽ không còn tiến hành xác định những người tiếp xúc gần; sẽ không còn phân định các khu vực nguy cơ cao và thấp; các bệnh nhân Nhiễm SARS-CoV-2 sẽ được điều trị theo các cấp độ khác nhau và các chính sách bảo hiểm y tế sẽ được điều chỉnh kịp thời; chiến lược xét nghiệm điều chỉnh từ xét nghiệm toàn dân, phân cấp phân loại điều trị thành "muốn xét nghiệm thì xét nghiệm"; điều chỉnh tần suất và nội dung công bố thông tin về dịch bệnh. Theo Luật Kiểm dịch và Y tế biên giới, sẽ không áp dụng các biện pháp kiểm dịch và quản lý bệnh truyền nhiễm đối với người và hàng hóa nhập cảnh nữa.

Số người nhiễm SARS-CoV-2 phải nhập viện điều trị đang gia tăng (Ảnh: Creaders).

Số người nhiễm SARS-CoV-2 phải nhập viện điều trị đang gia tăng

(Ảnh: Creaders).

"Những người đến Trung Quốc phải trải qua xét nghiệm axit nucleic 48 giờ trước khi khởi hành. Những người có kết quả âm tính có thể đến Trung Quốc mà không cần xin mã QR sức khỏe từ đại sứ quán hoặc lãnh sự quán của Trung Quốc ở nước ngoài", tài liệu viết. “Những người có khai báo sức khỏe bình thường và không có dấu hiệu bất thường trong quá trình kiểm dịch định kỳ tại hải quan cửa khẩu có thể được tự do ra ngoài xã hội”.

Tài liệu cũng yêu cầu các địa phương "tối ưu hóa hơn nữa các sắp xếp cho công dân nước ngoài đến Trung Quốc, chẳng hạn như nối lại công việc và sản xuất, kinh doanh, học tập, thăm thân, đoàn tụ, v.v. và khôi phục lại từng bước việc du lịch nước ngoài của công dân Trung Quốc”.

Ông Lương Vạn Niên, Tổ trưởng lãnh đạo chống dịch của Ủy ban Sức khỏe và Y tế Quốc gia Trung Quốc khẳng định, sự điều chỉnh chống dịch này không phải là bỏ mặc không quản nữa. Sau khi thực hiện "bệnh loại B kiểm soát kiểu B", mục tiêu của công tác phòng chống dịch bệnh của Trung Quốc sẽ tập trung vào "bảo vệ sức khỏe và phòng chống chứng nặng", đồng thời thực hiện các biện pháp tương ứng để bảo vệ tính mạng và sức khỏe của người dân ở mức tốt nhất, hạn chế tối đa tác động của dịch bệnh đến việc phát triển kinh tế, xã hội.

Ông Lương Vạn Niên: "Sự điều chỉnh chống dịch không phải là bỏ mặc không quản nữa" (Ảnh: CCTV).

Ông Lương Vạn Niên: "Sự điều chỉnh chống dịch không phải là bỏ mặc không quản nữa" (Ảnh: CCTV).

Giới quan sát quốc tế đánh giá, đây là một bước nới lỏng khác các biện pháp quản lý dịch bệnh nghiêm ngặt kể từ khi Trung Quốc kết thúc chính sách "Zero Covid" hồi đầu tháng 12.

Trên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc và các phương tiện truyền thông xã hội khác, công chúng đã phát biểu các ý kiến ​​trái chiều về quyết định của chính phủ chấm dứt việc cách ly du khách nước ngoài nhập cảnh. Nhiều cư dân mạng hoan nghênh việc chấm dứt ba năm phong tỏa nhập cảnh. Nhưng cũng có những ý kiến lo ngại rằng điều này sẽ khiến virus từ nước ngoài vào Trung Quốc, làm trầm trọng thêm tình hình dịch bệnh.

Trong ba tuần qua, sự bùng phát đột ngột của số người bị lây nhiễm virus ở Trung Quốc và tình trạng thiếu thuốc chữa bệnh đã khiến nhiều người đặt câu hỏi về chính sách mở cửa trong chống dịch của chính quyền, thậm chí một số người ủng hộ mở cửa còn chỉ trích chính phủ mở cửa quá nhanh và thiếu sự chuẩn bị. Vào cuối tuần trước, Trung Quốc tuyên bố sẽ ngừng công bố số liệu về dịch hàng ngày. Trước đó, chính phủ Trung Quốc không còn yêu cầu tất cả công dân phải xét nghiệm axit nucleic và số ca nhiễm bệnh được công bố hàng ngày không còn có thể phản ánh tình hình thực tế về sự lây lan của bệnh dịch hiện nay trên cả nước.

Người dân bị sốt quá nhiều phải xếp hàng chờ truyền dịch ngoài sân bệnh viện (Ảnh: Creaders),

Người dân bị sốt quá nhiều phải xếp hàng chờ truyền dịch ngoài sân bệnh viện (Ảnh: Creaders),

Thông báo này đã gây ra nhiều phản ứng tích cực trên mạng Internet Trung Quốc, với những ý kiến như "Thật tuyệt vời". Theo tờ “Tân Kinh báo”Tài Liên Xã (Financial Associated Press), số liệu từ trang web du lịch Trung Quốc "Ctrip.com" cho thấy sau khi Ủy ban Sức khỏe và Y tế Quốc gia ban hành chính sách mới, các tìm kiếm ở Ma Cao, Hồng Kông, Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc, Hoa Kỳ và những nơi khác đã tăng lên nhanh chóng và các lượt tìm kiếm trong nước liên quan đến các chuyến du lịch nước ngoài và theo nhóm trong dịp Tết Quý Mão tăng gấp sáu lần.

"Cuối cùng cũng tỉnh dậy sau cơn ác mộng dài đằng đẵng", một cư dân mạng bình luận. "Một kỷ nguyên lố bịch cuối cùng cũng kết thúc", một bình luận khác viết.

Kể từ khi đột ngột nới lỏng vào đầu tháng, tốc độ và phạm vi lây nhiễm của dịch COVID-19 đã gây khó khăn cho việc tìm kiếm các loại thuốc như thuốc hạ sốt để giảm các triệu chứng. Các phòng khám sốt, khoa cấp cứu, khoa hồi sức tích cực của các bệnh viện các nơi đều quá tải bệnh nhân, nhân viên y tế quá tải nghiêm trọng, không thể ứng phó. Hãng thông tấn AP và các nhà báo nước ngoài khác ở Trung Quốc đưa tin một số lò hỏa táng ở Trung Quốc cũng chứng kiến ​​sự gia tăng đáng kể về số lượng người chết được hỏa táng mỗi ngày.

Tài liệu do Ủy ban Y tế và Sức khỏe Quốc gia Trung Quốc ban hành hôm 26/12 cũng đưa ra các yêu cầu để giải quyết những vấn đề này, bao gồm yêu cầu chính quyền địa phương cải thiện việc chuẩn bị và phân phối thuốc, các bệnh viện địa phương tăng cường đầu tư vào các nguồn lực y tế; các viện dưỡng lão và tổ chức phúc lợi thực hiện "biện pháp quản lý khoanh vùng nội bộ", khi dịch bệnh nghiêm trọng, "sẽ áp dụng kịp thời quản lý khép kín sau khi đánh giá khoa học."

Trong khi nhiều cư dân mạng ăn mừng việc tự do xuất nhập cảnh, một số người cũng nhắc nhở rằng thiệt hại do phong tỏa gây ra cho người dân trong ba năm qua là không thể đảo ngược.

Vào tháng 3 năm nay, tình trạng thiếu nguồn cung cấp và người dân không thể nhận được hỗ trợ y tế kịp thời khi Thượng Hải đóng cửa đã gây ra sự phẫn nộ trên Internet Trung Quốc. Hồi tháng 9, 27 hành khách đã thiệt mạng khi một chiếc xe buýt ở Quý Châu, chở những người đi cách ly, bị lật và trở thành nguyên nhân khiến công chúng phản đối việc phong tỏa. Tháng trước, một vụ cháy chung cư ở Urumqi không được dập tắt kịp thời khiến ít nhất 10 người thiệt mạng và làm bùng phát các cuộc biểu tình phản đối phong tỏa khắp Trung Quốc.

Nhiều địa phương tổ chức phát thuốc hạ sốt và điều trị Nhiễm SARS-CoV-2 cho dân chúng (Ảnh: CNS).

Nhiều địa phương tổ chức phát thuốc hạ sốt và điều trị Nhiễm SARS-CoV-2 cho dân chúng (Ảnh: CNS).

Việc chính quyền tích cực tuyên truyền về “Zero Covid” và nêu bật sự nguy hiểm của SARS-CoV-2 trong 3 năm qua đã khiến nhiều cư dân mạng ủng hộ việc kiểm soát chặt cảm thấy khó chịu và phẫn nộ với việc mở cửa đột ngột này. Họ lo ngại việc Trung Quốc mở cửa trở lại vào đầu năm sau sẽ làm trầm trọng thêm dịch bệnh hiện nay.

"Một loạt các biến chủng virus sẽ ập đến," một cư dân mạng viết.

Đối với sách lược hạ cấp phản ứng đối với sự lây nhiễm dịch bệnh, tức là điều chỉnh từ "loại B kiểm soát A" thành "loại B kiểm soát B”, nhiều cư dân mạng gọi đó là "bịt tai trộm chuông", "trị chứng chứ không trị tận gốc".

Mặc dù họ không trực tiếp phê phán chính phủ, nhưng nhiều người theo chủ nghĩa dân tộc và ủng hộ việc phong tỏa, là một trong những nhóm tích cực nhất trong việc tấn công chính sách nới lỏng trong vài tuần qua. Nhiều người trong số họ tin vào thuyết âm mưu khẳng định rằng virus COVID-19 là vũ khí sinh học do Mỹ phát triển để tấn công Trung Quốc, và việc Trung Quốc mở cửa đất nước vào tháng 1 sẽ khiến Mỹ dễ dàng tấn công trở lại.

"Họ có thể đến Trung Quốc để đầu độc chúng ta", một người bình luận. Nhưng cũng có người cho rằng mở cửa đất nước sẽ giúp Trung Quốc mang virus ra toàn thế giới để trả đũa các nước phương Tây.