Trung Quốc sẽ “gục ngã” nếu cố độc chiếm Biển Đông thành ao nhà

VietTimes -- Biển Đông có trữ lượng dầu khí cũng như nguồn hải sản phong phú, nhưng những lợi ích kinh tế chỉ hạn chế khi so với quy mô của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Vậy đó có phải thứ đáng để chiến đấu, thậm chí có nguy cơ dẫn đến tồn vong của một dân tộc hay không?, SCMP cảnh báo.
Thế giới chắc chắn sẽ không bao giờ chấp nhận Trung Quốc biến Biển Đông thành "ao nhà". Ảnh: Cụm tác chiến tàu sân bay Mỹ gần đây thường xuyên tuần tiễu ở Biển Đông
Thế giới chắc chắn sẽ không bao giờ chấp nhận Trung Quốc biến Biển Đông thành "ao nhà". Ảnh: Cụm tác chiến tàu sân bay Mỹ gần đây thường xuyên tuần tiễu ở Biển Đông

Giám đốc của Hội đồng châu Âu về Quan hệ Đối ngoại Mark Leonard nhận định, người khổng lồ Trung Quốc đang bắt đầu sẩy chân. Chuyên gia phân tích Bùi Mẫn Hân dự đoán rằng sự lãnh đạo của đảng cộng sản Trung Quốc có thể sẽ đi đến hồi kết. Bùi Mẫn Hân cho rằng: “Tăng trưởng chậm lại… đảng đang rối loạn, vì những luật lệ đảng lập ra để hạn chế đấu đá chính trị và hại lẫn nhau đã sụp đổ…Sự bằng lòng của giới trung lưu đang bắt đầu xói mòn vì sự xuống cấp của môi trường sống, dịch vụ kém, bất bình đẳng và tham nhũng”.

Về phần mình, giới lãnh đạo Trung Quốc đánh cuộc rằng họ có thể vượt qua suy thoái kinh tế và rằng Trung Quốc sẽ vượt Mỹ, thay đổi cán cân quyền lực ở châu Á. Một lý do cho sự lạc quan của ông Tập Cận Bình là sự khốc liệt của chính trị Mỹ. Trong nhiều năm, quốc hội Mỹ vẫn cản trở các cải tổ trong nước, và bây giờ thế giới đang dự liệu những hậu quả của việc Donald Trump chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống tháng 11 năm nay.

Những người Trung Quốc theo chủ nghĩa dân tộc hi vọng rằng sự suy giảm sức mạnh tương đối của Mỹ ở Đông Á sẽ làm Mỹ phải lùi lại như đối với các vùng khác, bao gồm Trung Đông và châu Âu. Thậm chí mới đây, tờ Nhân dân Nhật báo còn dự đoán rằng chính quyền Trump sẽ sỉ nhục các đồng minh châu Á của Mỹ như Nhật và Hàn Quốc, cho phép Trung Quốc trở thành cường quốc quân sự áp đảo ở Thái Bình Dương. Ngay cả khi bà Hilary Clinton thắng cử, Trung Quốc cũng chủ quan cho rằng công chúng Mỹ cũng đã chán ngấy chủ nghĩa quốc tế và Mỹ sẽ quay lưng lại với tự do thương mại và can thiệp quốc tế.

Tuy nhiên, trong bối cảnh tranh chấp Biển Đông sắp có bước ngoặt, tác giả Cary Huang viết trên South China Mornng Posth (SCMP – Hong Kong) tin rằng Bắc Kinh sẽ mất nhiều hơn là được nếu từ chối không tuân thủ phán quyết của tòa án quốc tế về tranh chấp lãnh hải với Philippines.

Hiện dư luận rộng rãi trông chờ Tòa án Trọng tài Thường trực quốc tế tại The Hague sẽ ra phán quyết có lợi cho Philippines trong vụ kiện “đường lưỡi bò” ngang ngược ở Biển Đông. Theo SCMP, phán quyết của tòa án quốc tế không chỉ thách thức tính hợp pháp của cái gọi là “đường chín đoạn” phi pháp của Trung Quốc mà sẽ còn đẩy Bắc Kinh vào tình thế khó xử về chính trị và ngoại giao. Trung Quốc sẽ buộc phải quyết định xem có nên bảo vệ “niềm tự tôn quốc gia” và “lợi ích cốt lõi” hoặc là thể hiện là một cường quốc có trách nhiệm và trỗi dậy hòa bình.

Trung Quốc sẽ mất nhiều, thậm chí nguy cơ tồn vong dân tộc nếu cố bám lấy
Trung Quốc sẽ mất nhiều, thậm chí nguy cơ tồn vong dân tộc nếu cứ ngoan cố bám lấy "đường lưỡi bò" ngang ngược và phi lý

 Theo SCMP, quả thật phán quyết của tòa án quốc tế có thể không giải quyết được vấn đề do tính phức tạp liên quan tới các khía cạnh lịch sử, địa chính trị và pháp lý, và tòa án ở The Hague không có quyền  ép buộc thi hành phán quyết. Tuy nhiên, phán quyết lại trở thành một đấu trường mới cho cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung, đẩy Trung Quốc đương đầu một liên minh khu vực thậm chí toàn cầu do Mỹ lãnh đạo. Tranh chấp đã có từ hàng thế kỷ nay, nhưng những hành động gần đây xây đảo nhân tạo trái phép và triển khai thiết bị quân sự của Trung Quốc với tốc độ ráo riết đã gây sự lo ngại lớn trong khu vực.

Phản ứng lại, Washington tuyên bố rằng tự do hàng hải phải được duy trì bằng mọi giá trên các tuyến hải lộ và Mỹ đã điều chiến hạm và chiến đấu cơ tiến sát các đảo và thực thể do Trung Quốc kiểm soát nhằm thách thức yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh.

SCMP nhận định rằng động thái của Mỹ được tất cả các thành viên nhóm G7 cũng như Liên minh châu Âu và hầu như toàn bộ các nước láng giềng của Trung Quốc ủng hộ. Chỉ trừ số ít nước như Nga, Campuchia, Lào vẫn đang giữ quan điểm trung lập. Mỹ đã có liên minh chính thức với Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines, Thái Lan, Úc và New Zealand, cũng như đã và đang thiết lập đối tác an ninh với Singapore, Malaysia, Indonesia, Việt Nam, Myanmar và Ấn Độ. Washington đã triển khai khoảng 360.000 binh sĩ tại khu vực.

Thách thức lớn đối với Trung Quốc là Bắc Kinh có thể thua trận chiến pháp lý theo luật quốc tế mà nước này là một bên ký kết. Bắc Kinh cũng có thể thua trận trong cuộc chiến dư luận trên toàn cầu nếu như từ chối tuân thủ phán quyết, SCMP cảnh báo.

Trung Quốc có nguy cơ bị các nước láng giềng xa lánh hơn nữa nếu họ sử dụng phán quyết bất lợi cho họ để làm cái cớ thực hiện hành động gây hấn như xây thêm các cơ sở hay tuyên bố thiết lập vùng nhận dạng phòng không trong khu vực, hay phản ứng bằng cách cho máy bay hạ cánh trên các thực thể Trung Quốc chiếm đóng phi pháp.

SCMP lưu ý ngoại giao là nghệ thuật thỏa hiệp. Lịch sử Trung Quốc đã cho thấy các lãnh đạo nước này từ Mao Trạch Đông tới Đặng Tiểu Bình đã thể hiện sự linh hoạt nhằm tránh châm ngòi tranh chấp lãnh thổ. Từ năm 1949 đến nay, Trung Quốc đã giải quyết 17 trong 23 tranh chấp lãnh thổ. Tuy nhiên, Trung Quốc thường nhượng bộ trong hầu hết các tranh chấp và nhận dưới 50% khu vực lãnh thổ tranh chấp. Trong khi tìm cách bảo vệ tối đa lợi ích quốc gia có thể, các lãnh đạo Trung Quốc hiện nay lại chọn đường lối ngoại giao quá thực dụng, đặc biệt trong bối cảnh thế giới đang lan truyền nghi ngờ sự nổi lên hòa bình của Trung Quốc.

Trong khi khu vực Biển Đông có trữ lượng dầu khí cũng như nguồn hải sản phong phú, nhưng những lợi ích kinh tế chỉ hạn chế khi so sánh với quy mô của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Giá trị lớn nhất của khu vực này nằm ở tuyến đường biển chiếm một nửa tàu bè thương mại của thế giới, vốn cực kỳ quan trọng đối với sự phát triển của nước xuất khẩu lớn nhất thế giới (chính là Trung Quốc).

Một số nói rằng khu vực này có tầm quan trọng chiến lược và quân sự. Nhưng SCMP cho rằng chủ quyền đối với vài đảo nhỏ không bao hàm quyền quản lý tuyến đường hải hành của tàu bè các nước khác trên biển hoặc máy bay bay trên tuyến thương mại theo luật quốc tế về tự do lưu thông.

SCMP kết luận, do vậy các tranh chấp liên quan đến vài chục hòn đảo nhỏ là về lòng tự hào quốc gia (của Trung Quốc) hơn là lợi ích quốc gia thật sự. Vậy đó có phải thứ đáng để chiến đấu, thậm chí có nguy cơ dẫn đến tồn vong của một dân tộc hay không?