Theo trang tin Dwnews (Đa Chiều) ngày 1/9, Trung tâm tư vấn của Trung Quốc "Nhận thức tình hình chiến lược Biển Đông" (SCSPI) ngày 27/8 đưa tin, vào cùng ngày hôm đó (27/8) một số máy bay trinh sát của quân đội Mỹ đã tiến hành trinh sát trên Biển Đông. Trong số đó, máy bay trinh sát điện tử RC-135W đã bay theo quỹ đạo phức tạp trên vùng trời ngoài khơi bờ biển Quảng Đông và vùng biển phía nam Đài Loan, theo SCSPI có lẽ là để theo dõi các cuộc tập trận của quân đội Trung Quốc (PLA). Ngoài ra, một máy bay tuần tra chống ngầm P-8I của Ấn Độ cũng đã bay vượt qua Biển Đông đến hướng đảo Guam, dự đoán để tham gia cuộc tập trận chung trên biển của quân đội các nước thuộc cơ chế đối thoại Bộ Tứ (Quad) gồm Mỹ, Nhật, Ấn độ và Australia mang tên “Malabar-2021”.
Bãi san hô Subi trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam bị Trung Quốc chiếm giữ và tôn tạo thành đảo nhân tạo trái phép (Ảnh: Dwnews). |
SCSPI cũng nói rằng kể từ tháng 8, các tàu thăm đò biển thực ra là trinh sát USNS Victorious (T-AGOS-19) và Marie Sears (T-AGS-65) của Mỹ đã lần lượt tiến hành hoạt động với cường độ cao tại vùng biển Đông Bắc quần đảo Hoàng Sa và vùng biển phía nam đảo Hải Nam. Ngoài ra, quân đội Mỹ cũng đang gửi thêm quân đến Tây Thái Bình Dương.
Trước tình hình hiện tại ở Biển Đông, các bức ảnh vệ tinh về cuộc tập trận chống tàu ngầm của Trung Quốc ở gần đảo nhân tạo Subi thuộc quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam mà Trung Quốc chiếm đóng và tôn tạo, xây dựng trái phép do Công ty vệ tinh ImageSat (ISI) của Israel chụp đã thu hút sự chú ý của giới quan sát và dư luận.
Nhóm các bức ảnh vệ tinh được công bố trên mạng Internet này cho thấy các máy bay chống ngầm Y-8Q (Không Tiềm-200 hay KQ-200), máy bay tác chiến điện tử Cao Tân-11 (GX-11), máy bay trực thăng Z-8 và tàu khu trục Type 052 Thanh Đảo (113) của quân đội Trung Quốc đã đậu trên đường băng, buông neo tại cầu cảng ở đá Subi và đang hoạt động trên vùng biển gần đó. Các nhà quan sát phán đoán dường như Trung Quốc đang tiến hành một cuộc tập trận chống tàu ngầm trên vùng biển Trường Sa.
Máy bay chống ngầm KQ-200 của Trung Quốc đang bay gần đá Subi (Ảnh: ISI). |
Cùng lúc đó, Đàm Khắc Phi, Phó Cục trưởng Cục Thông tin Bộ Quốc phòng kiêm người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc, hôm 26/8 đã ngang ngược tuyên bố lặp lại các luận điệu cũ “Trung Quốc có chủ quyền không thể trang cãi đối với các đảo ở Nam Hải (tức Biển Đông) và vùng biển phụ cận”; rằng “Trung Quốc cam kết nỗ lực giải quyết các tranh chấp liên quan thông qua trực tiếp đàm phán và tham vấn với các nước liên quan trên cơ sở tôn trọng sự thật lịch sử và luật pháp quốc tế”.
Đàm Khắc Phi chĩa mũi nhọn vào Mỹ khi nói rằng: “Mỹ là một quốc gia ngoài khu vực, đã phớt lờ luật pháp quốc tế và các chuẩn mực cơ bản trong quan hệ quốc tế, thường phô trương vũ lực của họ dưới chiêu bài ‘tự do hàng hải’ và khiêu khích gây rối ở Nam Hải (Biển Đông), không ngừng phá hoại nỗ lực của các nước trong khu vực nhằm duy trì hòa bình và ổn định, (Mỹ) đã trở thành kẻ trực tiếp gây nên tình hình căng thẳng ở Nam Hải (Biển Đông)”.
Máy bay chống ngầm KQ-200 dưới) và tác chiến điện tử GX-11 đậu trên đường băng sân bay đá Subi (Ảnh: ISI). |
Đàm Khắc Phi còn nhấn mạnh, “Trung Quốc kêu gọi Mỹ thực sự tôn trọng lợi ích cốt lõi và các mối quan tâm lớn của Trung Quốc, sửa đổi những lời nói và việc làm sai trái của mình và làm nhiều việc hơn nữa có lợi cho sự phát triển quan hệ giữa hai nước và quân đội hai nước”.
Ông ta cũng đánh tiếng đe dọa: “Quân đội Trung Quốc sẽ kiên quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia, an ninh và lợi ích phát triển, kiên quyết bảo vệ hòa bình và ổn định của khu vực và thế giới”.
Trong lúc đó, ngày 29/8, Cục Hải sự Trung Quốc (tức Cục An toàn hàng hải) đã ra thông báo, tuyên bố từ ngày 1/9/2021, tất cả các tàu thuyền nước ngoài phải báo cáo cho cơ quan quản lý của Trung Quốc khi đi vào lãnh hải của Trung Quốc, trong đó bao gồm vùng biển 12 hải lý xung quanh các đảo, đá mà Trung Quốc chiếm giữ, bồi đắp, tôn tạo phi pháp trên Biển Đông theo “Luật An toàn Giao thông trên biển” mới do họ ban hành tháng 4 năm nay. Động thái này đang gây nên sự phản ứng mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế.
Tàu khu trục Type 052 Thanh Đảo (113) neo đậu tại đá Subi và hoạt động trên vùng biển lân cận (Ảnh: ISI). |
Các tàu nước ngoài thuộc diện phải báo cáo bao gồm tàu ngầm/tàu lặn, tàu hạt nhân, tàu chở vật liệu phóng xạ, hóa chất, dầu, khí đốt hóa lỏng và các chất độc hại khác, cũng như các tàu bị cho là gây đe dọa đối với an toàn giao thông hàng hải Trung Quốc.
Cũng giống như nhiều quy định khác mà Trung Quốc thường công bố áp dụng ở Biển Đông, quy định lần này có nhiều sự mơ hồ để tùy nghi diễn giải theo hướng có lợi cho Trung Quốc và làm nổi bật những yêu sách phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông.
Giới quan sát lưu ý về một số điểm cố tình mập mờ trong quy định mới của Trung Quốc. Trước hết là về đối tượng áp dụng: Lâu nay Trung Quốc vẫn quy định yêu cầu các tàu quân sự nước ngoài báo cáo trước mỗi khi đi qua lãnh hải của họ. Điều này bị xem là trái với với quyền di chuyển vô hại quy định trong Công ước quốc tế Liên Hợp Quốc về luật Biển năm 1982 và vẫn thường xuyên bị Hải quân Mỹ thách thức như một phần các chuyến tuần tra thực hiện tự do hàng hải (FONOP).
Các quy định mới của Trung Quốc áp dụng theo Luật an toàn giao thông trên biển và hoạt động "tự do hàng hải" của hải quân Mỹ sẽ gây nên căng thẳng phức tạp trên Biển Đông (Ảnh: USNavy). |
Nay quy định mới của Trung Quốc đã mở rộng yêu cầu báo cáo bao gồm thêm các loại tàu kể trên, nhưng đưa vào “các tàu bị cho là gây đe dọa đối với an toàn giao thông hàng hải Trung Quốc” là một sự để ngỏ có thể cho phép họ tùy nghi diễn giải để áp dụng với bất kỳ loại tàu nào nếu họ muốn.
Thứ hai là về phạm vi áp dụng: Trung Quốc thông báo áp dụng quy định trong “lãnh hải”. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là những khu vực nào được Trung Quốc coi là lãnh hải của họ.
Trung Quốc lâu nay vẫn đề cập đến khu vực “Đường 9 đoạn” (còn gọi là Đường Lưỡi bò) một cách mơ hồ như là “vùng biển thuộc quyền tài phán”, “vùng biển kế cận” hay “vùng biển liên quan” của họ.
Đáng chú ý, tại khu vực quần đảo Trường Sa, Trung Quốc đã mạo nhận lãnh hải tại các thực thể họ đang chiếm đóng phi pháp. Những tuyên bố về lãnh hải của các thực thể này không chỉ vô hiệu vì chúng bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp, mà cũng không đủ điều kiện có lãnh hải theo quy định của luật quốc tế.
Thứ ba, liệu Bắc Kinh sẽ "xử lý" các tàu nước ngoài không tuân thủ quy định mà họ tự đề ra như thế nào? Theo các Điều 47, 48 và 49 của Luật Hải Cảnh mới của Trung Quốc, tàu nước ngoài đi vào hoặc hoạt động sản xuất trái phép trong vùng biển thuộc quyền tài phán của Trung Quốc, không chấp hành lệnh dừng hoặc từ chối cho lên tàu kiểm tra theo các cách khác; nếu việc sử dụng các biện pháp khác không đủ ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật, nhân viên cơ quan Hải Cảnh Trung Quốc có thể sử dụng vũ khí cầm tay, kể cả những loại có hỏa lực mạnh hơn, bao gồm vũ khí trên tàu hoặc trên không. Nếu không kịp cảnh cáo, hoặc nếu sau khi cảnh cáo có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng hơn, các nhân viên thực thi pháp luật có thể trực tiếp sử dụng vũ khí.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng (Ảnh: TTXVN). |
Phản ứng trước việc Trung Quốc chính thức thi hành Luật An toàn giao thông trên biển sửa đổi, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng ngày 1/9 đã tuyên bố: "Các quốc gia cần tuân thủ nghiêm túc các điều ước quốc tế mà mình là thành viên, nhất là Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982 - khuôn khổ pháp lý cho mọi hoạt động trên biển và đại dương, khi ban hành các văn bản nội luật liên quan đến biển.
Việt Nam kiên quyết, kiên trì thực hiện các biện pháp phù hợp với luật pháp quốc tế để thực thi, bảo vệ chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam; chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán trên các vùng biển của mình được xác định theo đúng quy định của UNCLOS".