Trung Quốc huấn luyện đội hình tác chiến có thể áp dụng trong trường hợp xung đột với Đài Loan

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Máy bay tác chiến điện tử J-16D của Trung Quốc đã bắt đầu khóa huấn luyện cùng các máy bay hiện đại khác, theo kênh truyền hình nhà nước.
J-16D được trang bị nhiều vũ khí, thiết bị chặn sóng và can thiệp (Ảnh: Handout)
J-16D được trang bị nhiều vũ khí, thiết bị chặn sóng và can thiệp (Ảnh: Handout)

J-16D, phiên bản tác chiến điện tử của chiến đấu cơ đa nhiệm J-16, đã tham gia vào một cuộc huấn luyện chiến đấu phối hợp ngay sau khi có màn ra mắt lần đầu tiên tại Triển lãm hàng không Chu Hải hồi cuối tháng 9 vừa qua; theo CCTV.

Wang Mingliang, chuyên gia nghiên cứu đến từ Học viện Không quân ở Bắc Kinh, nói với kênh truyền hình nhà nước rằng mẫu máy bay mới – có thể mang hàng loạt vũ khí cùng các thiết bị can thiệp và do thám – sẽ hoạt động hiệu quả hơn khi phối hợp với các chiến đấu cơ khác như máy bay tàng hình J-20.

“Cả J-16D và J-20 đều có thể né được sự phát hiện của các hệ thống radar của kẻ địch” – ông Wang nói – “Bởi vậy 2 loại máy bay này sẽ mang lại lợi ích cho nhau khi cùng ở trong một tổ đội chiến đấu tương lai.”

J-16D là một chiến đấu cơ đa nhiệm có thể chặn sóng radar của địch thủ và được thiết kế để hộ tống các chiến đấu cơ J-20 và J-10C. Cả 3 loại máy bay này đều được trang bị các hệ thống radar mảng định pha chủ động (AESA) được máy tính điều khiển, cho phép chúng liên lạc tốt hơn với nhau và phát hiện kẻ địch sớm hơn.

Zhou Chenming, chuyên gia nghiên cứu đến từ Viện Khoa học và Công nghệ quân sự Yan Wang ở Bắc Kinh, nói rằng khái niệm thiết kế J-16D “rất giống với” chiến đấu cơ đa nhiệm F-15 Strike Eagle của Mỹ.

“Chúng ta có thể thấy rằng không quân Mỹ cũng thực hiện các khóa huấn luyện theo đội cho các máy bay F-22, F-35 và F-15 của họ” – ông Zhou nói – “Các khái niệm thiết kế máy bay và huấn luyện chiến đấu của Trung Quốc lấy cảm hứng từ phía Mỹ, bởi chiến đấu trong tương lai sẽ không chỉ tập trung vào một mẫu máy bay duy nhất.”

J-20 được xem như câu trả lời của Trung Quốc với mẫu F-22 Raptor của Mỹ, trong khi chiến đấu cơ hạng nhẹ J-10C được xem là đủ sức đối đầu với F-35 của Mỹ, mặc dù nó có những đặc tính tàng hình và cơ động yếu hơn.

Trở lại năm 2017, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Shen Jingke nói rằng nhiều phi công chiến đấu cơ J-20 cũng có thể điều khiển J-16 và J-10C, hay các máy bay thế hệ mới khác. Một năm sau, Không quân Trung Quốc tung ra một bức ảnh chụp 3 chiếc máy bay này đang bay cùng nhau, gọi chúng là “xương sống” của quân đội trong không chiến.

“Vai trò của J-16 và J-16D lần đầu tiên được tiết lộ trong bức ảnh chụp công bố vào năm 2018” – ông Zhou nói – “Các nhà thiết kế máy bay Trung Quốc, giống như những người đồng nghiệp Mỹ, đã tích hợp trí tuệ nhân tạo vào các chiến đấu cơ thế hệ mới để giúp phi công phản ứng nhanh trong một trận đấu một chọi một.”

Có ít nhất 1 chiếc J-16D đã được triển khai tới căn cứ không quân của Trung Quốc có vị trí sát Đài Loan kể từ tháng 5, theo hình ảnh vệ tinh được hãng Kanwa Defense Review công bố hồi tháng trước. Tình hình căng thẳng trên eo biển Đài Loan đã tăng mạnh, đặc biệt là sau khi Trung Quốc điều số lượng máy bay quân sự kỷ lục đi vào vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan trong tháng trước.

Antony Wong Tong, nhà quan sát quân sự ở Macau, nói rằng các phi công chiến đấu cơ Trung Quốc đã được huấn luyện tác chiến giữa J-20, J-16 và J-10C kể từ năm 2019.

“Đây sẽ là đội hình chiến đấu chính, được áp dụng trong trường hợp xảy ra chiến tranh với Đài Loan” – ông Wong nói – “Đội hình này rất giống với đội hình của máy bay tác chiến điện tử Boeing EA-18G Growler của Mỹ, vốn đóng vai trò hỗ trợ trong một nhiệm vụ phối hợp với F/A-18E/F và F-35C.”