Trung Quốc nghiên cứu công nghệ chiplet mới nhằm thúc đẩy khả năng tự cung cấp chất bán dẫn

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Quỹ Khoa học Tự nhiên quốc gia Trung Quốc có kế hoạch tài trợ 6,4 triệu USD cho 30 dự án nghiên cứu các phương pháp phân tích, kết hợp và tái sử dụng công nghệ chiplet.

Ảnh: SCMP
Ảnh: SCMP

Quỹ Khoa học Tự nhiên Quốc gia Trung Quốc (NSFC) đã đưa ra một chương trình mới để tài trợ cho hàng chục dự án tập trung vào “chiplet” - công nghệ được coi là cung đường tắt cho đất nước để đạt được khả năng tự cung tự cấp chất bán dẫn trong bối cảnh Hoa Kỳ ngày càng thắt chặt việc xuất khẩu công nghệ.

NSFC, trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, có kế hoạch cung cấp khoản tài trợ lên tới 46 triệu nhân dân tệ (6,4 triệu USD) cho 30 dự án nghiên cứu sẽ được thực hiện trong khoảng thời gian từ 3 đến 4 năm tới.

Chiplet có thể hiểu là một bộ vi xử lý hiện đại chứa nhiều con chip nhỏ bên trong. Chiplet thu hút được nhiều sự quan tâm của các kỹ sư vì công nghệ này giảm chi phí thiết kế và thậm chí có thể đưa ra giải pháp để phá vỡ Định luật Moore - đề cập đến việc tăng gấp đôi số lượng bóng bán dẫn trên mạch tích hợp (IC) hai năm một lần.

Theo thông báo, mục tiêu của NSFC là “phát triển một nhóm nghiên cứu có ảnh hưởng quốc tế để cải thiện khả năng đổi mới của Trung Quốc” trong lĩnh vực chất bán dẫn.

NSFC cho biết chương trình này nhằm mục đích tìm ra “một con đường công nghệ mới” cho Trung Quốc về chất bán dẫn thông qua những đột phá trong việc lắp ráp và tích hợp chip, nhằm nâng cao hiệu suất của các thiết bị này lên “một hoặc hai cấp độ”.

NSFC dự kiến ​​​​sẽ tài trợ cho các dự án nghiên cứu bao gồm các phương pháp phân tích, kết hợp và tái sử dụng chip, thiết kế chip, kỹ thuật xử lý chip ba chiều và cấu trúc mạch tích hợp hiệu suất cao.

Sáng kiến ​​​​mới của NSFC nhấn mạnh quyết tâm của Bắc Kinh trong việc thúc đẩy các nỗ lực tự cung cấp chất bán dẫn của đất nước trong bối cảnh các lệnh trừng phạt thương mại do Hoa Kỳ dẫn đầu, vốn đã làm giảm vị thế của đại lục trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Các kế hoạch phát triển chất bán dẫn của Trung Quốc nhiều khả năng sẽ bị ảnh hưởng thêm khi Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden được cho là có kế hoạch ký một sắc lệnh hành pháp nhằm hạn chế các khoản đầu tư công nghệ quan trọng của Hoa Kỳ vào Trung Quốc.

Lệnh hành pháp này sẽ tập trung vào chất bán dẫn, trí tuệ nhân tạo và điện toán lượng tử. Nó sẽ không ảnh hưởng đến bất kỳ khoản đầu tư hiện tại nào và sẽ chỉ cấm một số giao dịch nhất định. Các giao dịch khác sẽ phải được tiết lộ cho chính phủ Hoa Kỳ.

Việc Washington thực hiện các biện pháp kiểm soát rộng rãi đối với các thiết bị sản xuất chất bán dẫn và vi mạch tiên tiến của Trung Quốc đã buộc Bắc Kinh và các doanh nghiệp nước này phải tăng cường tập trung vào việc sản xuất chip thế hệ cũ.

Được thành lập năm 1986, NSFC chịu trách nhiệm chỉ đạo, điều phối và sử dụng quỹ khoa học tự nhiên quốc gia để hỗ trợ nghiên cứu cơ bản. Quỹ đã tăng tài trợ lên 33 tỉ nhân dân tệ (4,6 tỉ USD vào năm ngoái, tăng 6,8% so với năm 2021).

Bên lề Kỳ họp Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc vào tháng 3, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Vương Chí Cương cho biết đất nước phải “nỗ lực thúc đẩy một môi trường nghiên cứu chấp nhận thất bại và khuyến khích các nhà nghiên cứu dành nhiều thời gian nghiên cứu và phát triển công nghệ hơn”. Ông giải thích thêm “trong các lĩnh vực cơ bản thường có lộ trình không rõ ràng, phương pháp không chắc chắn và tỷ lệ thất bại tương đối cao”.

Theo SCMP