Trung Quốc: "Lão nhị đại" là gì, vì sao bộ phận dân cư này gánh vác trách nhiệm ngày càng nặng nề?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Thế hệ "lão nhị đại" là cách gọi để chỉ những người trung niên vừa có trách nhiệm phụng dưỡng cha mẹ già, vừa phải lo lắng cho con cái và cháu chắt. 
Áp lực của tầng lớp "lão nhị đại" tại nông thôn Trung Quốc.
Áp lực của tầng lớp "lão nhị đại" tại nông thôn Trung Quốc.

Cụm từ "trên có già, dưới có trẻ" xưa nay thường dùng để chỉ những khó khăn trong cuộc sống của những người trung niên. Trong mô hình chăm sóc già trẻ ở nông thôn Trung Quốc hiện nay, câu này mô tả đúng đắn những vấn đề mà người trung niên gặp phải. Không ít người trong độ tuổi 60, 70, trên có cha mẹ già 80, 90 tuổi phải phụng dưỡng, dưới có con cháu cần chăm sóc, có người phải dành dụm tiền cả đời để con cái mua nhà trên thành phố.

Giới "lão nhị đại" đang trong tình trạng khó khăn đủ đường, những khó khăn mà họ gặp phải phản ánh thực trạng chăm sóc người cao tuổi ở nông thôn Trung Quốc hiện nay: mô hình chăm sóc người cao tuổi gia đình truyền thống đã bị suy yếu, mô hình chăm sóc người cao tuổi mới chưa phát triển. Việc cung cấp các dịch vụ chăm sóc người cao tuổi còn manh mún và việc cải thiện cơ chế chăm sóc người cao tuổi ở nông thôn gặp nhiều thách thức.

Cần phải chăm sóc cho người già đồng thời giúp con cái nuôi dưỡng gia đình

Làng Ngưu Cao, thị trấn Vinh Gia Loan, huyện Nhạc Dương, tỉnh Hồ Nam, nằm bên bờ hồ Động Đình, người đàn ông Triệu Tam Lai, gần 60 tuổi, là một người con hiếu thảo nổi tiếng trong làng. Người cha 86 tuổi và người mẹ 83 tuổi sống với ông hầu như cả năm.

"Nhà tôi có bốn anh em, hàng tháng thay phiên nhau chăm sóc bố mẹ. Gia đình anh cả làm việc ở Quảng Đông, việc báo hiếu là do vợ chồng tôi làm. Tất nhiên, chi phí một tháng vẫn do anh cả trả." Ông Triệu nói với Tân Hoa xã, "Bây giờ chính sách quốc gia tốt, bảo hiểm y tế có thể bồi hoàn rất nhiều chi phí, mỗi lần đi viện cũng mất thêm không nhiều, điều lo lắng là cần có người đi cùng, quan tâm chăm sóc."

Ngoài ra còn có một cặp cháu cần sự chăm sóc của vợ chồng ông Triệu. Con trai và con dâu làm việc ở Tứ Xuyên, còn cháu ở quê để học. "Con trai và con dâu tôi muốn kiếm nhiều tiền hơn khi chúng còn trẻ, hai đứa trẻ từ khi cai sữa đã đến ở với ông bà."

Ông Triệu và vợ không được học hành đến nơi đến chốn và không thể giúp cháu làm bài tập về nhà, vì vậy họ đã dành 3.000 NDT để gửi cháu trai của mình cho người chăm sóc sau giờ học, và sau đó quay trở lại sau khi làm xong bài tập. Lựa chọn này đã cố định phạm vi làm việc của ông Triệu Tam Lai.

Vợ ông lo việc ăn uống và cuộc sống hàng ngày của gia đình. Mặc dù sắp đến tuổi về hưu nhưng hàng năm ông vẫn phải kiếm thêm chút tiền. "Con trai sẽ gửi lại tiền học, phí sinh hoạt phí của các cháu, nhưng chắc chắn là không đủ rồi. Mỗi năm, tôi phải bù thêm hơn 10.000 NDT."

Sự ủng hộ của ông đối với con trai không chỉ giới hạn ở việc này. Con trai và con dâu đã bàn bạc với ông rằng để có điều kiện học tập tốt hơn cho đứa trẻ, họ muốn mua một căn nhà ở quận hoặc thành phố Nhạc Dương trong tương lai. Ông Triệu không hề tính đến chuyện giữ tiền tiết kiệm cho bản thân, "Nếu đến lúc đó tôi tiết kiệm được tiền, tôi nhất định sẽ dùng hết để hỗ trợ hai đứa nó, nếu không đủ thì tôi sẽ giúp chúng vay."

Theo ông Âu Hải Hồng, Phó bí thư chi bộ của làng Ngưu Cao, hầu hết thanh niên, người trẻ khỏe trong làng đều đi làm ăn hoặc kinh doanh. Trong đó, 64 hộ gia đình có hai thế hệ người già, và tình huống tương tự như của ông Triệu Tam Lai.

Theo ông Trần Tế Thủy, Phó Giám đốc Cục Nội vụ huyện Nhạc Dương, quận này có tổng số 724.400 người, dân số trên 60 tuổi là khoảng 137.000 người, chiếm 18,92%, trong đó 21.000 người trên 80 tuổi. Ông nói: "Các gia đình hai thế hệ người già phổ biến hơn ở các vùng nông thôn của quận, và hiện tượng này sẽ tăng lên rất nhiều trong tương lai."

Trong cuộc phỏng vấn, một số người già ở trong hoàn cảnh tương tự như ông Triệu Tam Lai đã gọi đùa mình là "lão nhị đại" - họ chính là những người già, trên họ còn có cha mẹ già hơn.

Bà Lôi Hi Hồng, giáo sư Trường Hành chính Công thuộc Đại học Trung Nam, đã thực hiện nghiên cứu, quan sát những nhóm người cao tuổi nông thôn trong suốt cả năm. Trong nghiên cứu của mình, bà phát hiện ra rằng "Với mức sống không ngừng được cải thiện, số lượng nhóm người cao tuổi đã tăng lên đáng kể. Đối với người trong độ tuổi trung niên, áp lực chăm sóc cha mẹ già, hỗ trợ con cái trưởng thành là không hề nhỏ."

"Lão nhị đại" phản ánh 4 thay đổi trong chăm sóc người cao tuổi ở nông thôn

Người trung niên ở nông thôn Trung Quốc gặp áp lực tâm lý khi phải nhận trách nhiệm quá lớn.
Người trung niên ở nông thôn Trung Quốc gặp áp lực tâm lý khi phải nhận trách nhiệm quá lớn.

Bà Hà Thiến Thiến, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Quản trị Nông thôn Trung Quốc thuộc Đại học Vũ Hán, nhìn nhận vấn đề trên nhiều khía cạnh.

Đầu tiên là tỷ lệ già hóa ngày càng gia tăng của nông thôn. Số liệu chính của cuộc tổng điều tra quốc gia lần thứ bảy được công bố vào tháng 5 năm nay cho thấy có sự khác biệt đáng kể về mức độ già hóa giữa khu vực thành thị và nông thôn. Xét trên bình diện quốc gia, tỷ trọng người trên 60 tuổi và trên 65 tuổi của khu vực nông thôn lần lượt là 23,81% và 17,72%, cao hơn khu vực thành thị lần lượt là 7,99% và 6,61%.

Giới xã hội học nhìn chung cho rằng ngoài lý do kinh tế và xã hội, sự khác biệt giữa tỷ lệ già hóa dân số thành thị và nông thôn còn liên quan mật thiết đến sự dịch chuyển dân số, di cư, điều này đã làm trầm trọng thêm tình trạng già hóa của khu vực nông thôn.

Thứ hai là sự gia tăng tình trạng "rỗng" của thôn quê. Tình trạng này diễn ra phổ biến hơn ở khu vực kém phát triển và các vùng nông thôn xa xôi. Quá trình đô thị hóa tăng tốc đồng nghĩa với tình trạng "rỗng" của một số làng quê ngày càng đáng ngại, ngày càng có nhiều người vào thành phố, đồng nghĩa với việc vùng nông thôn mất lực lượng trẻ.

Bà Hà cho rằng theo quan điểm xã hội học, sự rỗng tuếch của làng xã đã dẫn đến sự tàn lụi của văn hóa truyền thống. Tình trạng một số người lớn tuổi bị con cái bỏ rơi, không thực hiện nghĩa vụ báo hiếu không hề hiếm.

Thứ ba, việc phân bổ nguồn lực gia đình giữa các thế hệ đang đối mặt với những thách thức. Nghiên cứu của giáo sư Lôi Hy Hồng ở nhiều nơi vùng nông thôn Trung Quốc cho thấy một số người cao tuổi đã chọn không đi điều trị khi ốm nặng mặc dù họ có một số tiền tiết kiệm nhất định. Giáo sư Lôi cho rằng có hai điều cân nhắc đằng sau sự lựa chọn này, một là lo rằng viện phí đắt đỏ, sau này họ không còn tiền tiết kiệm để chăm sóc bản thân mình. Thứ hai là con cái phải lên thành phố để mua nhà và học hành. Vì vậy, họ đã chọn để lại tiền cho con cháu của họ.

Thứ tư là sự cải tiến liên tục của hệ thống chăm sóc người cao tuổi. Bà Hà cho rằng trong những năm gần đây, từ bảo hiểm người già nông thôn đến trợ cấp người cao tuổi, dự án chăm sóc người già neo đơn đều có ý nghĩa to lớn đối với việc nâng cao chất lượng cuộc sống của người cao tuổi nông thôn.

Làm thế nào để giảm bớt gánh nặng cho “lão nhị đại”?

Mang trách nhiệm chăm sóc người khác nhưng "lão nhị đại" cũng rất cần sự chăm sóc cả thể chất và tinh thần.
Mang trách nhiệm chăm sóc người khác nhưng "lão nhị đại" cũng rất cần sự chăm sóc cả thể chất và tinh thần.

Trưởng Chi cục Dân số của một quận ở miền Trung Trung Quốc cho rằng trái ngược với vấn đề già hóa ngày càng gia tăng, sự hỗ trợ của chính phủ đối với việc chăm sóc người cao tuổi ở nông thôn vẫn chưa đủ.

Bà Hà Thiến Thiến cũng phát hiện ra tại một quận ở miền Trung Trung Quốc có 23 trung tâm dưỡng lão đã được xây dựng ở địa phương trong vài năm qua nhưng chỉ có 6 trung tâm đi vào hoạt động, phần còn lại chủ yếu bị dừng do thiếu kinh phí.

Trong những năm gần đây, một số nguồn vốn xã hội cũng đã đổ vào thị trường chăm sóc người cao tuổi nông thôn. Chính quyền các địa phương cũng thành lập các mái ấm hạnh phúc nông thôn và các trung tâm chăm sóc ban ngày với sự giúp đỡ của nhân viên và tình nguyện viên.

"Nhìn chung, các dịch vụ chăm sóc người già do chính quyền, thôn bản và hộ gia đình cung cấp về cơ bản còn manh mún, phương thức chăm sóc người cao tuổi truyền thống còn yếu, phương thức chăm sóc người cao tuổi mới chưa thực sự thuần thục, ổn định. Đối với những gia đình có hai thế hệ người cao tuổi, áp lực lại càng lớn," theo nhà nghiên cứu Hà Thiến Thiến.

Để thúc đẩy việc thiết lập và hoàn thiện mô hình chăm sóc người già ở nông thôn càng sớm càng tốt, ngoài việc kêu gọi sự hỗ trợ của chính phủ, nguồn vốn xã hội và thúc giục thanh thiếu niên làm đúng trách nhiệm của mình, nhiều người trong ngành xã hội học tin rằng có 3 điều cần phải thực hiện.

Một là sự gắn liền của văn hóa. Ông Long Phán, Phó tổng thư ký Hiệp hội Công nghiệp Chăm sóc Người cao tuổi và Phúc lợi Xã hội tỉnh Hồ Nam, cho biết quan niệm truyền thống về việc nuôi dạy con cái và con cái phụng dưỡng cha mẹ đã ăn sâu trong tâm trí người già. Người già chỉ vào viện dưỡng lão khi không có con cái. Một số người già được con cái gửi vào viện dưỡng lão đã phản kháng bằng cách tuyệt thực. "Hãy thay đổi suy nghĩ và quan niệm già cỗi càng sớm càng tốt," nhà nghiên cứu Hà Thiến Thiến nhận định.

Thứ hai là các quy tắc phải nhất quán. Ông Âu Hải Hồng nói rằng trong xã hội nông thôn trước đây, con cái sẽ bị dư luận chỉ trích vì không phụng dưỡng cha mẹ. Hà Thiến Thiến nói rằng tình trạng "trũng" tại các làng quê ngày càng gia tăng, các phương pháp và quy tắc truyền thống đang dần thất bại, con người cần thích ứng với sự thay đổi của thời đại. Điều này không thể tách rời khỏi sự ủng hộ, chỉ đạo của cấp uỷ và chính quyền. Cần phải có điều chỉnh để các quy tắc gắn kết hữu cơ với nhau, không có sự trùng giẫm hay mâu thuẫn.

Thứ ba là các nguồn lực phải bổ trợ để phát huy hiệu quả. Bà Hà Thiến Thiến cho rằng công tác chăm sóc người già nông thôn ở giai đoạn này đang trải qua quá trình chuyển đổi, không thể tách rời hoàn toàn khỏi gia đình, cũng như không thể hoàn toàn dựa vào chính phủ và xã hội. Về nguồn lực cho người cao tuổi, cần làm rõ ranh giới trách nhiệm của gia đình, xã hội và chính quyền.

Theo Sina