Lực lượng Lính thủy đánh bộ Trung Quốc đã nâng cấp biên chế từ lữ đoàn lên thành quân đoàn. |
Giới quân sự Trung Quốc giải thích, nguyên nhân của việc mở rộng biên chế lực lượng này là do “Trung Quốc đang đối mặt với các mối uy hiếp ngày một gia tăng, nhưng dù mở rộng biên chế thì hiện nay LTĐB vẫn trực thuộc hải quân chứ không phải một quân chủng độc lập”.
Đài Truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) trong chương trình tối 17.4.2019 khi đưa tin và hình ảnh về chuyến ra biển thử nghiệm thứ 5 của chiếc tàu sân bay đầu tiên do Trung Quốc tự thiết kế chế tạo, khi kết luận đã đề cập đến “lực lượng tác chiến đổ bộ đã từ binh chủng chuyển hướng phát triển toàn diện; lực lượng LTĐB đã mở rộng thành cấp quân đoàn, sự chuyển hình đó đã khiến phối thuộc binh chủng và phân phối chức năng càng hợp lý hơn”. Cụm từ “LTĐB mở rộng biên chế thành quân đoàn” đã gây ra một cuộc thảo luận trong giới quan sát quân sự.
Huấn luyện đổ bộ đánh chiếm đảo.
|
Tờ Thanh niên Trung Quốc nêu rõ, từ năm 2017 đến nay, tin tức về lực lượng LTĐB của hải quân Trung Quốc sẽ thực hiện mở rộng biên chế đã lan truyền trên mạng. Trong số 84 đơn vị cấp quân đoàn của quân đội Trung Quốc, Tư lệnh và Chính ủy LTĐB đều mang cấp hàm Thiếu tướng, đồng nghĩa với việc đã nâng biên chế lên thành cấp quân đoàn; nhưng đây là lần đầu tiên truyền thông chính thức nói đến việc mở rộng biên chế thành quân đoàn. Rõ ràng, đây là sự xác nhận chính diện và đáng tin cậy về việc LTĐB đã biên chế thành quân đoàn. Lực lượng LTĐB của hải quân chủ yếu thực thi các nhiệm vụ tác chiến đổ bộ, tác chiến trên đảo, đánh chiếm và phòng thủ đảo cùng các nhiệm vụ tác chiến đặc biệt.
Phù hiệu của lực lượng Lính thủy đánh bộ Trung Quốc
|
Dưới đề mục “Ở Mỹ là quân chủng, ở nước ta là binh chủng”, bài báo dẫn lời bình luận viên quân sự Tống Trung Bình cho rằng, hiện nay dù đã thực hiện mở rộng biên chế nhưng LTĐB vẫn là một binh chủng lệ thuộc hải quân, chứ không phải là một quân chủng độc lập”.
Về quy mô của lực lượng LTĐB Trung Quốc hiện nay chưa rõ sau khi mở rộng biên chế quân số cụ thể có bao nhiêu, nhưng một tài liệu của một cơ quan nghiên cứu của Mỹ trước đây cho rằng: “đã từ 2 lữ đoàn ban đầu nay mở rộng thành 8 lữ đoàn, tổng quân số lên tới 40.000”.
Trang tin Đa Chiều (DWNews) ngày 18.4.2019 cho biết: ban đầu lực lượng LTĐB chỉ có Lữ đoàn 1 và Lữ đoàn 164. Cuối năm 2018, báo chí quân đội công khai đưa tin Lữ đoàn 2 LTĐB đã theo biên đội tàu hộ tống hàng hải đến Vịnh Aden chấp hành nhiệm vụ và đó là một lữ đoàn hoàn toàn mới. Ngoài ra, sau khi quân đội Trung Quốc thực hiện cải cách cơ cấu đã chuyển đổi các Lữ đoàn 77 lục quân của Chiến khu miền Bắc, Lữ đoàn phòng thủ bờ biển số 2 của Chiến khu miền Đông và Sư đoàn 13/Chiến khu miền Đông thành các lữ đoàn LTĐB. Cho đến nay, lực lượng LTĐB có tổng cộng 9 lữ đoàn gồm 6 lữ đoàn tác chiến cộng 1 lữ đoàn đặc nhiệm, 1 lữ công binh - hóa học, 1 lữ bảo đảm, tổng binh lực trên 30.000 quân.
Lính thủy đánh bộ Trung Quốc huấn luyện đổ bộ đường không.
|
Theo Đa Chiều, chuyên gia quân sự Tống Trung Bình cho rằng, sở dĩ lần này LTĐB mở rộng biên chế là do đứng trước các mối đe dọa truyền thống và phi truyền thống đã gia tăng; một mặt nhiệm vụ tác chiến trên các đảo, bãi ngầm rất nhiều, mặt khác nhiệm vụ chống khủng bố ở nước ngoài cũng nặng nề hơn.
Ông Tống Trung Bình nói, so với quân số lực lượng LTĐB Mỹ hiện có trên 20 vạn thì quy mô LTĐB nhỏ hơn nhiều. Tuy lực lượng LTĐB Mỹ tuy vẫn mang danh “hải quân”, nhưng đó là một lực lượng tác chiến cả trên bộ và trên biển dộc lập trong 5 quân chủng của Mỹ và không lệ thuộc vào hải quân.
Diễn tập phòng thủ đảo
|
Theo trang Baidu tiếng Trung, Lữ đoàn 1 đầu tiên của LTĐB được thành lập tháng 5.1980 ở đảo Hải Nam, thuộc biên chế Hạm đội Nam Hải. Trước khi cải cách cơ cấu quân đội Trung Quốc năm 2017, mỗi lữ đoàn LTĐB có 3 tiểu đoàn bộ binh, 1 tiểu đoàn xe tăng, 1 tiểu đoàn pháo binh, 1 tiểu đoàn xe thiết giáp lội nước, 1 tiểu đoàn thông tin, mỗi tiểu đoàn LTĐB có 3 đại đội, 1 đại đội tên lửa phòng không, 1 đại đội súng cối; Lữ đoàn có Bộ Tư lệnh, Phòng Chính trị, Phòng Hậu cần và có các đơn vị trực thuộc gồm đại đội người nhái, đại đội phòng hóa, đại đội xe, đại dội công binh, đại đội cảnh vệ, đại đội quân y, đại đội huấn luyện, phân đội trinh sát, phân đội máy bay trực thăng. Mỗi lữ đoàn quân số khoảng 5.000 người. 3 hạm đội Bắc Hải, Đông Hải và Nam Hải đều có Lữ đoàn LTĐB, riêng Hạm đội Nam Hải có 2 lữ, gồm Lữ đoàn 1 và Lữ đoàn 164.
Lính thủy đánh bộ Trung Quốc tham gia diễu binh.
|
Sau khi Trung Quốc thực hiện cải cách cơ cấu năm 2017, hiện nay biên chế của lực lượng lính thủy đánh bộ Trung Quốc như sau: Lữ đoàn 1 và Lữ đoàn 2 thuộc hải quân Chiến khu miền Nam phụ trách tác chiến ở khu vực Biển Đông; Lữ đoàn 3 và 4 thuộc hải quân Chiến khu miền Đông phụ trách tác chiến khu vực biển Đài Loan và Hoa Đông; Lữ đoàn 5 và 6 thuộc hải quân Chiến khu miền Bắc phụ trách tác chiến khu vực Hoảng Hải. Ngoài ra còn có 1 Lữ đoàn tác chiến đặc nhiệm.
Tư lệnh Lính thủy đánh bộ Trung Quốc hiện nay là Thiếu tướng hải quân Khổng Quân; Chính ủy là Thiếu tướng hải quân Viên Hoa Trí.
Khổng Quân sinh tháng 7.1964, quê Giang Tô, đại biểu Quốc hội khóa 13. Khổng Quân nguyên là Lữ đoàn trưởng thiết giáp Quân khu Nam Kinh, sau đó là Tham mưu phó Tập đoàn quân 12; từ tháng 1.2016 là Tham mưu trưởng; tháng 4.2017 được bổ nhiệm Tư lệnh LTĐB hải quân.
Lực lượng đặc nhiệm của lính thủy đánh bộ huấn luyện
|
Viên Hoa Trí sinh tháng 10.1961, quê tỉnh Hồ Bắc. Nhập ngũ năm 1978, ông ta làm công tác chính trị nhiều năm trong hải quân, từng là Chính ủy khu cảnh bị Tây Sa [tức quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam mà Trung Quốc chiếm đóng trái phép từ những năm 1970], rồi trải qua các chức Trưởng phòng Báo chí, Cục Chính trị Hải quân, Chính ủy Lữ đoàn LTĐB, Chủ biên báo Hải quân, Tổng thư ký Cục Chính trị Hải quân, Phó Chủ nhiệm Chính trị Hạm đội Nam Hải. Tháng 12.2015 là Chính ủy Viện nghiên cứu trang bị hải quân. Tháng 3.2017 được bổ nhiệm Chính ủy LTĐB thuộc hải quân. Tháng 12.2018 được điều đi làm Chính ủy Không quân Chiến khu miền Đông; tháng 3.2019 được điều trở lại làm Chính ủy LTĐB đồng thời là Phó chính ủy Hải quân.