Trung Quốc sẽ bại trận trước Ấn Độ nếu hải chiến trên Ấn Độ Dương
VietTimes -- Căng thẳng biên giới xảy ra giữa Ấn Độ và Trung Quốc năm ngoái đã làm dấy lên câu hỏi điều gì sẽ xảy ra nếu hai cường quốc hạt nhân châu Á xảy ra chiến tranh.
Bắc Kinh và New Delhi đã tạm thời ngừng lại mối bất hòa nhưng vẫn tồn tại khả năng tiềm tàng cho một cuộc xung đột trong tương lai. Điều này thúc đẩy các nhà phân tích quân sự đưa ra giải thiết về kết quả của cuộc chiến giữa quân đội hai nước ở biên giới Himalaya và trên Ấn Độ Dương. Những dự đoán này càng có cơ sở hơn khi Washington đang theo đuổi chiến lược mới Ấn Độ - Thái Bình Dương coi Ấn Độ là một đối trọng với tham vọng của Trung Quốc trong khu vực.
Về khía cạnh hải quân, sự chú ý tập trung vào khả năng chiến đấu giữa tàu sân bay mới của Trung Quốc và những tàu sân bay tương tự của Ấn Độ. Cả hai đội quân đều đang có thêm những tàu sân bay đang được chế tạo và tàu ngầm tấn công cùng tàu ngầm có trang bị tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân. Nhưng những ai hy vọng vào cuộc chạm trán giữa các tàu sân bay sẽ thất vọng.
Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc.
Chuyên gia về quốc phòng Ben Ho Wang nói rằng cuộc chiến giữa hải quân Trung Quốc và Ấn Độ nếu có xảy ra sẽ mang tính thận trọng cao, chiến tranh sẽ nổ ra bằng những cuộc tấn công chớp nhoáng như cuộc chiến Falklands nổ ra năm 1982 giữa Argentina và Anh quốc. Không như ở Biển Đông, Trung Quốc không có căn cứ không quân tại Ấn Độ Dương. Theo ông Ho - nhà nghiên cứu hải quân trong chương trình nghiên cứu quân sự tại trường nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam, Singapore thì mọi tàu sân bay Trung Quốc triển khai trong khu vực sẽ chỉ có thể tự vệ yếu đuối bằng máy bay mà chúng mang theo.
Vào tháng 1 vừa qua trên IAPS Dialogue - một tờ tạp chí online của Viện Nghiên cứu châu Á - Thái Bình Dương, ông Ho đã xuất bản một nghiên cứu mang tên "Trung Quốc sẽ có khả năng thế nào trong chiến tranh hải quân với Ấn Độ?". Hải quân Trung Quốc có số lượng tàu hơn 4 lần Ấn Độ (số lượng là 283 so với 66 tàu chiến trên mặt biển, chưa kể tàu ngầm). Nhưng Ho và các nhà phân tích cho rằng Ấn Độ có lợi thế hơn vì chiến đấu gần các cơ sở quân sự quê nhà trong khi Trung Quốc phải đối mặt với khó khăn về khoảng cách cũng giống như tàu Anh từng gặp ở đảo Falklands.
Tàu sân bay INS Vikramaditya của Ấn Độ.
"Con số ít nói lên điều gì trong một cuộc hải chiến", giáo sư James Holmes thuộc trường hải chiến Mỹ đã bình luận trong một buổi tạo đàm về chính sách ngoại giao vào tháng 8.2017 về hậu quả có thể xảy ra nếu có cuộc xung đột giữa hải quân Trung Quốc và Ấn Độ. Cả tàu sân bay Trung Quốc và Ấn Độ đều trang bị loại "cầu nhảy" cho máy bay. Điều này hạn chế quân số và chủng loại máy bay trên tàu cùng các loại đạn dược có thể mang theo với từng loại máy bay. Ông Ho nói điều này cũng làm giảm đi khả năng cân xứng các loại máy bay thực hiện công tác chiến đấu và phòng thủ.
Trung Quốc sẽ chỉ triển khai 1 tàu sân bay để chống lại Ấn Độ vì ưu tiên chiến lược cạnh tranh ở tây Thái Bình Dương. "Tàu sân bay Trung Quốc sẽ đơn độc", ông Ho trả lời tờ thời báo châu Á qua một cuộc phỏng vấn bằng email. "Nếu Trung Quốc triển khai tàu sân bay, quân đội của họ sẽ phải cực kỳ cẩn trọng vì những bất lợi khi ở xa nhà. Bắc Kinh cũng có thể láu cá triển khai tàu ở gần vùng bờ biển Ấn Độ nơi tàu của họ có rủi ro cao sẽ bị tiêu diệt bằng những vũ khí chống xâm nhập - chống tiếp cận". Ấn Độ, theo ý kiến của dư luận sẽ tìm và tấn công tàu sân bay Trung Quốc. Nhưng ông Ho cũng đề cập tới vấn đề khó khăn với người Ấn về mặt địa lý nếu Trung Quốc chơi trò mèo vờn chuột trên Ấn Độ Dương. Cả hai quốc gia đều thiếu vệ tinh do thám để xác định chính xác vị trí tàu địch, mặc dù Bắc Kinh đang tiếp cận lỗ hổng thiếu sót về công nghệ theo dõi mới.
Ông Ho cũng đề cập tới việc các máy bay của Ấn Độ và các tàu ngầm hầu hết chạy bằng dầu - điện sẽ đối mặt với hạn chế về mặt tác chiến khi tìm kiếm tàu sân bay có tốc độ nhanh của Trung Quốc trên vùng biển rộng.
Tên lửa đạn đạo DF-21D của Trung Quốc.
Cuối cùng, tàu ngầm, tàu khu trục và tàu thủy lôi của Trung Quốc có thể sẽ phải đối mặt với nhiều hành động hơn ở những nơi họ triển khai gần những cảng chính và cơ sở hải quân của Ấn Độ. Các máy bay chiến đấu của Trung Quốc cũng phải đối mặt với vấn đề hỗ trợ không quân của tàu sân bay khi họ phải bay qua những quốc gia phụ thuộc Ấn Độ như Bangladesh hay Myanmar để tiếp cận Ấn Độ Dương.
Hơn nữa, tên lửa chống hạm DF-21D của Trung Quốc không chống lại được tàu sân bay của Ấn Độ. Nó cần phóng từ mặt đất và không có phiên bản phóng từ hạm. Theo ông Ho, thách thức với DF-21D và các tên lửa chống hạm khác là mục tiêu tàu sân bay di chuyển với tốc độ khoảng 20 hải lý/h sẽ đi lệch đích khoảng vài cây số khi xác định được vị trí phóng tên lửa. Có thông tin tên lửa DF-21D được trang bị cảm biến tiếp cận mục tiêu trên biển. Nhưng ông Ho cũng thông tin rằng khả năng này chưa được chứng minh ngay cả trong các cuộc tập luyện.
Trận hải chiến trên eo biển Malacca?
Ông Ho nói khả năng duy nhất để trận hải chiến Midway (tên của trận hải chiến vào Thế chiến II) xảy ra là khi Ấn Độ ngăn chặn hải quân Trung Quốc hải hành tới eo biển Malacca: "Nhưng nếu có hành động này thì Bắc Kinh sẽ gặp phải sự kháng cự của không chỉ các quốc gia như Malaysia, Indonesia và Singapore mà cả cộng đồng quốc tế phụ thuộc vào kinh tế hàng hải trong vùng".
Tàu sân bay Trung Quốc và Ấn Độ
Hiện tại, Trung Quốc đang có 1 tàu sân bay đang hoạt động là chiếc Liêu Ninh - tàu cũ từ thời Liên Xô do Nga bán cho Trung Quốc đã được chỉnh sửa và một tàu lớp 001A được chế tạo nội địa được hạ thủy vào năm 2017. Bắc Kinh thông báo sẽ chế tạo nhiều tàu sân bay nữa. Nhưng ông Ho cũng lưu ý tàu sân bay 001A chỉ chở được số lượng máy bay hơn rất nhỏ so với 20 chiếc máy bay của tàu Liêu Ninh bao gồm những chiếc máy bay chiến đấu Shenyang J-15. Để so sánh thì tàu lớp Nimitz của Mỹ có thể chở tới 40 máy bay chiến đấu.
Máy bay J-15.
Ấn Độ có tàu sân bay INS Vikramaditya đang hoạt động. Một chiếc khác INS Vikrant đang được hy vọng sẽ ra mắt vào năm 2020. Mỗi chiếc sẽ chở được khoảng 20 chiếc máy bay chưa kể trực thăng.
Chiếc Vikramaditya là tàu sân bay lớp Kiev được nâng cấp và bắt đầu được vận hành bởi hải quân Ấn Độ vào năm 2013. Tàu này đã phục vụ hải quân Liên Xô trong cuộc Chiến Tranh Lạnh, được Ấn Độ mua vào năm 2004 và trải qua nhiều năm trang bị lại. Tàu được kết hợp với máy bay chiến đấu Nga MiG-29K. Chiếc Vikrant là tàu sân bay đầu tiên được Ấn Độ chế tạo.
J-15 so găng với MiG-29
Khi so sánh J-15 với MiG-29K ông Ho nói: "Trên giấy tờ, cả 2 chiếc máy bay đều có tính năng tương đương. Trong khi MiG-29 của Ấn Độ nhẹ hơn và dễ triển khai hơn thì máy bay J-15 của Trung Quốc được đánh giá có khả năng phục vụ tốt hơn và điều này có nghĩa là chúng có thể được đưa ra chiến trường bất cứ lúc nào.
Máy bay MiG-29K.
Nhưng trình độ của phi công là một vấn đề khác. Những nhà phê bình đang đặt câu hỏi rằng trình độ của phi công Trung Quốc chưa được chứng minh như phi công Ấn Độ - được huấn luyện và tương đương với trình độ phi công Mỹ. Theo những thông tin khác thì Trung Quốc đang lấp lỗ hổng về đào tạo.
Liệu Trung Quốc có đang thúc đẩy tìm kiếm những căn cứ quân sự của đồng minh trong các nước thuộc Ấn Độ Dương như quần đảo Maldives khi họ cảm thấy tàu sân bay của mình đang chơ vơ trong đại dương này? Trung Quốc đang mở rộng chiến lược và liên kết trong khu vực. Một căn cứ hải quân mới ở vùng Sừng Châu Phi và thông tin về căn cứ mới ở Gwadar tại Pakistan là một ví dụ. Nhưng ông Ho cũng cho răng sự hiện diện quân sự của Trung Quốc ở những vùng chịu ảnh hưởng của Ấn Độ như Maldives và Sri Lanka sẽ không khả thi và sẽ bị New Delhi đẩy lui.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu