Ngày 18/9, tài khoản WeChat công khai của Hạm đội Nam Hải đã đăng một bài tiết lộ thông tin máy bay vận tải cỡ lớn Y-20 của Không quân quân đội Trung Quốc (PLA) đã hạ cánh xuống sân bay trên các đảo nhân tạo Chữ Thập, Subi và Vành Khăn trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam mà Trung Quốc chiếm giữ và bồi đắp, xây dựng trái phép. Đây là thông tin chính thức đầu tiên của Trung Quốc về việc máy bay Y-20 hạ cánh xuống các đảo trên Biển Đông.
Hình ảnh đăng kèm tin trên WeChat cho thấy các lính hết hạn đồn trú tại đây đang đợi máy bay tới và đang lên máy bay để trở về đất liền cũng như cảnh lính chia tay nhau. Trong khu vực bình luận của tin này, một cư dân mạng tên là "Wula" viết: "Thật vinh dự khi được trở về đất liền bằng Y-20".
Các bức ảnh không cho thấy địa điểm hạ cánh của chiếc Y-20, nhưng ít nhất có thể chứng minh rằng đó là một trong các sân bay trên các đảo nhân tạo mà Trung Quốc đã xây dựng tại các rạn san hô Chữ Thập, Subi và Vành Khăn. Cũng có khả năng nó đã hạ cánh xuống cả ba sân bay trong cùng một ngày.
Máy bay vận tải hạng nặng Y-20 của Trung Quốc (Ảnh: Sina). |
Thông tin do Hạm đội Nam Hải công bố cũng cho biết “thông thường do điều kiện khách quan, máy bay quân sự thường chỉ được sử dụng để vận chuyển vật tư có giá trị hoặc vận chuyển các sĩ quan, binh sĩ bị ốm đau đột xuất”. Bắt đầu từ năm ngoái, các bên đã tích cực phối hợp để dành cho cho các lính xuất ngũ một "món quà đặc biệt".
Trước đó, theo trang South China Morning Post của Hồng Kông đăng lại hình ảnh vệ tinh cho thấy, ngày 25/12/2020, một máy bay vận tải cỡ lớn Y-20 do Trung Quốc sản xuất đã xuất hiện trên đường băng sân bay ở đá Chữ Thập, nhưng tin này không được Trung Quốc chính thức xác nhận.
Vào ngày 31/5 năm nay, một đội hình gồm 16 máy bay quân sự của Không quân PLA, trong đó có loại Y-20 đã bay tuần tra Biển Đông và bị Malaysia tố cáo xâm nhập vùng trời của nước này. Sau đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân đã trả lời câu hỏi liên quan đến vấn đề trong một cuộc họp báo, nói rằng đây là “hoạt động bay huấn luyện thường kỳ do Không quân Trung Quốc thực hiện ở vùng biển phía nam Nam Sa (tức quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam) và không nhằm vào bất kỳ quốc gia nào. Trong thời gian huấn luyện, Không quân Trung Quốc tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của luật pháp quốc tế và không đi vào vùng trời của các quốc gia khác”.
Hình ảnh Y-20 hạ cánh xuống sân bay ở Trường Sa cuối năm 2020 nhưng không được Trung Quốc xác nhận (Ảnh: SCMP). |
Tờ Thời báo Hoàn cầu, cơ quan truyền thông chính thức của Trung Quốc ngày 18/9 dẫn lời chuyên gia quân sự Trương Học Phong chỉ ra rằng, việc máy bay vận tải Y-20 xuất hiện tại đây cho thấy các sân bay trên các bãi đá ngầm ở Trường Sa hoàn toàn có thể đáp ứng các điều kiện cho máy bay cỡ lớn cất và hạ cánh. Máy bay này được sử dụng để chở lính xuất ngũ về đất liền, đương nhiên cũng có thể vận chuyển quân và các trang thiết bị tới. Điều này cho thấy PLA có khả năng nhanh chóng phản ứng tại các đảo và đá ngầm trên Biển Đông, nhanh chóng triển khai lực lượng tới các đảo và đá ngầm họ đang chiếm giữ trên Biển Đông bằng đường không.
Hiện nay Trung Quốc đã xây dựng và đưa vào hoạt động 4 sân bay trên các đảo và bãi đá ngầm mà họ chiếm giữ trái phép trên Biển Đông, gồm: đảo Phú Lâm (thuộc quần đảo Hoàng Sa), các đảo nhân tạo Chữ Thập, Subi và Vành Khăn (trong quần đảo Trường Sa). Ngoài ra có tin Trung Quốc đang có ý đồ lấp biển tạo đảo nhân tạo để xây dựng sân bay trên bãi ngầm Scarborough đang tranh chấp với Philippines (Trung Quốc gọi là Hoàng Nham).
Y-20 thực hiện nhiệm vụ thả dù lính và phương tiện quân sự (Ảnh: Sohu). |
Vào năm 2016, Trung Quốc liên tiếp công bố tiến độ xây dựng các sân bay trên ba đảo nhân tạo Chữ Thập, Subi và Vành Khăn. Vào tháng 1/2016, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố rằng việc xây dựng sân bay mới trên đá Chữ Thập đã hoàn thành và các chuyến bay thử nghiệm đang được tiến hành. Sáng 13/7, hai máy bay chở khách của hãng hàng không dân dụng Nam Phương đã lần lượt hạ cánh xuống các sân bay mới trên Đá Vành Khăn và Subi rồi quay trở lại Hải Khẩu vào chiều cùng ngày, chuyến bay thử nghiệm đã thành công.
Ngoài ra, theo trang tin Sina, 18/9 là một ngày đặc biệt, kỷ niệm 90 năm xảy ra “Sự biến 18/9” tức ngày 18/9/1931, quân đội Nhật nổ súng tấn công chiếm các tỉnh Đông Bắc Trung Quốc. Sáng ngày Thứ Bảy 18/9/2021, Trung Quốc đã cho kéo còi báo động phòng không trên khắp đất nước để nhắc nhở người dân Trung Quốc không được quên ngày 18/9 và thảm kịch lịch sử không thể lặp lại.
Sina cho rằng “việc Hạm đội Nam Hải công bố tin tức này đúng vào ngày 18/9 có thể là ngẫu nhiên, nhưng có thể thấy từ lịch sử lâu dài, Trung Quốc đã được chấn hưng và hùng mạnh. 90 năm trước, sức mạnh tổng hợp của Trung Quốc lạc hậu, không có sức mạnh quốc phòng dẫn đến việc bị các nước ngoài bắt nạt, xâm lược. Nay sau 90 năm, sức mạnh dân tộc của Trung Quốc rất mạnh, máy bay vận tải lớn tầm xa trong nước có thể vươn tới cực nam của đất nước và đáp xuống các đảo Nam Hải (tức Biển Đông) để đón lính xuất ngũ, cho thấy thời Trung Quốc bị ức hiếp đã vĩnh viễn qua đi...”.
Máy bay vận tải Y-20 (Kunpeng – Côn Bằng), là máy bay vận tải quân sự hạng nặng do Tập đoàn công nghiệp máy bay Tây An của Trung Quốc tự chế tạo, hiện là máy bay quân sự lớn nhất Trung Quốc. Tập đoàn Tây An chịu trách nhiệm về hầu hết các công việc sản xuất bao gồm khâu lắp ráp cuối cùng; các tập đoàn chế tạo máy bay khác như Thẩm Dương, Thành Đô, Thiểm Tây, Cáp Nhĩ Tân và Thượng Hải cũng tham gia chế tạo các bộ phận.
Vào đầu thế kỷ 21, máy bay vận tải sản xuất trong nước lớn nhất trong biên chế của Không quân Trung Quốc là Y-9, một kiểu máy bay vận tải chiến thuật hạng trung, tương tự C-130, và tốc độ của nó là bị hạn chế do sử dụng động cơ phản lực cánh quạt còn khoảng cách lớn so với các loại máy bay vận tải chiến lược của thế giới.
Trước Y-20, loại máy bay vận tải chủ lực của Trung Quốc là hơn 20 chiếc Il-76 nhập của Nga hoặc mua từ thị trường đồ cũ, được sử dụng trong các cuộc tập trận cường độ cao và các hoạt động cứu hộ, cứu nạn. Để bù đắp cho sự thiếu hụt lực lượng vận tải hàng không, PLA đã từng phải trưng dụng máy bay của hàng không dân dụng và thậm chí cả các công ty logitic để vận chuyển hàng hóa. Vì vậy, việc tự sản xuất được Y-20 có ý nghĩa rất lớn trong việc nâng cao trình độ đảm bảo hậu cần của Không quân Trung Quốc.
Binh sĩ Tập đoàn quân 78 lên Y-20 diễn tập đổ bộ đường không (Ảnh:Beijiang). |
Trong sử dụng quân sự, Y-20 rộng hơn và cao hơn Il-76, tải trọng tối đa 66 tấn, có thể chở các thiết bị hạng nặng như xe tăng chiến đấu chủ lực, tầm bay tối đa cũng tăng lên 7.800 km (vận chuyển người). Y-20 không chỉ đảm nhận việc vận chuyển nội địa, cứu hộ khẩn cấp ở Trung Quốc, mà còn có thể thực hiện việc vận chuyển tiếp tế chiến lược và cứu hộ trong khu vực châu Á. Ngoài ra, thiết bị điện tử của Yun-20 đã được cải tiến rất nhiều so với Il-76, có thể giảm thiểu sự mệt mỏi cho các phi công.
Một số thông số kỹ thuật: Y-20 có chiều dài 47m, sải cánh 45m, chiều cao 15m, diện tích cánh 330m2, trọng lượng rỗng 100 tấn, trọng tải: 66 tấn. Kích thước khoang hàng: 20x4x4m. Trọng lượng cất cánh lớn nhất: 220 tấn; số động cơ: 4 (D-30KP-2, hoặc WS-18, hoặc WS-20). Tốc độ cao nhất 920km/h, trần bay cao nhất: 13.000m; hành trình xa nhất: 4.500km (nếu chở 40 tấn), 6.500km (nếu chở 20 tấn), 7.800km (nếu chở người).
Về số lượng, tính đến năm 2020, Trung Quốc đã sản xuất được 40 chiếc.
Ngoài loại vận tải, Y-20 còn có ít nhất 3 chiếc biến thể chở dầu Y-20U, có thể chở 60 tấn dầu, có thể đảm nhận nhiệm vụ tiếp dầu trên không cho các loại máy bay, trong đó có tiêm kích tàng hình J-20.